HSBC: Tăng trưởng các thị trường mới nổi vẫn yếu
HSBC đánh giá, tốc độ tăng trưởng sản lượng tại các thị trường mới nổi trên toàn cầu nhìn chung vẫn còn yếu. Tuy nhiên, ngành sản xuất tại Việt Nam tiếp tục thể hiện các dấu hiệu mạnh lên trong tháng 12 với các điều kiện kinh doanh cải thiện gần đây nhất và được ghi nhận là tốt nhất trong vòng 8 tháng qua.
Theo dữ liệu từ các khảo sát mới nhất của HSBC và Markit, chỉ số phát triển kinh tế tại các thị trường mới nổi của HSBC (EMI) đã tăng từ mức thấp sáu tháng liên tiếp của tháng 11 là 51.2 điểm lên mức cao ba tháng liên tiếp 51.7 điểm trong tháng 12. Nhưng con số đó vẫn chỉ thể hiện một tốc độ phát triển trung bình. Chỉ số EMI trung bình cả năm 2014 là 51.4 điểm và cũng là mức thấp nhất tính theo năm kể từ khi loạt khảo sát bắt đầu vào cuối năm 2005.
Theo nhận định của ông Chris Williamson, Chuyên gia kinh tế trưởng của Markit: “Mặc dù tăng trưởng tại khắp các thị trường mới nổi chính trên thế giới đã phục hồi nhẹ, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn còn yếu, và còn có các dấu hiệu đã từng thấy ở khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây”.
Dữ liệu từ các ngành cho thấy các tăng trưởng của hai ngành sản xuất và dịch vụ tiếp tục yếu dù rằng ngành dịch vụ đã có mức tăng nhanh nhất trong ba tháng qua.
Bên cạnh đó, bốn thị trường mới nổi lớn nhất lại thể hiện khác nhau trong tháng 12. Tăng trưởng sản lượng tại Trung Quốc nằm dưới mức trung bình. Trong khi đó Ấn Độ tiếp tục có sự hồi phục cầm chừng. Các hoạt động tại Brazil lại sụt giảm lần thứ tám trong chín tháng qua dù tốc độ sụt giảm đã yếu đi. Trong lúc đó, Nga chìm ngập trong suy thoái.
Cũng theo đánh giá của HSBC, nhờ tác động của giá cả đầu vào và đầu ra giảm do đó áp lực lạm phát chung trên khắp các thị trường mới nổi sẽ không cao. Tuy nhiên, do đồng Rúp bị mất giá cùng với giá cả đầu vào tăng nhanh nhất trong vòng 79 tháng qua và lạm phát giá cả đầu ra đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử khảo sát, các áp lực lạm phát tại Nga sẽ tiếp tục tăng.
Kỳ vọng của các doanh nghiệp
Theo thống kế của HSBC, các lĩnh vực sản xuất tại Nga, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia đã tiếp tục sụt giảm trong tháng 12 và sẽ tiếp tục còn khó khăn. Trong khi đó, Việt Nam, Ấn Độ, Brazin, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thể hiện dấu hiệu mạnh lên trong tháng 12. Bên cạnh đó, các ngành sản xuất phi dầu mỏ của các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Ả Rập Saudi và Ai Cập cũng có mức tăng trưởng ấn tượng trong tháng 12.
Ông Frederic Neumann, Đồng Giám đốc Khối Nghiên cứu Kinh tế khu vực châu Á đã nhận định: “Chưa có tiến triển rõ rệt tại châu Á. Trung Quốc vẫn đang mất đà và dễ dàng chững lại. Nhưng tin tốt là Ấn Độ đang tăng tốc.”
Theo số liệu từ HSBC, kỳ vọng của các doanh nghiệp ngành dịch vụ yếu nhất theo ghi nhận vào tháng 12. Tháng 12 là tháng thứ hai liên tiếp có nhiều doanh nghiệp kỳ vọng các hoạt động sẽ giảm trong vòng 12 tháng tới hơn là kỳ vọng tăng. Trước đó, các nhận định tiêu cực được ghi nhận duy nhất trong hai tháng cuối năm 2008. Các doanh nghiệp cho rằng kỳ vọng tiêu cực xuất phát từ sự thiếu ổn định của nền kinh tế, tình hình lạm phát, môi trường đầu tư khó khăn và tác động của các lệnh trừng phạt.
Trong số các nhà sản xuất, kỳ vọng về sản lượng ở các nước Indonesia, Việt Nam và Mexico là mạnh nhất trong khi kỳ vọng tại Brazil, Hàn Quốc và Đài Loan là yếu nhất.
Minh Tuấn
|