Thứ Bảy, 03/01/2015 11:10

Sự cố ngành hàng không tăng cao: Nhìn thẳng vào thực tế yếu kém

Có thể nói 2014 là năm có nhiều biến cố với ngành hàng không Việt Nam (HKVN) khi một loạt sự cố nghiêm trọng đã xảy ra từ máy bay rơi ốp bảo vệ, hạ cánh nhầm… cho đến chất lượng dịch vụ tại các cảng hàng không (CHK), sân bay bị hành khách liên tục kêu ca, phàn nàn.

* Năm 2014, hàng không nội địa tiếp tục tăng trưởng mạnh

* Khốc liệt thị trường hàng không Việt Nam

Nghiêm trọng nhất là hệ thống không lưu mất quyền kiểm soát vì mất điện. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu toàn ngành phải nhìn thẳng vào thực tế yếu kém; phải đánh giá lại toàn bộ chất lượng nguồn nhân lực…

Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất mất điện ảnh hưởng đến 92 chuyến bay.

Nhà ga hành khách T2 - CHK quốc tế Nội Bài được đưa vào hoạt động đúng tiến độ, việc cổ phần hóa thành công Hãng Hàng không quốc gia (Vietnam Airlines) mang lại không ít thành công nhưng vẫn phải dùng từ "ảm đạm" để nhận xét về thực trạng của ngành HKVN trong năm 2014. Số lượng sự cố tăng cao so với năm 2013 (năm 2014 tăng 177%). Số vụ việc về an ninh hàng không và trật tự công cộng tại nhà ga, bến bãi cũng tăng 67%. Tại các CHK, sân bay đã xảy ra 60 vụ mất cắp hành lý, hàng hóa của hành khách. Tỷ lệ chậm hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam là 19,3%, xấp xỉ năm 2013.

Trong số các vụ việc gây uy hiếp an toàn bay nghiêm trọng trong năm 2014 phải kể đến sự cố xảy ra ngày 26-3, khi máy bay từ Đà Lạt hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì phát hiện ốp bảo vệ quạt làm mát phanh máy bay đã bị rơi. Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện chiếc ốp này ở sân bay Liên Khương (Đà Lạt). Nguyên nhân là do nhân viên bảo dưỡng không siết chặt ốc. Ngày 14-5, máy bay từ TP Hồ Chí Minh đi Buôn Ma Thuột phải bay vòng để chờ mất 10 phút mới có thể hạ cánh vì không nhận được phản hồi từ kiểm soát không lưu. Vụ việc tương tự xảy ra ngày 23-7 tại sân bay Vinh, dù tổ lái đã liên lạc với kiểm soát không lưu nhiều lần trên tần số khẩn nguy, nhưng không thấy trả lời; ngày 19-6, máy bay thay vì đưa khách đến Đà Lạt lại vận chuyển đến sân bay Cam Ranh. Ngày 27-6, kiểm soát viên không lưu đã cấp huấn lệnh bay sai tại CHK quốc tế Đà Nẵng cho phép máy bay của Jetstar Pacific cất cánh trong khi máy bay của Vietnam Airlines chưa thoát ly khỏi đường băng. Ngày 29-10, nhân viên kiểm soát không lưu cũng mắc lỗi khiến máy bay của Vietnam Airlines và trực thăng quân sự suýt va vào nhau.

Đình đám nhất là vụ việc Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC HCM) bị mất điện vào ngày 20-11 khiến AACC HCM mất năng lực cung cấp dịch vụ điều hành bay làm ảnh hưởng đến 92 chuyến bay trong khoảng 30 phút. Rất may, sự cố tê liệt sân bay đã không gây tai nạn hàng không…

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2014 của Cục HKVN, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục HKVN thừa nhận, công tác bảo đảm an toàn bay còn chưa vững chắc, vẫn để xảy ra nhiều sự cố an toàn do lỗi của tổ bay, nhân viên kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu, nhân viên điều độ, nhân viên thủ tục bay… Chưa kể chất lượng dịch vụ còn nhiều yếu kém, gây bức xúc trong xã hội. Công tác chủ động dự báo về tình hình hoạt động chung của ngành để có các chương trình, giải pháp phù hợp chưa tốt, dẫn đến tình trạng quá tải, tăng số chuyến bay chậm, hủy chuyến, giảm chất lượng dịch vụ tại một số cảng hàng không sân bay. Thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp của nhân viên tại các CHK chưa chuyên nghiệp. Tồn tại cơ bản nhất của ngành hàng không trong năm qua là nguồn nhân lực còn thiếu và yếu về nhiều mặt: Thiếu nhân lực chuyên sâu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, toàn ngành cần nghiêm túc đánh giá những tồn tại bất cập trong năm 2014, chỉ rõ yếu kém của từng đơn vị, đặc biệt là vai trò của quản lý nhà nước. Bộ trưởng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt là vai trò kiểm tra giám sát. Ai không làm được dứt khoát thay thế; nhân viên hàng không phải thực hiện nghiêm phong trào "4 xin, 4 luôn" (xin chào - xin lỗi - xin cảm ơn - xin phép) và "4 luôn" (luôn mỉm cười - luôn nhẹ nhàng - luôn thấu hiểu - luôn giúp đỡ)… Về vấn đề nhân lực, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo: Thành lập hội đồng đánh giá lại toàn bộ chất lượng nguồn nhân lực hàng không, từ cục trưởng, cục phó Hàng không trở xuống. Từ đó, phải có chính sách đào tạo, xây dựng, thu hút nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng vào làm việc trong ngành.

Lương Ninh Giang

HÀ NỘI MỚI

Các tin tức khác

>   Cơ cấu lại thị trường XK gạo, thủy sản  (03/01/2015)

>   “Chết ngộp” với hàng Trung Quốc (03/01/2015)

>   Cần một cái lắc đầu dứt khoát (03/01/2015)

>   Nhiều thuốc nội chất lượng như thuốc ngoại (03/01/2015)

>   Vì sao hàng xuất khẩu VN vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp? (03/01/2015)

>   Khoan sức dân trong 2015 (03/01/2015)

>   Chính sách ‘thoáng’ nhất chờ đón 2015 (03/01/2015)

>   Các cảng biển lớn TP Hồ Chí Minh vượt chỉ tiêu kế hoạch 2014 (02/01/2015)

>   Điều kiện nào được bán, giao, chuyển giao DN 100% vốn nhà nước? (02/01/2015)

>   Thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp: Chiến lược dài hạn (02/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật