Biến động tại OGC: Nhân tố cũ thay đổi ra sao, nhân tố mới nào lộ diện?
Sau thông tin ông Hà Văn Thắm – Nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dương (HOSE: OGC) bị khởi tố để phục vụ điều tra làm rõ một số sai phạm cá nhân kể từ ngày 24/10/2014 thì tại đây có nhiều đổi thay, rõ nét nhất là cơ cấu cổ đông với hàng loạt thông báo thoái vốn của các cổ đông cũ gắn bó từ lâu với tập đoàn.
* Báo cáo quản trị OGC 2014: OGC - Bao cao Quan tri nam 2014.pdf
Đầu tiên là việc cổ đông lớn nhất tại OGC, doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo – do chính ông Hà Văn Thắm là chủ sở hữu, đã phải bán giải chấp cổ phiếu theo yêu cầu của Công ty Chứng khoán Đại Dương (OCS) và ngân hàng Đại Dương (Oceanbank). Cụ thể, OCS đã yêu cầu Hà Bảo bán giải chấp 35.8 triệu cổ phiếu, Oceanbank yêu cầu bán 12.7 triệu cổ phiếu. Với giao dịch này, Hà Bảo đã phải bán tổng cộng 48.3 triệu cổ phiếu và giảm tỷ lệ sở hữu tại OGC từ mức 44.37% xuống 28.26%.
Sau Hà Bảo, cổ đông lâu năm CTCP Thương mại Đầu tư và Xây dựng Thành Đông nắm 24 triệu cổ phiếu, ứng với 8% vốn cũng liên tục đăng ký bán cổ phiếu OGC. Tính đến hiện tại, công ty này đã bán 15.8 triệu cổ phiếu OGC, giảm sở hữu xuống còn 2.72% và không là cổ đông lớn của OGC.
Tiếp theo, công ty Đầu tư và Xây dựng sông Đà, tổ chức có liên quan đến cổ đông nội bộ là bà Nguyễn Thị Dung (Phó TGĐ kiêm Thành viên HĐQT OGC) cũng đã bán toàn bộ 20.6 triệu cổ phiếu OGC, giảm sở hữu xuống 14.6 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 4.87% vốn và không còn là cổ đông lớn kể từ ngày 05/12. Qua đầu năm 2015, tỷ lệ sở hữu của Đầu tư và Xây dựng sông Đà tiếp tục giảm xuống còn 13.43 triệu cổ phiếu, ứng với 4.5% vốn OGC. Theo báo cáo quản trị 2014 thì công ty này đã thoái hết vốn và không còn là cổ đông của OGC. Đồng thời, gần đây thì cá nhân bà Dung cũng đã chuyển nhượng thành công toàn bộ 120,000 cổ phiếu OGC nắm giữ.
Ngoài ra, một trong hai cổ đông lớn nước ngoài, Market Vectors ETF Trust cũng đã bán 2 triệu cổ phiếu OGC, qua đó giảm sở hữu xuống còn 16.2 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 5.4% vốn.
Có thể thấy, cơ cấu cổ đông của OGC chỉ có 4 đơn vị sở hữu trên 5% vốn và thuộc diện phải công bố thông tin thì cả 4 đều có biến động giảm mạnh về tỷ lệ sở hữu.
Tuy nhân tố cũ biến động lớn như vậy nhưng nhân tố mới vẫn nằm trong vòng bí ẩn bởi chưa ai công khai trở thành cổ đông lớn của OGC. Tính đến hiện tại, ngân hàng Nam Á (NamABank) là cổ đông mới duy nhất lộ diện. Cụ thể, đầu tháng 1/2015, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo đã chuyển quyền sở hữu 5.36 triệu cổ phiếu OGC từ Đầu tư và Xây dựng sông Đà sang cho NamABank. Bên cạnh thu mua cổ phiếu OGC, NamABank cũng thu mua cả cổ phiếu OCH của CTCP Khách sạn và DV Đại Dương (HNX: OCH), công ty con của OGC. Tổng cộng, ngân hàng này đã gom 3.25 triệu cổ phiếu (1.6% vốn) OCH từ Đầu tư và Xây dựng sông Đà cùng bà Nguyễn Thị Lan Hương.
*Thống kê theo những thông tin giao dịch được công bố
|
Cùng hàng loạt biến cố, trong gần 3 tháng qua, cổ phiếu OGC rớt khá mạnh từ mức 13,000 đồng xuống 5,500 đồng, đồng thời thanh khoản cũng tăng đột biến, điển hình phiên ngày 12/01/2015 đã có trên 32 triệu cổ phiếu OGC được chuyển nhượng. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý, điệp khúc giá cổ phiếu bị đạp sàn vài phiên sau đó lại phục hồi lại liên tục diễn ra cho thấy luôn có một lực cầu mạnh đỡ cho cổ phiếu này. Bàn tay nào đã gom cổ phiếu OGC vẫn còn bí ẩn!
Diễn biến giao dịch OGC từ thời điểm ông Thắm bị bắt tới nay
|
Mỹ Hà
|