Cú hích quốc phòng - kinh tế từ sân bay Phan Thiết
Nằm trên địa bàn chiến lược Nam Trung Bộ, Bình Thuận là địa phương có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, và có tiềm năng về phát triển kinh tế xã hội, du lịch, sân bay Phan Thiết sau khi hoàn chỉnh sẽ là hạ tầng giao thông đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần bảo vệ biển Đông, hải đảo.
* Thủ tướng đồng ý xây sân bay Phan Thiết
Phối cảnh sân bay Phan Thiết.
|
Đồng thời, sân bay Phan Thiết tạo được sự đồng bộ về tải trọng khai thác giữa đường hàng không, đường bộ và thu hút đầu tư, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.
Được sự đồng ý của Chính phủ, sáng nay - ngày 18.1 tại xã Thiện Nghiệp, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Bình Thuận đang tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết theo hình thức BT kết hợp BOT.
Sân bay Phan Thiết được quy hoạch là sân bay lưỡng dụng, phục vụ mục đích quân sự và hàng không dân dụng. Sân bay có tổng diện tích 543ha, trong đó diện tích quân sự là 150ha, khu hàng không dân dụng là 109,5ha, diện tích dùng chung là 283,5ha.
Trên cơ sở xem xét đề xuất của Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND tỉnh Bình Thuận, TTCP đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng sân bay phục vụ huấn luyện của Trung đoàn không quân 920 – Quân chủng Phòng không không quân tại Phan Thiết (khu quân sự) theo hình thức hợp đồng BT – Xây dựng chuyển giao. Hoàn vốn bằng nguồn khai thác quỹ đất sân aby Nha Trang, Khánh Hòa.
Đồng thời, TTCP chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng phần hàng không dân dụng sân bay Phan Thiết theo hình thức BOT – Hợp đồng xây dựng,kinh doanh, chuyển giao. Các nhà đầu tư sân bay Phan Thiết là Tcty 319 – Bộ Quốc phòng, Cty CP Tập đoàn Rạng Đông.
Dự án BOT khi đi vào hoạt động sẽ hình thành một sân bay quân sự tiêu chuẩn cấp 1, đồng thời cung ứng sân bay dân sự với quy mô 4C, trong đó, bao gồm một đường cất hạ cánh bằng vật liệu kích thước: 2.400m x 45m, các công trình quản lý bay và thông tin dẫn đường, đảm bảo khai thác cho các loại tàu bay quân sự như: Su27, Su30, AN26 và các tàu bay dân dụng như: A320, A321…., một đường cất hạ cánh bằng đất, kích thước 2.400m x 100m, phục vụ các tàu bay quân sự hạ cánh trong trường hợp khẩn cấp theo tiêu chuẩn kỹ thuật quân sự.
Dự án BOT khi đưa vào sử dụng là sân bay lưỡng dụng hoàn chỉnh với các hạng mục: Khu bay, khu hàng không dân dụng, khu kỹ thuật và thương mại, hệ thống giao thông, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp thoát nước.
Dự kiến, công trình hoàn thành và bàn giao năm 2018.
Hà Anh Chiến
lao động
|