Chương trình cải cách tham vọng của Italy để thúc đẩy kinh tế
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chương trình cải cách đầy tham vọng của Italy sẽ giúp thúc đẩy kinh tế của nước này tăng trưởng 6% trong vòng 10 năm tới.
Một siêu thị ở Italy. (Nguồn: depositphotos.com)
OECD bày tỏ hy vọng rằng Italy sẽ thoát khỏi giai đoạn kinh tế đình trệ kéo dài nếu chương trình cải cách của nước này, bao gồm cả cải cách về thị trường lao động và hệ thống thuế, được thực hiện một cách thích hợp.
Chương trình cải cách của Thủ tướng Italy Matteo Renzi cũng bao gồm cả việc sửa đổi luật bầu cử và hệ thống tư pháp kém linh hoạt, cũng như hệ thống giáo dục.
Theo OECD, thay đổi thực sự trong chương trình cải cách của ông Renzi chính là Luật lao động, đã được Thượng viện nước này thông qua vào tháng 12 năm ngoái mang lại sự năng động hơn cho thị trường việc làm của Italy.
Tổng Thư ký OECD, ông Angel Gurria khẳng định Italy đang đạt kết quả chưa từng thấy trên con đường cải cách. Điều này không chỉ góp phần kích thích kinh tế tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và giúp Italy trở thành một nước quan trọng, mà còn mang lại niềm tin cho cả hệ thống ở cấp độ châu Âu.
Ông Gurria cũng cho biết, chương trình cải cách của Italy giúp đưa thêm các nguồn lực đến trực tiếp với các lĩnh vực quan trọng của xã hội như giáo dục, mạng lưới an sinh xã hội, việc làm và hạ tầng chủ chốt. Tuy nhiên, cần có thời gian trước khi những thay đổi trên có thể tạo ảnh hưởng đối với nền kinh tế của Italy.
Theo dự báo của Ủy ban châu Âu công bố vào hồi tháng Một vừa qua, GDP của Italy sẽ tăng trưởng 0,6% trong năm nay, cao hơn một chút so với mức dự báo trước đó và sẽ tăng 1,6% vào năm 2016.
Việc kinh tế Italy tăng trưởng dần trở lại chủ yếu là do nhu cầu ngày càng tăng của nước ngoài đối với các sản phẩm của nước này và do chương trình kích thích tăng trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu đưa ra từ giữa tháng Một./.
Đức Hòa
Vietnam+
|