Bloomberg: Chứng khoán Việt Nam 2015 sẽ đạt đỉnh 7 năm
Theo kết quả của một cuộc khảo sát do hãng tin Bloomberg thực hiện, chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên mức cao nhất 7 năm, trong năm 2015.
Kinh tế tăng tốc và giá cổ phiếu của Việt Nam thuộc loại rẻ nhất Đông Nam Á là những nhân tố dẫn tới sự tăng điểm này.
Các chiến lược gia chứng khoán tham gia cuộc khảo sát dự báo, VN-Index sẽ tăng trung bình 15% trong thời gian từ nay tới cuối năm so với mức đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/1, đạt mức khoảng 655 điểm
|
Các chiến lược gia chứng khoán tham gia cuộc khảo sát dự báo, VN-Index sẽ tăng trung bình 15% trong thời gian từ nay tới cuối năm so với mức đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/1, đạt mức khoảng 655 điểm. Đây là cuộc khảo sát ý kiến có sự tham gia của 11 nhà phân tích trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, hệ số P/E (giá cổ phiếu/thu nhập, thước đo độ đắt rẻ của cổ phiếu) của VN-Index hiện mức 12,5 lần, so với mức 14,3 lần của chỉ số MSCI Đông Nam Á.
Các nhà phân tích dự báo, lợi nhuận của các công ty niêm yết trong VN-Index sẽ tăng 10% trong 12 tháng tới, so với mức dự báo giảm 2% đối với các cổ phiếu thuộc MSCI Đông Nam Á.
Năm nay, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng hơn 6% lần đầu tiên kể từ năm 2011 nhờ đầu tư nước ngoài kích thích hoạt động xuất khẩu, các ngân hàng tăng cường cho vay, và lạm phát giảm khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.
“Giá trị cổ phiếu và các yếu tố vĩ mô tiếp tục ủng hộ VN-Index tăng cao hơn”, ông Patrick Mitchell, trưởng bộ phận khách hàng tổ chức thuộc công ty chứng khoán VinaSecurities tại Tp.HCM, nhận định.
Ông dự báo VN-Index sẽ tăng tới 680 điểm trong năm nay và khuyến nghị mua vào cổ phiếu các công ty công nghệ và hàng tiêu dùng. Các cổ phiếu mà Patrick yêu thích bao gồm Thế Giới Di Động, FPT, Vinamilk và Masan.
So với thời điểm chốt năm 2014, VN-Index hiện tăng 4,3%, đóng cửa ở mức 596,12 điểm trong phiên hôm qua. Trong năm ngoái, chỉ số này tăng đương 8,1%.
Nợ xấu hiện vẫn đang là một vấn đề nan giải của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Ngoài ra, trần sở hữu đối với khối ngoại cũng hạn chế khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu Việt Nam.
Chưa kể, giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày của sàn Tp.HCM vào khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng (103 triệu USD) trong năm 2014, chỉ bằng chưa đẩy 1/4 mức giao dịch hàng ngày của thị trường chứng khoán Indonesia - theo Bloomberg.
Năm ngoái là năm thứ 9 liên tiếp khối ngoại mua ròng cổ phiếu Việt Nam. Tuy vậy, mức mua ròng này chỉ đạt 136 triệu USD, so với mức mua ròng 3,76 tỷ USD của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Indonesia và mức 1,25 tỷ USD trên thị trường Philippines.
“Chúng tôi muốn chứng kiến sự đa dạng hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thay vì đa phần là các nhà đầu tư nhỏ lẻ như hiện nay. Sự đa dạng sẽ làm giảm mức độ biến động của thị trường và giúp đạt tới sự tăng điểm bền vững lâu dài hơn”, ông Kevin Snowball, giám đốc công ty quản lý quỹ PXP Vietnam Asset Management ở Tp.HCM, đánh giá.
Theo thống kê chính thức, xuất khẩu của Việt Nam tăng 13,6% trong năm ngoái, vốn FDI giải ngân tăng 7,4% đạt 12,35 tỷ USD, và tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 22/12 đạt 12,6%. Lạm phát cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 năm vào tháng 12 vừa qua do giá dầu thế giới giảm sâu.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cam kết thúc đẩy việc sáp nhập một số ngân hàng và buộc một số khác phải phá sản nhằm cắt giảm mức nợ xấu, thúc đẩy cho vay.
“Chúng tôi lạc quan về chứng khoán Việt Nam năm nay”, bà Trần Thị Kim Cương, trưởng bộ phận chứng khoán của công ty Manulife (Vietnam) Asset Management, cho biết.
Bà Cương dự báo VN-Index sẽ đạt mức khoảng 655 điểm vào tháng 12 năm nay và cổ phiếu ngành ngân hàng “sẽ có cơ hội tăng giá trong ngắn hạn sau khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ thúc đẩy hoạt động sáp nhập”. Bà Cương cũng khuyến nghị mua vào cổ phiếu Vinamilk và Masan.
An Huy
vneconomy
|