Thứ Hai, 02/02/2015 06:17

‘Vũ khí hạng nặng’ liệu có tác dụng?

Gói QE được xem như một vũ khí hạng nặng tấn công vào “con khủng long” kinh tế trì trệ của lục địa già và nguy cơ giảm phát đang đe dọa.

Super-Mario là cái tên được báo chí châu Âu nhắc tới nhiều nhất trong những ngày vừa qua. Chủ tịch Ngân hàng Trung Ương châu Âu (ECB) Mario Draghi sẽ đi vào lịch sử bằng gói “Nới lỏng định lượng” (QE) trị giá gần 1.300 ngàn tỷ USD. Theo đó, ECB sẽ triển khai chương trình mua tài sản (bao gồm các chứng khoán của cả khu vực công và khu vực tư nhân) với giá trị lên tới 69 tỷ USD mỗi tháng. Trong đó, tập trung chủ yếu vào trái phiếu chính phủ - loại tài sản lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất ở eurozone.

Các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa thông báo ECB sẽ dùng tiêu chí phân loại chất lượng trái phiếu như thế nào. Nhưng các lựa chọn chỉ giới hạn trong các tài sản được xếp hạng tín nhiệm AAA hoặc ít nhất là BBB-. QE sẽ được triển khai cho tới tháng 9/2016, tức ECB sẽ mua các tài sản có tổng giá trị 1.100 tỷ euro. ECB đã cam kết sẽ mở rộng quy mô bảng cân đối kế toán lên 3.00 tỷ euro để chống giảm phát. Hiện ECB có 2.200 tỷ euro và con số này sẽ giảm xuống trong những tuần tới, khi 200 tỷ euro nợ dành cho các ngân hàng từ thời khủng hoảng đáo hạn.

Gói QE được xem như một vũ khí hạng nặng tấn công vào “con khủng long” kinh tế trì trệ của lục địa già và nguy cơ giảm phát đang đe dọa. Quan trọng hơn, nó hướng tới thúc đẩy tâm lý của cả nền kinh tế khối Eurozone là mục đích lâu dài. Khi các nước thành viên EU đang trong trạng thái tê liệt với hiện tượng thương nhân không muốn đầu tư, người tiêu dùng không muốn mua hàng và ngân hàng không muốn cho vay, thì một đòn bẩy đang là cần thiết. Gói QE càng lớn thì hiệu quả càng khả quan khi tâm lý của nền kinh tế bị thuyết phục rằng giá cả sẽ tiếp tục tăng.

Mục tiêu của QE, tuy vậy, vẫn còn là dự đoán lý thuyết. Các ý kiến phản biện QE từ sự hiệu quả trước mắt lẫn lâu dài. Thứ nhất, gây ra khủng hoảng trong dài hạn và suy giảm vị thế, bởi EU không phải là đồng tiền dự trữ quốc tế như USD. Nếu không thể thúc đẩy kinh tế nhằm cân bằng lượng tiền – hàng hóa thì sẽ dẫn tới lạm phát sâu do cung tiền tăng quá nhanh với số lượng lớn.

Cần lưu ý rằng QE tỏ ra hiệu quả ở Mỹ bởi USD là tiền tệ dự trữ quốc tế có uy tín lớn nhất. Do đó, việc in thêm tiền trên thực tế chính là đẩy gánh nặng sang các nước khác. Việc USD được bơm ào ạt vào thị trường sẽ dẫn đến giá USD liên tục giảm, và giá các loại hàng hóa khác tăng lên, dẫn đến tình trạng lạm phát ở nhiều nước.

Euro không hề có vị trí tương tự, nên biện pháp QE có thể sẽ mang lại khủng hoảng về dài hạn, và sư mất giá đồng tiền chỉ dẫn tới suy giảm vị thế.

Thứ hai, sự trì trệ quá lâu khiến biện pháp không có hiệu quả. Tỉ lệ thất nghiệp ở châu Âu hiện ở mức 11,5% - gấp đôi Mỹ khi họ thực hiện QE, nên sự giảm giá hàng hóa toàn diện sẽ dẫn tới thảm họa. Do tin rằng chúng sẽ tiếp tục giảm giá nhiều hơn, nên người tiêu dùng sẽ có xu hướng hoãn mua các sản phẩm giá trị lớn. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với mục đích kích cầu của QE.

Thêm vào đó, các khoản nợ cố định như thế chấp và vay ngân hàng sẽ trở nên khó khăn hơn do giá cả hàng hóa đi xuống. Đối với các quốc gia vốn đã ngập trong nợ như Hy Lạp, Ireland và Ý thì tình hình sẽ càng tệ hơn.

Gói QE liệu có phát huy tác dụng như kỳ vọng. Ảnh:Reuters

Thứ ba, các chuyên gia hiện lo lắng rằng gói QE 1,1 ngàn tỷ của ECB sẽ không thể đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Hai lý do chính được đưa ra là (1) sự thỏa hiệp chia sẻ rủi ro trong hệ thống ngân hàng trung ương eurozone và (2) gần như mọi chuyện đã quá trễ để có thể cứu vớt nền kinh tế khỏi trì trệ do “thắt lưng buộc bụng” quá lâu.

Theo Larry Summers – Cựu Bộ trưởng Bộ tài chính Mỹ thì “Thật là sai lầm khi nghĩ rằng QE là liều thuốc bách bệnh tại châu Âu, hoặc nó đủ hiệu quả”. Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman cho rằng “cơn lốc giảm phát” đang kéo lùi kinh tế thế giới, và giá thành giảm sẽ gây ra vòng xoáy suy giảm không thể cữu vãn trong nhu cầu. Ngân hàng thế giới (WB) và Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) dường như cũng đồng tình với ý kiến này khi cả hai đã giảm dự đoán tăng trường xuống vài mức trong thời gian gần đây.

Theo Giáo sư kinh tế chính trị Allan H. Meltzer tại Đại học Carnegie Mellon thì “QE chỉ thúc đẩy thị trường tài chính, nhưng không có tác dụng với nền kinh tế”. Theo Andrew Huszar,một trong những giám đốc của Cục dự trữ Liên bang Mỹ, ngân hàng sẽ có tiền, nhưng sẽ việc cho mượn sẽ không tăng. Thay vào đó, các thể chế tài chính “lấy tiền mặt và đầu tư vào các thị trường cổ phiếu và trái phiếu, tự cứu lấy họ (các ngân hàng) vì lợi ích của họ”. Về mặt chính trị, QE “chỉ khiến vấn đề tệ hơn”, bởi nó “giảm áp lực cải cách cấu trúc sâu rộng của chính phủ. Vì để Ngân hàng trung ương in tiền sẽ dễ hơn nhiều”.

Đó cũng đó là lý do Đức phản đối chương trình này. Hans Michelback – Chủ tịch Ủy ban tài chính Nghị viện của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo Đức (CDU/CSU) đã cáo buộc ECB phá luật tài chính quốc gia và chính sách của ECB sẽ “không có tác động thực tế tới nền kinh tế và thất bại”. Còn Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank cho rằng đây là cách thức giúp chính phủ các nước hợp thức hóa việc in thêm tiền trả nợ và giảm gánh nặng cải tổ kinh tế.

Lo ngại này đang bị đè nặng bằng tin tức đến từ Hy Lạp. Đảng cực tả Syriza vừa thắng cử ngày 26/1, thể hiện xu thế “chán chường” của người dân xứ này với chính sách thắt lưng buộc bụng mấy năm qua của chính phủ Athen dựa trên nguyên tắc chỉ đạo từ phía EU. Liệu một chính phủ mới từ Athen có đề xuất quá trình tái đàm phán việc trả nợ và đặt ra yêu cầu giảm bỏ những chính sách cải cách từ EU?

Ở Hy Lạp người ta gọi đây là “bá quyền EU” hay “áp đặt từ Berlin” để chỉ những chính sách thắt lưng buộc bụng theo kiểu người Đức đang  áp đặt lên người dân và chính phủ nước này. Ở Đức một bộ phận giới tinh hoa yêu cầu đưa Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiên chung, một nhóm khác đòi nước này phải có những cải cách nghiêm túc để có thể tiếp tục nhận được viện trợ từ Brussel.

Khó có thể nói rằng hệ quả của QE sẽ làm xu hướng “phản kháng” chính sách cải cách trong khắc khổ của EU tăng lên và những thành quả cải cách trở thành vô ích. Nhưng trước mắt, những luồng ý kiến khác nhau trong nội bộ các nước eurozone cho thấy sự phức tạp của tình hình. ECB luôn mong muốn khẳng định sự độc lập của mình trong những quyết định, nhưng nó cũng là một phần của thiết chế EU. Vì thế sư phối hợp, chứ không phải tự đi tìm một con đường riêng lẻ, mới là kết quả được các giới chính trị từ Brussel mong muốn.

Vũ Quỳnh

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   Hy Lạp từ chối khoản vay mới bất chấp khó khăn tài chính (01/02/2015)

>   Hơn 40% người dân Italy muốn rời khỏi Khu vực Eurozone (01/02/2015)

>   Căng thẳng chính trị khiến đầu tư của Nhật vào Trung Quốc giảm (01/02/2015)

>   Venezuela giảm tới hơn 50% khoản nợ mua dầu khí cho Dominicana (01/02/2015)

>   Đức sẵn sàng hỗ trợ Hy Lạp gói tín dụng trị giá 20 tỷ euro (31/01/2015)

>   Vàng tăng 8% trong tháng leo dốc mạnh nhất 3 năm (31/01/2015)

>   Đồng rubble giảm giá mạnh do BoR bất ngờ hạ lãi suất chủ chốt (30/01/2015)

>   CPI giảm tương đương kỷ lục, Eurozone tiếp tục chìm sâu trong giảm phát (30/01/2015)

>   Đồng USD giảm do giới đầu tư chờ số liệu tăng trưởng của Mỹ (30/01/2015)

>   Giá cả tiêu dùng tại Đức đã giảm lần đầu tiên trong 6 năm (30/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật