Thứ Sáu, 16/01/2015 19:06

Mark Mobius vẫn cực kỳ lạc quan về Đông Nam Á

Mark Mobius khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROIC) thay vì quan tâm đến tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) khi đầu tư vào các công ty tại Đông Nam Á.


Vị Chủ tịch của Templeton Emerging Markets Group cho biết: “Tôi vẫn cực kỳ lạc quan vào châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á”.

Nhà đầu tư toàn cầu có thể hoài nghi về việc đầu tư vào Đông Nam Á nhưng chuyên gia thị trường mới nổi Mark Mobius lại nhận định trên CNBC rằng ông vẫn cực kỳ lạc quan vào khu vực này.

Trong nhận định đưa ra vào ngày thứ Sáu (16/01), vị Chủ tịch của Templeton Emerging Markets Group cho biết: “Tôi vẫn cực kỳ lạc quan vào châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á”.

Lý do đầu tiên theo ông là đà tăng trưởng ấn tượng của khu vực này. Thứ hai là sự gia tăng của người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu tại các quốc gia như Indonesia và Philippines. Điều này sẽ đem lại cơ hội khó tin cho các nhà bán lẻ và những người xây dựng các trung tâm mua sắm cho các công ty bất động sản.

Theo ông Mark Mobius, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng bình quân trên 5% trong năm nay, vượt xa hầu hết các khu vực khác, trừ Trung Quốc.

Báo cáo mới đây của Deloitte cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực của Đông Nam Á đã tăng gấp 10 lần trong 5 thập kỷ vừa qua; và nếu được xem là một quốc gia, ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới.

Bất chấp đà tăng trưởng ấn tượng, niềm tin của nhà đầu tư toàn cầu đối với ASEAN vẫn chưa cao vì khu vực này dễ bị tác động bởi động thái nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay.

Trong báo cáo công bố hôm thứ Năm, Morgan Stanley cảnh báo: “Tăng trưởng chậm hơn, đồng USD mạnh và nguồn vốn bấp bênh từ nước ngoài sẽ hạn chế mức sinh lời tại các thị trường ASEAN trong năm nay”.

Động lực tăng trưởng

Tuy nhiên, vị Chủ tịch của Templeton tin tưởng rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao hơn và lĩnh vực sản xuất sẽ cho phép ASEAN duy trì được đà tăng trưởng. Theo Bank of America Merrill Lynch, dòng vốn FDI toàn cầu vào các quốc gia lớn nhất của ASEAN đã tăng lên 128.4 tỷ USD trong năm 2013, cao hơn cả lượng vốn FDI mà Trung Quốc nhận được.

Ông Mobius cho biết trong bối cảnh các nhà nhập khẩu năng lượng như Ấn Độ và Trung Quốc đã tiết kiệm được một khoảng tiền khổng lồ từ đà lao dốc hơn 50% của giá dầu trong 6 tháng qua, lượng tiền mặt dôi ra này nhiều khả năng sẽ chảy vào ASEAN. Được biết, Bắc Kinh đã cho Campuchia, Việt Nam, Myanmar, Thái Lan và Lào vay hơn 3 tỷ USD và có thể tiếp tục cung cấp thêm các khoản vay theo khuôn khổ của quỹ Con đường Tơ lụa.

Hơn nữa, các công ty châu Á đang chuyển hướng sang ASEAN và xem đây là một trung tâm sản xuất thay thế trong bối cảnh chi phí lao động tại Trung Quốc – nhà sản xuất lớn nhất thế giới – ngày càng gia tăng. Theo McKinsey, hiện các quốc gia ASEAN đang chiếm khoảng 5% lĩnh vực sản xuất toàn cầu.

Ông Mobius nói: “Rất nhiều cơ sở sản xuất tại Trung Quốc đã chuyển sang Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Sự dịch chuyển như vậy sẽ tiếp diễn trong thời gian tới vì hoạt động sản xuất tại các quốc gia này ngày càng hiệu quả hơn”.

Ông cho biết thêm: “Đó là lý do tại sao Nhật Bản muốn sản xuất ô tô tại các quốc gia nói trên và đây là lúc Nhật Bản không chỉ đầu tư vào thị trường trong nước mà còn xuất khẩu từ những quốc gia này, qua đó tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập”.

Chiến lược đầu tư

Mark Mobius khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROIC) thay vì quan tâm đến tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) khi đầu tư vào các công ty tại Đông Nam Á. Theo lý giải của ông, ROE thường biến động vì chỉ báo này bị ảnh hưởng bởi nợ.

Ông nói: “ROE có thể giảm xuống 1-2% nhưng sau đó có thể lên tới 20-30%”.

Mark Mobius cho rằng lĩnh vực có ROIC cao nhất là sản xuất, và các doanh nghiệp tập trung vào các thị trường ngách cũng như liên quan chặt chẽ đến nhu cầu nội địa. Ông cũng ưa thích các công ty phần mềm, đặc biệt là các công ty chuyên về ứng dụng và điện thoại di động.

Phước Phạm (Theo CNBC)

Các tin tức khác

>   Apple sẽ trở thành doanh nghiệp nghìn tỷ USD đầu tiên? (16/01/2015)

>   Samsung lên tiếng phủ nhận kế hoạch thâu tóm BlackBerry (16/01/2015)

>   Phố Wall lao dốc liền 5 phiên, S&P 500 rớt mốc 2,000 (16/01/2015)

>   Dow Jones giảm liền 4 phiên trước lo lắng về tăng trưởng toàn cầu (15/01/2015)

>   Phố Wall đảo chiều mạnh và mang sắc đỏ sau phiên biến động dữ dội (14/01/2015)

>   Phố Wall giảm mạnh theo giá dầu thô (13/01/2015)

>   Năm 2014 chứng kiến một mùa IPO khủng của châu Âu (12/01/2015)

>   Alibaba đàm phán mua dịch vụ thanh toán trực tuyến Ấn Độ (12/01/2015)

>   Cổ phiếu Mỹ “hút” nhà đầu tư nước ngoài năm 2014 (12/01/2015)

>   Báo cáo việc làm trái chiều, phố Wall chuyển hướng sau 2 phiên bứt phá mạnh (10/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật