Thứ Tư, 14/01/2015 13:08

SZL: Dư dả tiền nhưng khó “nới room” để phát triển?

Nhờ lượng tiền mặt dồi dào, không vay nợ ngân hàng lãi suất cao là lợi thế giúp CTCP Sonadezi Long Thành (HOSE: SZL) sống tốt qua thời kỳ khủng hoảng so với nhóm doanh nghiệp bất động sản khác. Song đến thời điểm hiện tại, khi thị trường bất động sản đón nhận những tín hiệu tích cực, liệu chăng, ban lãnh đạo SZL cần tăng “nhiệt” trong việc sử dụng đồng vốn?

Điểm nhấn doanh thu chưa thực hiện

Rảo qua các diễn đàn thời điểm BCTC quý 3/2014 của SZL chuẩn bị được công bố, khá nhiều nhà đầu tư rỉ tai nhau và đồn đoán về khả năng ghi nhận một phần lớn khoản doanh thu chưa thực hiện ngay trong năm 2014. Giá của cổ phiếu này theo đó cũng tăng nhịp nhàng từ 15x lên mức giá 22x, thanh khoản của cổ phiếu này thời điểm bấy giờ dù không cao nhưng vẫn được đánh giá khá tích cực so với giai đoạn “chìm nghỉm” lúc trước.

Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, sau khi cổ phiếu đạt mốc 22x, một trận “tháo hàng” mạnh đã diễn ra chóng vánh. Và cổ phiếu trở lại trầm lắng sau đợt “náo loạn lòng dân” của dòng tiền đầu cơ này.

Diễn biến giao dịch của SZL từ tháng 2/2014 đến nay

Đi sâu hơn vào hoạt động của SZL, đây là công ty con của Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (KCN) - Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chuyên phát triển các KCN ở khu vực miền Nam. SZL hiện đang quản lý KCN có diện tích 488ha ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với tỷ lệ lấp đầy hơn 80%.

Trong cơ cấu doanh thu qua các năm của SZL, doanh thu từ cho thuê đất chiếm tỷ trọng cao nhất với xấp xỉ gần 30%, kế đến là doanh thu từ 3 hoạt động gồm thuê nhà xưởng, kinh doanh nước và xử lý nước thải có khoản đóng góp ngang nhau là 20%.

Cơ cấu doanh thu của SZL 3 quý đầu năm 2014

Mặc dù doanh thu của SZL dường như không có nhiều biến động, song khoản doanh thu chưa thực hiện lại tăng đều từ năm 2010 đến nay. Theo BCTC quý 3/2014, khoản mục này đã lên đến 562 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm và gấp đến 3.5 lần so với số ghi nhận đầu năm 2012 khi đó chỉ có 160 tỷ đồng.

Tìm hiểu ngọn nguồn về khoản doanh thu chưa thực hiện này thì đây là khoản tiền SZL đã được nhận trước của khách hàng theo hợp đồng cho thuê đất và sẽ được phân bổ đều theo thời gian gần 50 năm. Nhờ khoản tiền thuê này, SZL dường như đã “trữ sẵn” một phần kha khá chỉ chờ… phân bổ đều qua mỗi quý. Tuy sẵn nguồn thu ổn định, song với tỷ lệ lấp đầy hiện nay là 80%, việc doanh thu tăng mạnh đột biến tại SZL khó có khả năng xảy ra.

Khoản mục doanh thu chưa thực hiện của SZL từ 2010 đến nay

“Thói quen” đặt kế hoạch thấp

Một điểm đáng chú ý khác khi nhìn vào các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh của SZL. Gần đây, HĐQT SZL lên kế hoạch kinh doanh cho năm 2015 với lợi nhuận trước thuế là 27.5 tỷ đồng, mặc dù tăng 10-15% so với kế hoạch 2014 song để ý rằng, lãi trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm 2014 của đơn vị này đã lên đến 34 tỷ đồng, vượt 36% kế hoạch năm 2014 (25 tỷ đồng) và cũng bỏ xa con số kế hoạch năm mới.

Kết quả kinh doanh của SZL 4 quý gần đây (triệu đồng)

Lãi trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm 2014 của SZL đạt 34 tỷ đồng, vượt 36% KH năm

Điều này có thể khiến nhà đầu tư nghi ngại đối với kỳ vọng của ban lãnh đạo công ty về tình hình kinh doanh khi con số kế hoạch đặt ra trong năm 2015 khá khiêm tốn. Tuy nhiên, nhìn lại những năm trước, ban lãnh đạo SZL cũng đặt kế hoạch khá thấp và thường đến quý 3 thì đơn vị đã ngấm nghé và có khi vượt luôn kế hoạch năm.

“Thói quen” này liệu chăng sẽ được lặp lại trong năm 2015?

Dư dả tiền nhưng khó “nới room” để phát triển?

Khác biệt lớn nhất của SZL đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản nói chung và nhóm doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực phát triển KCN nói riêng là hầu như đơn vị này không đi vay nợ. Tính đến cuối quý 3/2014, tỷ số Nợ vay/Vốn chủ sở hữu (DER) của SZL ở mức rất thấp, chỉ 2.6%. Điều này cũng bởi SZL khá dư dả tiền mặt.

Theo BCTC gần nhất được công bố thì các khoản tương đương tiền và đầu tư ngắn hạn (đa phần khoản tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng) của SZL đã xấp xỉ gần 330 tỷ đồng. Ngoài ra, SZL còn đầu tư dài hạn hơn 190 tỷ đồng vào nhóm doanh nghiệp Sonadezi. Với lẽ này, không quá bất ngờ khi tiền lãi ngân hàng và cổ tức nhận được từ đầu tư tài chính qua các quý của đơn vị này chiếm tỷ trọng khá lớn trong lợi nhuận hoạt động kinh doanh.

Đầu tư tài chính ngắn và dài hạn của SZL tính đến Q3/2014

Đầu tư tài chính chiếm hơn 42% trong cơ cấu
tổng tài sản của SZL

Mặc dù dư dả tiền mặt nhưng SZL dường như khó mở rộng hoạt động kinh doanh chính. Để gia tăng quỹ đất công nghiệp cho thuê, SZL đã đầu tư thuê lại hơn 50ha đất tại KCN Châu Đức trong năm 2014, nâng tổng diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê lên hơn 110ha. Song xung quanh vấn đề này, một số chuyên gia trao đổi với báo chí gần đây cho biết, bất động sản dành cho KCN ở Đồng Nai hiện rất khó để mở rộng do gần như đã… hết đất để phát triển KCN. Điều này ít nhiều cũng sẽ tạo áp lực cho SZL trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh trong những năm tới.

Đức Phương 

Các tin tức khác

>   CT3: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2015 (14/01/2015)

>   KSA: Kế hoạch 2015 được cổ đông thông qua chỉ để tham khảo? (14/01/2015)

>   Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận thay đổi Giám đốc Chi nhánh Hồ Chí Minh (13/01/2015)

>   EBS: Thay đổi địa chỉ văn phòng (13/01/2015)

>   VDL: Báo cáo tài chính quý 3/2014 (13/01/2015)

>   VQC: Báo cáo quản trị công ty năm 2014 (13/01/2015)

>   GHC: Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc sửa đổi Điều lệ công ty (13/01/2015)

>   D26: Báo cáo quản trị công ty năm 2014 (13/01/2015)

>   KKC: Báo cáo quản trị công ty năm 2014 (13/01/2015)

>   BST: Báo cáo quản trị công ty năm 2014 (13/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật