Nợ hàng trăm tỉ đồng, nhà máy cồn lại bị bao vây
Mấy ngày qua, hàng chục người ở tỉnh Kon Tum đã kéo đến dựng lều trước cổng Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân (thuộc Công ty CP Đồng Xanh, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) để đòi nợ.
Khác với những lần trước, những người kéo đến dựng lều ở nhà máy cồn lần này không chỉ có các tiểu thương cung cấp nguyên vật liệu trực tiếp cho nhà máy, mà còn có rất nhiều đồng bào dân tộc Giẻ Triêng ở tỉnh Kom Tum.
Bà Cao Thị Long (61 tuổi, ngụ thị trấn Ngọc Hồi, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kom Tum), cho biết các tiểu thương và người dân bắt đầu dựng lều trước cổng nhà máy từ ngày 22-1 cho đến nay để đòi số tiền nợ lên đến hàng chục tỉ đồng suốt nhiều năm qua.
Người dân dựng lều trước cổng nhà máy Cồn Etthanol để đòi nợ Ảnh: Tiểu Uyên
|
Từ khi nhà máy cồn vỡ nợ, ngừng hoạt động vào tháng 11-2012 cho đến nay, bà Long và các tiểu thương đã nhiều lần kéo nhau đi đòi nợ nhưng vẫn chưa được giải quyết. “Mỗi lần ra đây đều rất tốn kém, lần này còn phải lo cho ăn uống, đi lại cho các đồng bào dân tộc Giẻ Triêng nữa. Chúng tôi khổ trăm bề, phần thì lãi ngân hàng, phần thì người dân nhập sắn cho mình cứ liên tục vây nhà để đòi nợ” – bà Long cho biết.
Chị Y Ngọc (37 tuổi, ngụ huyện Ngọc Hồi) cho biết gia đình chị bán sắn cho tiểu thương với số tiền 70 triệu đồng. Hơn 3 năm nay, nhà máy cồn không trả tiền nên các tiểu thương cũng không có tiền trả cho gia đình. Quá bức bí, chị và nhiều người dân cùng hoàn cảnh đã cùng các tiểu thương kéo xuống Quảng Nam để đòi nợ.
Theo các tiểu thương, tài sản Nhà máy cồn Đại Tân đã được thế chấp cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Quảng Nam. Tháng 8-2014, BIDV Việt Nam có văn bản gửi tỉnh Quảng Nam cam kết sẽ ưu tiên trả nợ cho các tiểu thương khi bán nhà máy cồn.
Mới đây, các tiểu thương nghe thông tin từ ông ông Lưu Quang Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đồng Xanh, nói rằng BIDV đã bán tài sản nhà máy cồn và sẽ trả nợ cho các tiểu thương trong 2 đợt. Đợt 1 trả 50% trước ngày 31-3-2015, phần còn lại sẽ được thanh toán trước ngày 31-3-2016. Tuy nhiên, các tiểu thương cho biết họ không thể chờ thêm nữa nên mới cùng nhau kéo đến nhà máy cồn để phản đối.
Sáng 26-1, ông Mai Nhơn, Chủ tịch UBND xã Đại Tân, cho biết sau khi người dân kéo đến địa phương dựng lều đòi nợ, xã đã báo cáo lên cấp trên, đồng thời cắt cử lực lượng đảm bảo an ninh trật tự. “Các tiểu thương cam kết không làm mất an ninh trật tự tại địa phương cho nên mình cũng không cấm cản họ làm chi” – ông Nhơn thông cảm.
Như Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin, sau 2 năm đi vào sản xuất, tháng 11-2012, Nhà máy cồn Đại Tân đã phải tạm dừng hoạt động do thua lỗ và gặp khó khăn về vốn. Số nợ của nhà máy này với các ngân hàng, đầu mối cung ứng sắn và người cung cấp nhiên liệu..., khoảng 700 tỉ đồng.
Q.Vinh – T.Uyên
người lao động
|