Vì sao đồng EUR chạm đáy 9 năm?
Đồng EUR đang trên đà giảm giá mạnh và đóng cửa tại mức đáy mới 9 năm vào ngày thứ Năm. Vậy điều gì đã khiến đồng tiền chung “bị thất sủng” quá nhanh đến như vậy?
* Đồng EUR chìm xuống đáy mới 9 năm
* Fed chưa thể nâng lãi suất trước tháng 4/2015
* Giảm phát trở lại với châu Âu lần đầu từ năm 2009
* Báo Đức: Berlin đã sẵn sàng để Hy Lạp rời khỏi Eurozone
* Đức , Pháp bất đồng về khả năng Hy Lạp rút khỏi Eurozone
Hôm thứ Hai, đồng EUR cũng từng chạm mức thấp nhất trong 9 năm so với đồng bạc xanh trước khi thu hẹp đà giảm và nhích về mức 1.19 USD. - Nguồn: Economic Times
|
Cụ thể trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, đồng EUR đã giảm còn 1.17540 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2005 trên sàn EBS. Các chuyên viên giao dịch cho rằng rào cản đối với đồng EUR là tại 1.1750 USD.
Hôm thứ Tư, đồng tiền chung cũng tích tắc rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2006 so với đồng USD sau khi nhận được thông tin Eurozone rơi vào giảm phát lần đầu tiên từ năm 2009. Dù vậy, đồng tiền chung sau đó đã rút ngắn đà giảm còn 0.39% và khép phiên tại 1.18440 USD.
Trước đó vào ngày thứ Hai, đồng EUR cũng từng chạm mức thấp nhất trong 9 năm so với đồng bạc xanh trước khi thu hẹp đà giảm và nhích về mức 1.19 USD. Tại mức giá này, đồng EUR đã giảm 20 xu (tương ứng khoảng 14%) so với thời điểm tháng 5/2014. Vậy điều gì đã khiến đồng tiền chung này “bị thất sủng” quá nhanh đến như vậy?
1. Đồng USD quá mạnh
Phần lớn đà sụt giảm gần đây của đồng EUR đều liên quan đến đà tăng của đồng bạc xanh. Trong nửa cuối năm 2014, đồng USD đã tăng mạnh so với tất cả các đồng tiền chủ chốt khác trên toàn cầu, chẳng hạn như đồng Bảng Anh, đồng franc Thụy Sỹ và đồng JPY Nhật.
Kinh tế Mỹ đang mở rộng mạnh mẽ với mức tăng trưởng 5% trong quý 3/2014 và đang tạo việc làm với tốc độ rất nhanh. Điều đó đã cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngừng chương trình kích thích khẩn cấp được biết đến với tên gọi nới lỏng định lượng (QE) và bắt đầu bàn luận về thời điểm nâng lãi suất từ các mức thấp kỷ lục như hiện nay.
Trong khi đó tại Eurozone, tỷ lệ thất nghiệp đang ở gần các mức cao kỷ lục, kinh tế trì trệ, và nguy cơ rơi vào giảm phát rất cao. Hoặc như tại Nhật Bản, các quan chức nước này đã dùng tất cả các biện pháp kích thích có thể.
2. QE phiên bản châu Âu sắp xuất hiện
Ngay khi Fed bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ thì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại xem xét khả năng tung ra gói QE của chính mình – có thể sớm nhất là tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 22/01 – nhằm đẩy lùi rủi ro giảm phát.
Chủ tịch ECB Mario Draghi đã bỏ qua cơ hội sử dụng “vũ khí” quan trọng cuối cùng tại cuộc họp tháng 12 vừa qua khi cho rằng ông cần thêm thời gian để đánh giá tác động từ đà sụt giảm của giá dầu đối với lạm phát, tăng trưởng và tiền lương tại khu vực này.
Kể từ thời điểm đó đến nay, bức tranh đã trở nên ảm đạm hơn và các quan chức ECB đang khá tất bật để đưa ra phương án khởi động chương trình mua trái phiếu Chính phủ, trên thực tế là in đồng EUR với số lượng lớn.
Số liệu ước tính sơ bộ được công bố hôm thứ Tư (08/01) cho thấy Eurozone đã rơi vào giảm phát lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 vào tháng 12/2014.
Kỳ vọng ECB sẽ hành động càng tăng cao vào hôm thứ Hai sau khi Đức cho biết lạm phát tháng 12/2014 của nước này suy yếu chỉ còn 0.1%, kém khả quan hơn so với kỳ vọng của các nhà phân tích.
3. Nỗi lo sợ ngày càng sâu sắc về Hy Lạp
Một tác nhân khác đang gia tăng sức ép lên đồng EUR chính là khả năng cuộc bầu cử vào ngày 25/01 tới tại Hy Lạp có thể khiến khủng hoảng nợ Eurozone tái diễn.
Dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận hiện nay là đảng đối lập Syriza. Đảng này muốn đàm phán lại các điều khoản của gói cứu trợ trị giá 240 tỷ EUR mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp cho Hy Lạp, trong đó có việc xóa bỏ một phần trong khoảng nợ khổng lồ của nước này và bãi bỏ một số biện pháp “thắt lưng buộc bụng” khắc nghiệt.
Đức và các quốc gia khác sẽ phản đối những yêu cầu trên. Việc nhượng bộ trước Athens có thể khuyến khích các quốc gia có nợ công cao đưa ra các yêu sách tương tự.
Giới truyền thông cho biết Chính phủ Đức có thể tồn tại khi Hy Lạp rút khỏi Eurozone nếu điều này là tất yếu.
Và cho tới thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy bất ổn tại Hy Lạp sẽ lây lan sang các quốc gia khác. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland vẫn đang ổn định trong khi chi phí vay mượn của Hy Lạp đã tăng mạnh.
Khả năng cao nhất có thể xảy ra là một thỏa hiệp không đem lại sự hài lòng cho nhà đầu tư.
Phước Phạm (Theo CNN Money)
|