Điều gì đã làm cho giá dầu tăng cao rồi “bốc hơi” xuống đáy?
Mức cân bằng cho giá dầu hợp lý với nền kinh tế suy giảm toàn cầu đầy biến động mà giới kinh tế tính toán là từ 70 USD - 80 USD/thùng.
Yếu tố chính trị tác động lên giá dầu
Vào cuối tháng 8/2013, giá giao trong tháng của dầu thô Brent tăng lên 115.59 USD/thùng, mức cao nhất trong sáu tháng trước đấy. Giá dầu thô (WTI) tăng ở mức 109.98 USD/thùng, mức cao nhất trong 2 năm. Giới đầu tư lo sợ Tổng thống Mỹ Barack Obama bật đèn xanh cho quân đội Mỹ và đồng minh không kích để trừng phạt Syria, sau khi Tổng thống Assad bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học để tiêu diệt hàng trăm dân thường (chưa có nguồn tin độc lập nào kiểm chứng nhằm thuyết phục Quốc hội Mỹ chuẩn thuận tấn công Syria).
Tuy Syria không phải là một nhà cung cấp dầu lớn, nhưng các nhà đầu tư và giới tiêu thụ dầu lo ngại về những tác động có thể đẩy giá dầu tăng vọt. Cụ thể, điều này có thể dẫn đến gián đoạn hoạt động sản xuất dầu ở Iran, đồng minh chính của Syria, bất ổn tại Iraq, và ảnh hưởng gián tiếp từ Ai Cập và nguy cơ kênh đào Suez có thể bị đóng cửa nếu tình trạng bất ổn lan rộng.
Một lý do góp phần đẩy giá dầu tăng vọt là giới đầu tư tin rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng lên cùng với sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu, như của khối các nền kinh tế mới nổi BRICS gồm Brasil, Nga (Russia), Ấn Độ (India), Trung Quốc (China) và Nam Phi (South Africa).
Vào tháng 1/2013, giá dầu bắt đầu tăng mạnh nhất khi Iran dọa nạt bằng cách chơi “trò chơi chiến tranh” gần eo biển Hormuz. Đây được coi là một mối đe dọa tiềm năng đến tuyến đường hàng hải chiến lược này, gần nơi đặt trụ sở Hạm đội 5 của Mỹ ở Bahrain, vốn hoạt động trong Vịnh Ba Tư, Hồng Hải, biển Ả Rập và ngoài khơi Đông Phi và có thể gây ra một cuộc chiến tranh khi Iran đóng cửa eo biển Hormuz. Diễn biến này đã đẩy giá dầu đạt 118.90 USD/thùng. Con số này thấp hơn so với năm 2012 tính trung bình 112 USD/thùng. Đó là mục đích chính trị.
Tuy nhiên, giá dầu đã từng đạt mức cao nhất mọi thời đại ở mức 143.68 USD/thùng vào tháng 7/2008, khi kinh tế Mỹ trôi vào suy trầm. Hầu hết các nguồn tin truyền thông báo chí cho rằng giá dầu tăng do nhu cầu từ Trung Quốc và Ấn Độ, kết hợp với việc giảm nguồn cung từ các mỏ dầu Nigeria và Iraq.
Yếu tố kinh tế tác động lên giá dầu tăng vọt trước đây
Có rất nhiều yếu tố mà giới đầu tư xem xét khi đặt lệnh mua bán dầu mỏ, vốn sẽ tạo ra giá dầu.
Thứ nhất, nguồn cung hiện tại (sản lượng) đặc biệt là hạn ngạch sản xuất do OPEC kiểm soát. Cụ thể, nếu nhà đầu tư tin rằng nguồn cung sẽ giảm, họ chào giá lên; ngược lại nếu họ tin rằng nguồn cung sẽ tăng, họ sẵn sàng bán ra và giá dầu giảm.
Thứ hai, dự trữ dầu, bao gồm cả những gì có sẵn trong nhà máy lọc dầu của Mỹ và lượng dầu được lưu trữ tại kho dự trữ dầu chiến lược cũng của Mỹ. Giá dầu quá cao sẽ không có lợi cho kinh tế Mỹ. Ả Rập Saudi cũng có dự trữ lớn tại các giếng dầu. Nếu Ả Rập Saudi hứa hẹn khai thác trữ lượng dầu nhằm tăng nguồn cung, thì sẽ giúp giá dầu giảm và giữ cho các nước nhập dầu không bị khủng hoảng kinh tế. Nếu các nước bị trì trệ kinh tế, họ sẽ hạn chế đầu tư, tiêu dùng, và sẽ ít nhập dầu hơn từ các nước sản xuất dầu, nên sẽ đẩy giá dầu xuống thấp.
Yếu tố đồng USD cũng tác động lên giá dầu thô, vì mua bán dầu chủ yếu được yết giá bằng đồng USD. Khi giá dầu tăng vọt trên 100 USD/thùng thì trong năm 2008, thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ là 700 tỷ USD, hơn một nửa trong số này là do nợ nước ngoài và các quỹ đầu tư. Cho nên, giá dầu tăng cao cũng được thúc đẩy bởi đồng USD suy giảm. Cụ thể, đồng USD đã giảm 40% trong giai đoạn 2002-2008, đẩy giá dầu tăng vọt trong giai đoạn này.
Bây giờ, năm 2015, đồng USD mạnh lên khi kinh tế Mỹ hồi phục rõ ràng và đã có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn dự kiến khi Bộ Thương mại Mỹ công bố ước tính cuối cùng về GDP quý 3/2014 cho thấy từ tháng 7 đến tháng 9, kinh tế tăng trưởng với tỷ lệ 5% tính theo năm. Trong khi đó, suy thoái kinh tế giảm phát đang diễn ra tại Âu Châu, Nhật Bản và kinh tế Trung Quốc bị chững lại và “chập chờn” ở con số dự báo tăng trưởng bi quan 7% cho năm tài khóa 2015. Vì những nước này tiêu thụ một lượng dầu rất lớn nên cũng đã tác động đẩy giá dầu giảm chóng mặt.
Điều trớ trêu, dù lúc này nợ công của Mỹ đã vọt lên 18 ngàn tỷ USD, đúng bằng Chỉ số Dow Jones của 30 doanh nghiệp tiêu biểu của Mỹ có lúc vọt lên 18,000 điểm. Điều đó cho thấy yếu tố nợ công của Mỹ không còn ảnh hưởng đến nguồn cung giá dầu nữa, dù Mỹ trước đây luôn là nước tiêu thụ dầu số một của thế giới, mà chủ yếu do Mỹ đã tự chủ về dầu thô, và giá dầu vẫn bị tác động bởi đồng USD mạnh lên.
Mức cân bằng cho giá dầu hợp lý với nền kinh tế suy giảm toàn cầu đầy biến động mà giới kinh tế tính toán là từ 70 USD- 80 USD/thùng.
Yếu tố thiên tai đẩy giá dầu tăng ngoài dự đoán
Các thảm họa tự nhiên và nhân tạo có thể đẩy giá dầu tăng vọt kịch tính. Bão Katrina đã khiến cho giá dầu tăng 3 USD một thùng và giá xăng đạt 5 USD/gallon vào năm 2005. Katrina ảnh hưởng 19% sản lượng dầu của Mỹ. Vào tháng 5/2011, lũ lụt sông Mississippi khiến giá gas tăng lên 3.98 USD/gallon, đẩy giá dầu tăng vọt, do lo ngại lũ lụt sẽ gây thiệt hại nhà máy lọc dầu tại Mỹ. Các vụ tràn dầu của tổ hợp dầu khí BP của Anh ở Vịnh Mexico (Mỹ) năm 2010 cũng đẩy giá dầu tăng.
Yếu tố đầu cơ và các nền kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu dầu thô
Giống như bất kỳ thị trường buôn bán thương phẩm của các loại nguyên nhiên vật liệu nào, gọi chung là "commodities", khi nhu cầu cao và nguồn cung thấp thì giá cả tăng lên, hoặc ngược lại, khi nguồn cung cao và nhu cầu thấp thì giá giảm xuống. Đó là quy luật.
Khi giá dầu sụt giảm, EIA báo cáo rằng "dòng tiền đầu tư vào thị trường hàng hóa" đã tạo ra xu hướng giá dầu sụt giảm chứ không tăng. Khi giá dầu sụt dưới 80 USD/thùng, tiền mà nhà đầu tư đã đầu tư vào bất động sản hay chứng khoán được chuyển vào dầu. Khi giá dầu rớt xuống dưới 70 USD/thùng, các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu liên quan đến dầu khí, nên đẩy giá dầu tiếp tục sụt giảm, các hợp đồng tương lai, là những thỏa thuận để mua hoặc bán dầu tại một ngày cụ thể trong tương lai ở một mức giá cụ thể bị mặc cả dưới giá thành 60 USD/thùng, càng làm giá dầu đi xuống.
Mặt khác, cũng cần kể đến một yếu tố khác khiến giá dầu tiếp tục sụt giảm là các nước sản xuất dầu. Đây là những quốc gia lấy dầu khí làm lực đẩy cho nền kinh tế; và khi giá dầu giảm, nguồn thu sa sút, để cân đối nguồn thu và duy trì đà tăng trưởng nhằm đáp ứng cho ngân sách, thì các quốc gia này thực tế lại gia tăng "bơm dầu" đem bán để trám vào nguồn thu ngân sách, chứ không cắt giảm sản lượng dầu, khiến dầu thô sụt giá quá mạnh và quá lâu vì cung vẫn tăng mà cầu lại hạ.
Phạm Quốc Hoàng - William D. Dudley
|