Bộ Công thương: Cổ phần hóa chậm do người đứng đầu doanh nghiệp
Cả năm 2014 Bộ Công thương chỉ thực hiện được 48% kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc bộ đã đề ra hồi đầu năm. Bộ này cho rằng, nguyên nhân chủ quan là do thiếu tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến tiến trình.
* Cổ phần hóa: 2015, đảm bảo IPO là thật chứ không phải bong bóng!
Khách hàng mua sắm tại Vinatex mart, công ty con của Vinatex. Ảnh: TL
Bộ Công thương hiện là cơ quan đại diện vốn nhà nước tại 5 tập đoàn, 5 tổng công ty và 4 công ty TNHH một thành viên, chưa kể đại diện phần vốn nhà nước tại nhiều công ty cổ phần rất lớn khác.
Tuy số lượng doanh nghiệp mà bộ này đại diện vốn không nhiều nhưng quy mô và tính chất quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty này trong nền kinh tế rất lớn; ví dụ như Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn công nghiệp Than-khoáng sản (TKV)… Mỗi tập đoàn lại có hàng chục tổng công ty, công ty con với quy mô cũng rất lớn.
Theo kế hoạch đề ra, hết năm 2015 các doanh nghiệp nhà nước, kể cả các tập đoàn, tổng công ty trong danh sách phải cổ phần hóa sẽ phải hoàn tất mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, hết năm 2014, Bộ Công thương chỉ mới cổ phần hóa xong Tập đoàn Dệt may (Vinatex) và Tổng công ty công nghiệp Dầu thực vật (Vocarimex). Các tập đoàn, tổng công ty thuộc bộ mới chỉ cổ phần hóa được 13 doanh nghiệp thành viên.
Vấn đề đặt ra là không phải thị trường vốn, thị trường chứng khoán sa sút ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương, bởi các doanh nghiệp này đều là những tên tuổi “hút hàng”.
Thực tế là khi Vinatex phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), họ đã bán hết 24% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược và 22,11% đấu giá ra ngoài công chúng, thu về 2.500 tỉ đồng. Hiện nhà nước chỉ còn giữ 53,49% vốn điều lệ tại đây. Hoặc ở Vocarimex, tổng công ty (TCT) đã bán hết 63,7% vốn nhà nước, thu về 956 tỉ đồng. Như vậy, tổng số tiền thu về qua hai đợt bán cổ phần nói trên là rất lớn: 3400 tỉ đồng.
Nếu bộ làm quyết liệt hơn, chắc chắn kết quả thoái vốn nhà nước sẽ có nhiều thay đổi, ảnh hưởng tốt hơn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc bộ.
Nhưng thực tế mục tiêu chỉ đi được 48% chặng đường, một kết quả thấp so với Bộ GTVT, nơi đạt 158% kế hoạch đề ra và có danh sách các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ khó cổ phần hóa hơn Bộ Công thương rất nhiều.
Lý giải về kết quả yếu kém, trong báo cáo về công tác cổ phần hóa 2014, Bộ Công thương thừa nhận là do tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp phải cổ phần hóa thấp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình cổ phần hóa. Mặt khác, sự chỉ đạo của bộ chưa quyết liệt cũng là nguyên nhân ảnh hưởng không tốt.
Nhiệm vụ của bộ này trong năm 2015 là phải cổ phần hóa 3 tổng công ty: TCT máy thực vật và nông nghiệp, TCT máy & thiết bị công nghiệp và IPO TCT giấy Việt Nam. Ngoài ra, bộ phải phê duyệt phương án cổ phần hóa của 27 doanh nghiệp khác thuộc các tập đoàn, TCT.
Nếu vẫn giữ tốc độ như trên thì kế hoạch cổ phần hóa năm 2015 của bộ chắc chắn không hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Chỉ đạo của Thủ tướng về đối mới, sắp xếp DNNN từ 2012-2015 đã yêu cầu cách chức những người đứng đầu các doanh nghiệp chậm trễ cổ phần hóa. Tuy nhiên, đến nay, chưa có lãnh đạo doanh nghiệp nào thuộc Bộ Công thương không hoàn thành nhiệm vụ trên mà bị cách chức.
Lan Nhi
tbktsg
|