Thứ Hai, 12/01/2015 17:16

Bất cập từ giấc mơ phát triển công nghiệp: Hoang hóa đất đai, lãng phí trăm bề

Không ai phủ nhận các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và các khu kinh tế đã đóng một vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế đất nước. Song, trong thời gian qua, nhiều địa phương cả nước đã đua nhau xây dựng KCN, cụm công nghiệp (CCN), khu kinh tế… tràn lan, dẫn tới những hệ lụy khôn lường, gây hoang hóa đất đai, lãng phí tài nguyên - ngân sách và ảnh hưởng xấu tới đời sống người dân…

Đất KCN ở huyện Bình Chánh, TPHCM.

Những quy hoạch vô tội vạ, cho giấc mơ “hoang tưởng” phát triển KCN-CCN, đã dẫn tới hàng trăm hộ dân mất đất sản xuất từ bao đời nay, cuộc sống của họ khó khăn… vẫn hoàn khó khăn.

Đất lúa teo tóp

Không phải ngẫu nhiên, vừa qua, UBND tỉnh Tây Ninh đã buộc phải ra quyết định xóa bỏ 10/23 CCN quy hoạch “treo” (tương đương 1.250ha), trả lại đất cho người dân tiếp tục canh tác nông nghiệp, sau gần chục năm, cả ngàn hécta đất bị bỏ hoang hóa.

Một ví dụ điển hình cho thấy, khi địa phương quá “hoang tưởng” về phát triển công nghiệp, thiếu thực tiễn, sẽ tai hại như thế nào. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho Tây Ninh 8 CCN, với tổng diện tích 1.076,8ha, thì tỉnh này được thể… lấn tới, thu hồi đất vượt diện tích cho phép của Chính phủ tới… 576,8ha. Diện tích các CCN quá rộng lớn, thế nhưng mới có 1 CCN phủ kín được… 1,3ha; còn lại đều bị “treo”, hoang hóa suốt gần 10 năm qua.

Chưa kể, KCN Trảng Bàng cũng vượt gần 400ha - gấp 5 lần diện tích được Chính phủ phê duyệt. Riêng 2 KCN Gò Dầu và Hòa Thành, sau khi quy hoạch xong, việc lấp kín không được bao nhiêu, đành xin… hạ cấp thành CCN.

Ngoài ra, 2 khu kinh tế ở Tây Ninh gồm: Mộc Bài và Xa Mát, còn trong tình cảnh thê thảm hơn. Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được quy hoạch tới 21.283,9ha; nhưng sau gần 10 năm, mới triển khai được 1.335,1ha. Tệ hơn, Khu kinh tế Xa Mát quy hoạch “khủng” tới 34.197ha, nhưng nay mới thu hồi đất và sử dụng vẻn vẹn… 13,5ha. 

Và, ngay trong Khu kinh tế Mộc Bài, người ta cũng không ngừng… hoang tưởng, khi diện tích KCN cho phép chỉ 55ha, địa phương thu hồi 533ha. Khu dịch vụ - thương mại, Chính phủ cho 40ha, Tây Ninh "làm luôn"… 250,2ha. Tất cả những quy hoạch vô tội vạ, cho giấc mơ hoang tưởng phát triển KCN-CCN như kể trên, đã dẫn tới hàng trăm hộ dân đang canh tác lúa, hoa màu, cây trái… bao đời nay, phải ra đi; hàng trăm hécta đất bị quy hoạch cho KCN-CCN, nhưng trên thực tế, chưa nhà đầu tư nào vào, dẫn tới hệ lụy hàng trăm hécta đất đai bị bỏ hoang hóa, lãng phí trong nhiều năm.

Trong khi đó, diện tích đất lúa, hoa màu, cây lâu năm… ở nhiều xã, ngày càng bị teo tóp, nông dân không có đất sản xuất… Tương tự, ở TPHCM quy hoạch 30 CCN, với diện tích 1.900ha; tuy nhiên, hơn 5 năm qua, mới có 11 CCN được triển khai, còn lại hoàn toàn trong cảnh bị “treo” vô thời hạn.

Nghèo trên đất quy hoạch KCN “treo”

Ông Trương Minh Khách - Trưởng phòng Công nghiệp (Sở Công Thương TPHCM) - cho biết: “TPHCM sẽ điều chỉnh giảm diện tích đất CCN từ 1.900ha xuống còn 1.000ha, vì thấy quá lãng phí. Số diện tích đất giảm (900ha) sẽ chuyển sang cho dân phát triển nông nghiệp, làm khu dân cư…”.

Ông Trần Văn Môn nói: “Gia tộc tôi sống hơn 60 năm trên vùng đất huyện Bến Cầu này. Từ ngày đất đai bị nằm trong quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, coi như cả gia đình tôi nằm trong cảnh khốn khổ trăm bề. Không có đất sản xuất, con cái bỏ xứ lưu lạc làm ăn, nghèo vẫn hoàn nghèo”.

Bà Hồ Thị Huệ cũng cho rằng, “Địa phương quy hoạch ẩu; sức làm không tới mà tham lam, quơ hết đất đai của dân, rồi bỏ hoang hóa gần chục năm qua, trong khi dân mất đất, không có gì canh tác”. Sau thời gian đổ vốn trên 103 tỉ đồng xây dựng hạ tầng, Khu kinh tế Mộc Bài giờ đây trải dài hai bên quốc lộ 22, hàng ngàn hécta đất đã thu hồi của dân, nhưng hoàn toàn trong cảnh hoang hóa, “treo” không biết đến bao giờ…

Ông Nguyễn Văn Đông - một hộ dân bị ảnh hưởng bởi CCN “treo” Hòa Phú, huyện Củ Chi, TPHCM - bức xúc: “Từ ngày đất chúng tôi bị nằm trong quy hoạch CCN Hòa Phú, đồng nghĩa, người dân không được xây dựng, chẳng mua bán gì được trên chính mảnh đất mà chúng tôi đã sở hữu, sinh sống trong hàng chục năm. Trong khi đó, nhà máy, xí nghiệp nào có thấy, chủ đầu tư cũng biệt tăm, đất thu hồi được của dân thì bỏ hoang, lãng phí… Thật vô lý quá!”. Tại ĐBSCL, nguồn tin cho biết, ước tính 100.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất làm KCN…

Cao Hùng

lao động

Các tin tức khác

>   Trung tâm thương mại hơn 20 tỷ thành nơi… nuôi bò (12/01/2015)

>   Chộn rộn nhà đất khu Đông (12/01/2015)

>   Vì sao nhà đầu tư bỏ dự án bãi đỗ xe ngầm? (12/01/2015)

>   Hà Nội: Giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 9.911 tỷ đồng (12/01/2015)

>   Bắt bà Thu Nga: Còn nhiều đại gia 'bánh vẽ' lừa dân (12/01/2015)

>   Cuộc giải cứu bất thành ở phía Tây Hà Nội (11/01/2015)

>   Bắt bà Thu Nga: Trăm tỷ mua 'bánh vẽ' đòi ai? (10/01/2015)

>   ĐHĐCĐ bất thường Phát Đạt: Huy động hơn 650 tỷ đồng để phát triển quỹ đất (09/01/2015)

>   Quận 2, điểm sáng bất động sản TP.HCM (09/01/2015)

>   Triển khai các dự án đường cao tốc (09/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật