Nga tiết lộ chi phí khủng cứu đồng rúp, đối mặt với làn sóng phá sản nếu không sớm hạ lãi suất
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) vừa tiết lộ khoản chi phí khổng lồ để thúc đẩy giá trị của đồng rúp. Hôm qua (12/11), một quan chức tài chính hàng đầu của Nga cảnh báo nước này có thể đối mặt với làn sóng phá sản nếu không sớm hạ lãi suất.
* Nga tuyên bố khủng hoảng đồng rúp đã kết thúc
* 10 điều nhà đầu tư cần biết về Nga
* Fitch hạ xếp hạng tín dụng, dự báo kinh tế Nga suy thoái 4%
* 6 nạn nhân lớn nhất của cuộc khủng hoảng tại Nga
Theo đó, trong một năm qua, CBR đã chi tổng cộng hơn 82 tỷ USD, bao gồm 76 tỷ USD và 5.4 tỷ EUR (tương ứng 6.38 tỷ USD), khi ngân hàng này liên tục mua rúp trên thị trường ngoại hối.
Đồng nội tệ Nga đã hứng chịu áp lực trong một thời gian dài do các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến Ukraina và đà sụt giảm mạnh của giá dầu thô. Trong năm 2014, đồng rúp đã sụt tới 41% so với đồng USD và 34% so với đồng EUR.
Bên cạnh các biện pháp giới hạn nhập khẩu thực phẩm từ nước ngoài, đà giảm giá nghiêm trọng của đồng rúp đã đẩy tỷ lệ lạm phát chính thức của Nga lên 11.4% vào thời điểm cuối năm ngoái.
Các đợt can thiệp lớn nhất trên thị trường ngoại hối, với mục đích chặn đứng đà trượt dài của đồng rúp, diễn ra vào tháng 3/2014 khi Nga sáp nhập Crimea và tiếp đó là vào tháng 10 và tháng 12/2014 khi giá dầu giảm sâu. Chỉ riêng trong 2 ngày 15-16/12/2014, đồng rúp đã đánh mất gần 25% giá trị khi người dân Nga bắt đầu hốt hoảng và cố gắng đổi tiền lấy ngoại tệ.
Trước tình trạng đó, CBR cho biết dự trữ ngoại hối trong tháng 12/2014 còn dưới 400 tỷ USD, mức thấp nhất trong 5 năm.
Hậu quả của những khó khăn này là đã đẩy kinh tế Nga rơi vào suy thoái. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga đã giảm 0.5% trong tháng 11/2014, đánh dấu tháng sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 10/2009. Chính phủ nước này dự báo GDP sẽ giảm gần 1% trong cả năm 2015.
Các tổ chức tài chính và doanh nghiệp đối mặt nguy cơ phá sản
Hôm thứ Hai, ông Anatoly Aksakov - Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Khu vực kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Thị trường Tài chính Quốc hội cảnh báo không chỉ các tổ chức tín dụng mà một số doanh nghiệp tại nước này có thể đối mặt với làn sóng phá sản nếu CBR không sớm hạ lãi suất. Ông cho biết hiện các doanh nghiệp đang cạn kiệt tiền mặt.
Theo ông Aksakov, trong tháng này CBR phải hạ lãi suất từ 17% xuống 15% và sau đó là xuống 10.5%, bằng với mức trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng hiện nay. Mức lãi suất 17% hiện đang được CBR áp dụng đồng nghĩa với việc một số doanh nghiệp phải trả tới 30% để có thể vay muợn. Ông cho biết, lãi suất thấp hơn sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng cho doanh nghiệp và các nhân vay vốn nhiều hơn.
Nhận định của ông Aksakov là tín hiệu cho thấy căng thẳng ngày càng trầm trọng trong lĩnh vực tài chính Nga. Tuần trước, Fitch đã hạ xếp hạng tín nhiệm của nước này do triển vọng kinh tế sa sút nghiêm trọng.
Cũng trong ngày thứ Hai, BNP Paribas cho biết các ngân hàng của Nga có thể cần một lượng tiền hỗ trợ rất lớn trong năm nay. Theo chuyên gia tín dụng Tatiana Tchembarova, các ngân hàng có thể cần nguồn vốn tới 45 tỷ USD trong năm 2015 để hỗ trợ cho vay và bù đắp thua lỗ tín dụng. Ngoài ra, các ngân hàng còn cần thêm 11.5 tỷ USD để giải quyết khoản dự trữ ngoại hối bị thất thoát.
Trong năm ngoái, CBR đã chi hơn 120 tỷ USD trong kho dự trữ ngoại hối để ổn định đồng rúp và ngăn chặn khủng hoảng kinh tế. Hiện dự trữ ngoại hối của Nga còn khoảng 388.5 tỷ USD, bao gồm vàng và các tài sản nước ngoài có thanh khoản tốt.
Phước Phạm (Theo BBC, CNN Money)
|