Thứ Ba, 20/01/2015 21:59

Ngày mai (21.1), giá xăng dầu giảm?

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, giá xăng dầu trong nước cơ bản sẽ vẫn tiếp tục chu kỳ điều chỉnh giảm, đúng kỳ đúng hạn, kết hợp hài hòa các chính sách

Không tăng thuế xăng dầu kịch trần

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại cuộc gặp mặt báo chí chiều nay (20.1) cho biết, giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm sâu kể từ lần điều chỉnh giá xăng dầu hôm 6.1, hiện chỉ xoay quanh 45-47 USD/thùng.

Theo quy định của Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, ngày mai (21.1) là đủ chu kỳ 15 ngày điều chỉnh giá xăng dầu.

Bộ trưởng cũng bày tỏ quan điểm về thuế nhập khẩu xăng dầu trước biến động giảm của giá xăng dầu thế giới. Ông nói: “Mức thuế với xăng trước mắt sẽ vẫn giữ nguyên ở mức 35%, không tăng lên kịch trần (tức 40%-PV) để dành dư địa cho điều hành giá, giúp giảm các chi phí đầu vào của nền kinh tế, kích thích tăng trưởng kinh tế”.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, giá dầu thế giới giảm có tác động hai mặt, thu ngân sách giảm nhưng giúp cho chi phí đầu vào của nền kinh tế giảm, sản xuất kinh doanh phục hồi từ đó tăng nguồn thu trở lại. “Nhiều dự báo giá dầu có thể chỉ từ 20-50 USD/thùng song thực tế rất khó lường. Dù sao thì giá dầu giảm xuống dài hạn là dấu hiệu tốt. Với giá dầu giảm, nhiều dự báo chu kỳ mới của tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ bùng nổ, với Việt Nam điều này cũng thuận lợi”, Bộ trưởng Tài chính nói.

Giá dầu giảm mạnh đang khiến cho chênh lệch giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu đến thời điểm hiện tại khá cao, ước khoảng 700-800 đồng/lít. Và nếu cộng thêm lãi định mức kinh doanh xăng dầu 300 đồng/lít thì các doanh nghiệp xăng dầu trong nước đang lãi tới khoảng hơn 1.000 đồng/lít xăng. Về lý thuyết, thuế xăng dầu không điều chỉnh tăng lên thì giá xăng dầu sẽ phải giảm sâu lần điều chỉnh ngày mai để đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng.

Bộ Tài chính hôm nay đã không cho biết, mức chênh lệch chính xác giá bán lẻ với giá cơ sở mặt hàng xăng dầu-là căn cứ điều chỉnh giảm giá xăng dầu lần thứ hai này.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, ngày 22.1 tới, Bộ Tài chính sẽ cùng các bộ ngành họp bàn đưa ra các “kịch bản” cho nền kinh tế trước biến động của giá dầu thế giới. Các giải pháp đối phó cũng như cơ chế điều hành giá xăng dầu trong nước như thế nào cho phù hợp cũng sẽ được đề cập để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.

Không “móc túi” người tiêu dùng để bù giá xăng dầu giảm

Trước biến động giảm liên tục của giá xăng dầu, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam hiện vẫn kiên trì kêu lỗ và kiến nghị liên Bộ Tài chính-Công Thương nghiên cứu xem xét trình Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định điểm d khoản 1 Điều 37 Nghị định 83 về chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu áp dụng cho cả trường hợp giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ diễn ra trong thời gian dài, từ đó giúp doanh nghiệp kinh doanh không mất vốn như đã nêu trên; trước mắt, cho phép thương nhân đầu mối thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo đúng quy định và nguồn được bù đắp từ Quỹ bình ổn giá.

Ông Bùi Ngọc Bảo-Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho biết, việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu có lợi cho nền kinh tế, song đây cũng chính là một trong những yếu tố khiến kết quả hoạt động kinh doanh xăng dầu năm 2014 của hầu hết doanh nghiệp đầu mối rơi vào tình trạng lỗ, mà Petrolimex cũng không là ngoại lệ. “Do công thức tính giá cơ sở theo Nghị định 83 lấy theo bình quân 15 ngày giá thế giới sát ngày công bố giá cơ sở; trong khi thương nhân đầu mối phải dự trữ lưu thông 30 ngày theo quy định, dẫn đến giá bán thường thấp hơn giá vốn do doanh nghiệp phải xuất bán từ tồn kho 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ và phát sinh lỗ”, ông Bảo nói.

Trả lời báo chí bên lề chiều nay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: "Thị trường xăng dầu của ta nếu hoạt động “chuẩn” theo thị trường thì không nhất thiết phải 15 ngày mới điều chỉnh mà có thể tăng giảm hàng ngày. Bộ trưởng cũng nhìn nhận giá xăng dầu liên tục giảm thời gian qua là nhanh, phù hợp với xu thế thị trường và điều chỉnh nhiều song lãnh đạo cao nhất của ngành Tài chính cũng thẳng thắn, điều này cũng buộc các doanh nghiệp xăng dầu phải tính toán, không nên “ngồi” kêu ca. “Thuế xăng dầu tới đây Bộ Tài chính chủ trương sẽ không nâng lên kịch trần, chỉ 35% thôi (.... với thuế nhập khẩu xăng-PV). Bộ Tài chính không thể đáp ứng kiến nghị của doanh nghiệp về chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu áp dụng cho cả trường hợp giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ”, Bộ trưởng nói. Bởi nếu làm như vậy, theo Bộ trưởng, là “móc túi” của người dân để bù lỗ cho kinh doanh của doanh nghiệp-một điều khó có thể chấp nhận.

Mai Hương

dân việt

Các tin tức khác

>   Ai Cập đã đạt được thỏa thuận mua khí hóa lỏng của Nga (20/01/2015)

>   Vàng, dầu và US Dollar Index: Những diễn biến mới! (22/01/2015)

>   Dầu giảm sau động thái hạ dự báo của J.P. Morgan (20/01/2015)

>   Ngành than sẽ nhập khẩu khối lượng lớn (20/01/2015)

>   Venezuela: Giá dầu thô tiếp tục xuống dưới 40 USD/thùng (18/01/2015)

>   Dầu vọt mạnh hơn 5%, chấm dứt chuỗi 7 tuần giảm giá liên tiếp (17/01/2015)

>   OPEC sẽ không có kế hoạch điều chỉnh sản lượng dầu mỏ (16/01/2015)

>   Dầu lại chìm nghỉm gần 5% trước đà tăng của USD (16/01/2015)

>   Thủ tướng Medvedev: Dầu mỏ và khí đốt của Nga “kiệt sức” (15/01/2015)

>   Dầu nhảy vọt gần 6% trong phiên phục hồi mạnh nhất hai năm rưỡi (15/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật