Triển khai dự án cáp treo lên đỉnh Fansipan: Văn bản trái chiều hay là sự liều lĩnh?
Việc triển khai dự án “Quần thể công trình du lịch văn hoá dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí, khách sạn Fansipan Sa Pa” có nhiều luồng ý kiến ủng hộ, phản đối, bởi ngoài quy mô đồ sộ của dự án, thì còn liên quan mật thiết đến khu du lịch nổi tiếng ở Sa Pa và đỉnh Fansipan - nóc nhà của Đông Dương (cao 3.143 mét).
Nhưng việc các cơ quan chức năng đưa ra những văn bản trái chiều, việc triển khai xây dựng khi chưa đủ giấy phép đã thực sự gây sốc bởi nó ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng, khiến dư luận nghi ngờ về độ an toàn của hệ thống cáp treo 3 dây hiện đại lần đầu xuất hiện ở VN.
* 4.400 tỷ đồng cho dự án cáp treo lên đỉnh Fansipan
Vị trí xây dựng ga đi của dự án cáp treo Fansipan. Ảnh: Huy Bình
|
Hoành tráng nhưng có an toàn?
Dự án quần thể công trình du lịch văn hoá dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí, khách sạn Fansipan Sa Pa ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư của tỉnh vào ngày 31.5.2013 và giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ nhất vào ngày 28.3.2014. Theo giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đầu tư dự án là 2.638 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 6.2017. Trong đó, tuyến cáp treo lên gần đỉnh Fansipan dài khoảng 6.500 mét, độ chênh cao tuyệt đối 1.640 mét, công suất vận chuyển tối đa 2.000 lượt khách/giờ, cabin chở tối đa 34 khách/lượt.
Toàn tuyến cáp có 6 trụ đỡ giữa tuyến và 4 trụ neo đầu tại ga đi và ga đến. Nhà ga đến gần đỉnh Fansipan (cao độ 3.000 mét) chiếm tổng diện tích 7,75ha. Trong đó, khu ga đến gồm: Khu công viên văn hoá tâm linh, dịch vụ du lịch, khu tham quan đỉnh Fansipan... Ở trên đỉnh núi cheo leo đó, 7,75ha là một diện tích rất lớn, sẽ choán rất nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ - điều mà du khách muốn khám phá.
Ông Trần Minh Sơn - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group (trong đó Cty TNHH dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan là Cty thành viên) - chủ đầu tư dự án - cho biết, nếu như các hệ thống cáp treo hiện có ở VN đều là cáp treo 1 dây, thì hệ thống cáp treo sử dụng ở Fansipan là hệ thống cáp treo 3 dây, và cabin của hệ thống này chứa được tới 34 khách. Tổng tải trọng của toàn hệ thống cáp treo này lên đến khoảng 400 tấn.
Tuy nhiên theo một số chuyên gia, cáp treo này khi lên gần tới đỉnh Fansipan, nơi luôn hứng chịu các đợt gió khốc liệt thì việc đảm bảo an toàn cho nó không đơn giản, đặc biệt là công suất vận chuyển lên tới 2.000 khách/giờ. Điều này cho thấy, việc triển khai công trình này đòi hỏi cần phải được tôn trọng hết sức nghiêm ngặt quy trình xây dựng vì vấn đề an toàn cho du khách phải được đặt lên hàng đầu.
Tiền trảm hậu tấu?
Ngày 16.12.2014, Bộ Xây dựng có công văn số 3268 khẳng định, vì dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 ở cả khu vực ga đi, ga đến cùng các công trình phụ trợ, nên không yêu cầu thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng. Dựa vào văn bản này, 6 ngày sau, UBND tỉnh Lào Cai cũng có CV số 5151 khẳng định, các công trình thuộc dự án này được miễn cấp giấy phép xây dựng. Nhưng, sau đó, ngày 30.12.2014, CV số 288 của Sở Xây dựng (XD) Lào Cai lại vẫn khẳng định rằng, công trình này không được miễn cấp giấy phép xây dựng và yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định hiện hành gửi Sở XD để thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng công trình. Vậy, vì đâu Sở XD khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình?
Việc ai đúng, ai sai trong việc miễn cấp giấy phép xây dựng xin nhường các cơ quan có thẩm quyền phán xét, nhưng chắc chắn rằng, trước khi có ý kiến chính thức của Bộ XD, UBND tỉnh Lào Cai về việc miễn cấp phép xây dựng thì ở một số hạng mục, chủ đầu tư đã tiến hành thi công bình thường theo kiểu "tiền trảm hậu tấu" dù vẫn còn thiếu nhiều loại giấy tờ. Điều này thể hiện rõ trong CV số 216 ngày 29.10.2014 của Sở XD tỉnh Lào Cai.
Theo CV này, nhà ga đến và các trụ cáp chưa thực hiện bước phê duyệt dự án và chưa có bất cứ loại hồ sơ nào liên quan đến hạng mục này, trừ quyết định phê duyệt quy hoạch. Vậy mà công trình ga đến đã đào hố móng, còn với các trụ cáp, có trụ cáp đã thi công xong 100% phần bêtông cốt thép móng trụ; có trụ mới xong 25% hoặc 50% và một móng mới đào hố móng (số liệu của chủ đầu tư cung cấp cho Sở XD - PV). Vậy việc làm này của chủ đầu tư liệu có thể coi là liều lĩnh không?
Câu hỏi này được sáng tỏ hơn khi chúng tôi so sánh về mặt thời gian với một số CV khác của các cơ quan có thẩm quyền:
Thứ nhất, ngày 20.11.2014 (sau thời điểm của CV 216 gần 1 tháng), Bộ XD mới có CV số 647 thông báo về kết quả thẩm tra hạng mục phần móng tuyến cáp. Đến thời điểm này, CV này mới kết luận: “Hạng mục móng tuyến cáp… đủ điều kiện trình phê duyệt thiết kế”.
Thứ hai, ngày 31.12.2014 (sau CV 216 tới gần 2 tháng), CV số 3516 của Bộ XD mới có ý kiến: Thiết kế cơ sở công trình khu ga đến và công viên văn hóa thuộc dự án “Quần thể du lịch văn hóa… về cơ bản phù hợp với quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đã được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt…”. Vậy mà, trước đó bao nhiêu hạng mục của dự án này đã được thi công.
Thứ ba, cho đến ngày 30.12.2014, CV số 288 của Sở XD vẫn khẳng định, trừ phần vỏ bao che khu nhà ga đi và khu khách sạn 4 sao, chủ đầu tư chưa thực hiện lập thiết kế kỹ thuật thi công, không có hồ sơ dự án thiết kế được duyệt và tổng dự toán mà vẫn tổ chức thi công.
Tương tự, việc nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Chí Thanh (một phần của dự án đồ sộ này) đã được tổ chức khởi công xây dựng khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt và không có giấy phép xây dựng. Chính vì vậy, trong CV số 216 gửi lãnh đạo tỉnh, Sở XD đã kiến nghị: Xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; buộc chủ đầu tư ngừng ngay việc tổ chức thi công.
Khẳng định sai, sao không xử?
Tuy nhiên, dư luận không thể không đặt câu hỏi: Trách nhiệm của cơ quan chức năng (cụ thể là Sở XD) đến đâu khi chỉ thấy kiểm tra rồi... để đấy. Chẳng hạn, CV số 216 đã chỉ rõ, chủ đầu tư đã thi công nhưng chưa có bất cứ loại hồ sơ liên quan nào, nhưng đến ngày 30.12.2014 (sau 2 tháng so với CV 216), trong CV số 288 vẫn chỉ nhắc lại: Khu nhà ga đến đang thi công, nhưng chưa có hồ sơ thiết kế được thẩm tra và phê duyệt; các điểm trụ cáp (gồm móng trụ, móng trụ cáp trong ga đến, ga đi, trụ cột, tuyến cáp) đã tổ chức thi công nhưng chưa có hồ sơ theo quy định…
Như vậy, liệu Sở XD đã làm tròn chức trách của mình chưa hay chỉ kiểm tra, báo cáo để tự bảo vệ mình khi có sự cố và tại sao sở này không có biện pháp hữu hiệu để đình chỉ thi công? Câu hỏi này đặt ra bởi, vì trong các ngày 20 - 21.1.2015 vừa qua, thanh tra sở này lên kiểm tra, nhưng theo nguồn tin riêng của chúng tôi, thì vẫn chỉ là… liệt kê sai phạm. Khi chúng tôi đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng Tô Trọng Tôn cho biết kết quả thanh tra thế nào (có xử phạt hay không và phạt mức độ nào), ông Tôn đã từ chối cung cấp.
Vương Hà - Công Thắng
lao động
|