Thứ Hai, 12/01/2015 10:43

Cổ phần hóa DNNN: Người bán hàng “keo kiệt”

Ngày 19-12-2014 Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã phải hủy phiên đấu giá 2,67 triệu cổ phần của Công ty Docimexco vì không có một cổ phiếu nào được đăng ký mua. Việc đấu giá mà không có ai mua đã là “chuyện thường ngày ở huyện”, vốn dĩ đã xảy ra nhiều năm và có lẽ cũng chưa thể nhanh chóng chấm dứt.

 

Cảng Hải Phòng đã bán được 17,7 triệu trong số 36,7 triệu cổ phần chào bán trong đợt IPO cuối năm 2014 vừa qua. Ảnh báo Đất Việt

Tuy nhiên, trường hợp Docimexco thì khác. SCIC đưa ra giá khởi điểm 6.000 đồng/cổ phiếu - mức giá khởi điểm thấp nhất từ trước đến nay. Đây cũng là công ty đầu tiên được công khai bán vốn dưới mệnh giá. Tiếc rằng ngay cả thế, cũng chẳng ai quan tâm. Thế mới biết không phải cứ rẻ là hấp dẫn và nhà đầu tư bây giờ khôn ngoan lắm rồi!

Tốt với quá khứ, nặng với tương lai

So với ba năm 2011-2013, công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà chủ yếu là cổ phần hóa năm 2014 đã có những bước chuyển nhảy vọt. Sự nhảy vọt bắt nguồn từ xuất phát điểm thấp. Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp trung ương, cả năm đã cổ phần hóa 143 đơn vị, gấp hai lần năm 2013; thoái vốn được 8.000 tỉ đồng trên tổng giá trị sổ sách 6.076 tỉ đồng.

Trong số các doanh nghiệp đứng đầu về thoái vốn đầu tư ngoài ngành phải kể đến tập đoàn Than - Khoáng sản đạt 1.732 tỉ đồng; SCIC đã bán hết vốn nhà nước tại tại 66 đơn vị, thu về 20,17 tỉ đồng. Vẫn còn đó một số trường hợp thoái vốn lòng vòng, của DNNN lại về DNNN, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp thoái vốn - người bán hàng - đã chứng tỏ sự năng động hơn hẳn trước đây trong việc tìm người mua, thương lượng giá cả và nhất là tận dụng thời điểm chứng khoán lên điểm để có thể bán được giá tốt.

Nhà nước trong vai người đi bán vốn, đã thể hiện một sự “keo kiệt” đến mức chỉ chăm chăm lo cho túi tiền của mình. Tư tưởng e ngại bán rẻ, thất thoát tài sản nhà nước vẫn đứng ở trung tâm.

So sánh với quá khứ để thấy sự tiến bộ. Nhìn về mục tiêu sắp xếp, cổ phần hóa 432 DNNN cho đến hết năm 2015, thì còn nặng nề (chưa tính 100 doanh nghiệp vừa được bổ sung vào danh sách, nâng số lượng lên 532). Bộ Tài chính nhận xét hai điểm nhấn đáng lưu tâm là tỷ lệ cổ phần hóa chưa đạt kế hoạch cần bán và chưa gắn với niêm yết. Nói thẳng ra, không ít công ty chuyển thành cổ phần với tỷ lệ bán ra bên ngoài ở mức thấp không tưởng tượng nổi. Hãy thử nhìn kết quả IPO (bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của một số cảng biển để hình dung cụ thể sự khẳng định không mấy vui của cơ quan cầm trịch ngân khố quốc gia.

Ngày cuối cùng của năm 2014, Cảng Cần Thơ đấu giá 13,6 triệu cổ phần, và chỉ 27.200 cổ phần được đăng ký mua. Tháng 12 cùng năm, Cảng Chân Mây IPO và bán được 60.000 cổ phần trong tổng số 7,43 triệu đơn vị đấu giá. Trước đó, những doanh nghiệp bề thế hơn như Cảng Hải Phòng, Cảng Quảng Ninh, Cảng Đà Nẵng, Cảng Nha Trang cũng không bán nổi phân nửa lượng cổ phiếu IPO. Cảng Hải Phòng nổi trội hơn cả được nhà đầu tư mua 17,7 triệu cổ phiếu trong số 37,6 triệu rao bán. Với Cảng Quảng Ninh con số tương ứng là 854.500 cổ phiếu/11,3 triệu; Cảng Nha Trang 350.800/5,5 triệu; Cảng Đà Nẵng 1,6 triệu/8,3 triệu... Duy nhất Cảng Nghệ Tĩnh bán hết 100% cổ phần chào bán.

Người bán hàng “keo kiệt”

Đứng ở góc độ kinh tế thị trường, nơi cung cầu quyết định giá cả, Nhà nước trong vai người đi bán vốn, đã thể hiện một sự “keo kiệt” đến mức chỉ chăm chăm lo cho túi tiền của mình. Tư tưởng e ngại bán rẻ, thất thoát tài sản Nhà nước vẫn đứng ở trung tâm. Chính tư tưởng này điều khiển hành động, dẫn đến năm diễn biến mà thị trường quan sát được.

Thứ nhất, thường chỉ bán một tỷ lệ nhỏ cổ phần doanh nghiệp ra bên ngoài.

Thứ hai, định giá cao. Nhà đầu tư hiện nay có đủ kiến thức thẩm thấu để hiểu mức giá nào là chấp nhận được. Nếu Nhà nước bán rẻ, định giá thấp, họ sẽ tự động nâng giá mua. Họ sòng phẳng lắm. Điều này giải thích vì sao một số công ty được đăng ký mua lượng cổ phiếu gấp nhiều lần chào bán, giá đấu thành công cao hơn 2-3 lần giá khởi điểm.

Thứ ba, giá bán của Nhà nước không chừa ra khoảng cách nhất định để cho giá còn lên. Khi ông A bỏ tiền mua cổ phiếu IPO với giá, thí dụ là 12.000 đồng, ông hy vọng nó sẽ lên 13.000 đồng. Một ngàn đồng chênh lệch ấy là khoảng cách nên chừa ra. Đằng này Nhà nước không chừa xu nào. Giá khởi điểm phải đúng 13.000 đồng, vậy ai còn ham đấu giá nữa?

Thứ tư, Nhà nước không có cơ chế khuyến mãi: mua càng nhiều, tỷ lệ càng cao, giá càng mềm. Bán được vài chục ngàn cổ phiếu và hàng triệu cổ phiếu khác nhau chứ! Các tổ chức, đặc biệt các quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng mua số lượng lớn. Họ là nhà đầu tư chuyên nghiệp, cơ chế giá IPO cho họ phải khác. Thực tế, Nhà nước không phân biệt cá nhân, tổ chức, người đăng ký mua 1.000 cổ phiếu (mức tối thiểu) hay hàng triệu cổ phiếu đều như nhau. 

Thứ năm (cái này dễ mà khó), Nhà nước chủ trương bán tỷ lệ lớn cổ phần công ty mẹ, thậm chí quá 51% như Vinalines. Song tại đa số các công ty con, Nhà nước lại nắm quyền chi phối. Thế thì có khác nào mở cửa mời khách vào nhà, nhưng khóa trái cửa tất cả các phòng, khóa luôn cả phòng khách, khách cứ ngồi, đi lại ở hành lang?

Bức xúc tạo cầu

Giới đầu tư muốn tham gia mua cổ phần DNNN hiện tại có nhiều lựa chọn, trong đó có hàng chất lượng cao, trung bình, hoặc thấp. Tiền nào của đó. Khổ nỗi nguồn cung thì nhiều mà hàng hóa ưng ý người mua lại ít. Người mua đã vậy lại kén cá chọn canh. Để bán được, người bán không thể không tạo cầu.

Việc tạo cầu là câu chuyện dài mà phạm vi một bài báo không cáng đáng hết được. Ở một khía cạnh của tạo cầu là chọn đơn vị tư vấn cổ phần hóa, thị trường đang chứng minh tầm quan trọng của đối tượng này. Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC) gần đây nổi lên như một tổ chức tư vấn cổ phần hóa hàng đầu, đến mức nhận làm thương vụ nào là thương vụ đó coi như thành công. Thời BIDV cổ phần hóa, ban đầu ít ai tin số cổ phần IPO sẽ bán hết, vậy mà BIDV đã làm được. Vụ IPO Vinatex, có trục trặc chút xíu phải lùi ngày IPO, cuối cùng cũng bán hết. Vietnam Airlines bán hết lượng cần bán. Tới đây có thể BSC sẽ đảm đương một thử thách khắc nghiệt hơn là tư vấn IPO Vinalines.    

BSC đã giải quyết được vấn đề mà những đơn vị tư vấn khác có thể không làm được, đó là tìm cho ra người mua, không loại trừ cả việc chỉ ra nơi tài trợ nguồn vốn đầu tư nếu cần thiết. Quá trình chuẩn bị tư vấn đi kèm cả các khâu quảng cáo, tiếp xúc, truyền tải thông tin đến nhà đầu tư qua các hoạt động trực tiếp, gián tiếp.

Để bán được vốn, Nhà nước cần có hàng loạt tổ chức tư vấn như BSC. Muốn tạo ra những BSC phải có cơ chế - một cơ chế xây dựng nên các định chế tạo cầu trước mắt và cân bằng cung cầu lâu dài. Hình như một cơ chế chính sách như vậy chưa được đề cập đến ở cấp cơ quan quản lý. Nó chỉ mới được bàn luận ở tầng vi mô mà thôi.

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   Tái cơ cấu các doanh nghiệp ngành GTVT: Tạo động lực mới (12/01/2015)

>   Ngày 06/02, Cấp nước Hải Phòng sẽ IPO hơn 16.8 triệu cp (10/01/2015)

>   SCIC đấu giá 833,060 cp Công nghiệp Hóa chất & Vi sinh giá khởi điểm 53,300 đồng/cp (11/01/2015)

>   Seaprodex: Đấu giá 16 triệu cp, nhà đầu tư chỉ đăng ký mua 414,200 cp (09/01/2015)

>   Những doanh nghiệp tiến hành IPO trong tháng 1/2015 (08/01/2015)

>   DN 100% vốn Nhà nước là công ty đại chúng từ 01/11/2014 phải giao dịch trên UPCoM trong 90 ngày (07/01/2015)

>   Bán toàn bộ vốn nhà nước tại TCty Công nghiệp ô tô (06/01/2015)

>   Hủy bán đấu giá cổ phần của CTCP Trà Bắc (06/01/2015)

>   Seaprodex tiếp tục đấu giá gần 16 triệu cp (06/01/2015)

>   2015 sẽ cổ phần hóa toàn bộ doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng (05/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật