Giảm số giờ nộp thuế: Gỡ bỏ những rào cản chính sách
Theo Tổng cục Thuế, thông qua việc rà soát, hệ thống hóa danh mục 421 thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, triển khai mở rộng DN khai thuế qua internet và nộp thuế điện tử, số giờ kê khai, nộp thuế của DN trong năm 2014 đã giảm khoảng 370 giờ. Tuy nhiên, "Báo cáo môi trường kinh doanh 2015" của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, sau khi thay đổi phương pháp tính toán, chỉ số nộp thuế năm 2014 của Việt Nam tụt 22 bậc.
Cải cách thuế và nguy cơ tụt hạng
Giảm 370 giờ kê khai, nộp thuế cho DN trong năm 2014 là một trong những nỗ lực mà ngành thuế đã thực hiện nhằm đưa số giờ kê khai, nộp thuế của Việt Nam giảm xuống ngang bằng với các nước ASEAN 6. Tổng cục Thuế đang gấp rút thực hiện Nghị quyết 19/CP của Chính phủ nhằm giảm giờ nộp thuế của Việt Nam đến tháng 9-2015 xuống mức ngang bằng với mức trung bình của các nước ASEAN 6 là 171 giờ. Trong đó, cơ quan thuế phải giảm được 415,5 giờ, còn 121,5 giờ; cơ quan bảo hiểm xã hội phải giảm được 285,5 giờ, còn 49,5 giờ.
Tính đến ngày 1-1-2015, Tổng cục Thuế đã sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế: GTGT, TNCN, TNDN, quản lý thuế, hóa đơn; xây dựng mới 44 quy trình, quy chế, sổ tay nghiệp vụ. Ngành thuế cũng rà soát, hệ thống hóa danh mục 421 thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, mở rộng DN khai thuế qua internet (đạt 97%) và nộp thuế điện tử… qua đó góp phần giảm tổng số giờ về khai, nộp thuế được khoảng 370 giờ. Như vậy, số giờ cơ quan thuế cần giảm tiếp trong năm 2015 là 45,5 giờ.
Trước kết quả tụt hạng về chỉ số nộp thuế vừa được WB công bố, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Trưởng ban Cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế cho rằng, dù thay đổi phương pháp tính, không có lý do gì khiến chỉ số nộp thuế của Việt Nam bị tụt tới 22 bậc. Cơ quan thuế đang đề nghị phía WB xem lại cơ sở dữ liệu của mình. Bởi tất cả số giờ, số lần nộp thuế và tổng thuế suất của Việt Nam không thay đổi. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bà Joanna Nasr, đồng tác giả "Báo cáo môi trường kinh doanh" của WB, trong báo cáo năm tới WB sẽ tiếp tục thay đổi về cách tính chỉ số giờ nộp thuế. Trước đây, WB dựa trên 3 chỉ tiêu về: Thời gian, số lần nộp thuế và tổng thuế suất đối với một DN nhỏ và vừa phải nộp, được áp dụng tại 189 quốc gia. Tới đây, WB sẽ mở rộng các chỉ số đo lường gánh nặng thủ tục hành chính sau khâu chuẩn bị kê khai và nộp thuế như: Quy trình thanh tra, khiếu nại về thuế và hoàn thuế. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, với cách tính mới này nếu chúng ta không có những giải pháp kịp thời thì nguy cơ Việt Nam sẽ tụt hạng trong năm tới là rất cao.
Loại bỏ thủ tục "cồng kềnh"
Tại hội thảo "Chỉ số nộp thuế và đề xuất cải cách cho Việt Nam" do Tổng cục Thuế phối hợp với WB tổ chức trung tuần tháng 1-2015 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia đã nêu những ý kiến thiết thực nhằm cải cách thủ tục thuế tại Việt Nam. Theo bà Joanna Nasr, phương pháp quản lý thuế và thuế suất là một trong những rào cản hàng đầu với DN ở các quốc gia đang phát triển.
Một số chuyên gia đến từ WB cũng đưa ra những yếu tố làm tăng số giờ nộp thuế của Việt Nam, như việc thu thập hồ sơ, chứng từ cần thiết để chuẩn bị tờ khai thuế TNDN tiêu tốn khá nhiều thời gian của DN. Đối với thuế GTGT, DN cũng phải tập hợp tất cả các hóa đơn đã xuất và nhận được trong tháng, kiểm tra xem liệu các hóa đơn có đủ điều kiện để khấu trừ GTGT đầu vào, kiểm tra xem liệu các hóa đơn đã được đưa vào tờ khai thuế GTGT tháng trước hay chưa… cũng làm tăng chi phí tuân thủ cũng như thời gian nộp thuế của DN.
Để cắt giảm số giờ nộp thuế, bà Joanna Nasr khuyến nghị Việt Nam nên rà soát lại các quy định liên quan kê khai thuế, các thủ tục, chứng từ kèm theo để đơn giản hóa các quy định. Có như vậy, thời gian nộp thuế mới giảm và tạo được sự thuận lợi trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của DN. Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, những chính sách đưa ra chỉ dừng trên giấy tờ nếu không được triển khai tốt. Thực tế, vẫn xảy ra tình trạng cán bộ thuế ở một số địa phương còn chưa nắm hết được nội dung cải cách. Việc có nhiều văn bản sửa đổi, bổ sung, dẫn tới có nhiều văn bản quy định về cùng một vấn đề, người nộp thuế và cán bộ thuế phải tra cứu rất phức tạp. Để bảo đảm các quy định của chính sách được thực thi trong thực tế, cần tăng cường sự tham gia của các tổ chức tư vấn, đại lý thuế nhằm hỗ trợ đối tượng nộp thuế thi hành pháp luật chính xác, thuận tiện, hạn chế vi phạm. Ngoài ra, cần giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế và cơ quan thuế, qua đó góp phần giảm bớt thủ tục hành chính thuế, tiết kiệm chi phí cho xã hội và người nộp thuế.
Hương Ly
hà nội mới
|