‘Ăn theo’ dự án cao tốc, bán đất trái phép
Lợi dụng việc tận thu đất phục vụ dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, nhiều công ty bán đất trái phép.
* Rút ruột đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
Để phục vụ thi công đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai cho phép một số cá nhân lập dự án cải tạo kết hợp tận thu đất làm vật liệu san lấp tại bốn xã Long An, Bình Sơn, Lộc An và Bình An của huyện Long Thành. Theo giấy phép của UBND tỉnh Đồng Nai, các công ty, cá nhân chỉ được tận thu đất để phục vụ cho đường cao tốc và có trách nhiệm cải tạo, san lấp sau khi khai thác.
Tuy nhiên, một số công ty đã bán đất san lấp mặt bằng cho các khu dân cư và các cơ quan chức năng dường như thả nổi việc này.
Không đổ đất cho đường cao tốc
Sáng 29-12-2014, chúng tôi đến hầm đất tại ấp Thanh Bình, xã Lộc An. Đây là hầm đất được cấp phép để cung cấp cho dự án đường cao tốc. Theo ghi nhận của chúng tôi, vào thời điểm trên, hầm đất này có ba máy múc hoạt động hối hả, múc đất lên bảy chiếc xe ben đang chờ sẵn. Lúc này một người đàn ông chạy xe máy xung quanh hầm đất như để cảnh giới người lạ xâm nhập. Khoảng 15 phút sau, hai chiếc xe ben biển số 30L-2215 và 60V-4098 lần lượt rời khỏi hầm chạy ra đường ĐT 769. Qua nhiều ngã rẽ, đến thị trấn Long Thành, hai xe rẽ trái chạy vào dự án khu đô thị phụ cận cảng hàng không quốc tế tại Xóm Gốc, xã Long An, huyện Long Thành rồi dừng lại. Hai phụ xe nhanh chóng cuộn bạt, thùng xe được nâng lên, xe đổ đất xuống để san lấp mặt bằng cho dự án khu dân cư. Đổ đất xong, hai xe quay trở lại hầm đất xã Lộc An. Chỉ khoảng ba tiếng đồng hồ, chúng tôi đếm được hai chiếc xe ben chở năm chuyến đất từ hầm Lộc An đến đổ tại dự án khu dân cư ở Xóm Gốc.
Hai chiếc xe ben 30L-2215 và 60V-4098 đang lấy đất ở hầm đất thuộc ấp Thanh Bình, xã Lộc An. Ảnh: TD
|
Sau đó, mang đổ ở khu đô thị Xóm Gốc, xã Long An. (Ảnh chụp sáng 29-12-2014) Ảnh: TD
|
Trước đó, sáng 25-12-2014, tại hầm đất trên, chúng tôi ghi nhận hai xe hối hả múc đất lên đoàn xe tải tám chiếc (bốn chiếc lớn, bốn chiếc nhỏ) lần lượt ra vào hầm. Bám theo đoàn xe, chúng tôi phát hiện thay vì chở đất san lấp phục vụ cho đường cao tốc thì đoàn xe chạy đến hai khu đất ở ấp 2, xã Long An đổ để san lấp mặt bằng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu đất đang được san lấp là của một người dân tên P. và một người tên M. Trong đó, đất ông P. khoảng 500 m2 đang san lấp mặt bằng để xây nhà. Còn khu đất của ông M. hơn 4.000 m2 đang san lấp để phân lô bán nền. Theo một người dân, ông M. đã đổ hơn 200 xe đất để san lấp mặt bằng nhưng vẫn chưa đủ.
Trong vai người cần mua đất để san lấp mặt bằng, chúng tôi tiếp cận lái xe ủi đang san lấp mặt bằng cho ông M., anh này cho biết toàn bộ đất dùng san lấp tại đây là lấy tại hầm đất ở ấp Thanh Bình, xã Lộc An.
Mua bao nhiêu cũng có
Chúng tôi liên hệ với ông Th., người quản lý hầm đất tại ấp Thanh Bình, xã Lộc An. Khi chúng tôi đặt vấn đề mua đất để san lấp ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch, ông Th. nói: “Anh muốn mua bao nhiêu cũng có. Chúng tôi có nhiều hầm đất tại khu vực này. Hầm 2 ha này không đủ thì qua hầm 5 ha bên cạnh, sắp khai thác. Chúng tôi cung cấp đất san lấp cho dự án đường cao tốc nhưng ai có nhu cầu chúng tôi cũng bán…”.
Khi hỏi về giá cả, ông Th. nói: “Đất mặt giá 300.000 đồng/xe còn đất pha sỏi phía dưới 600.000 đồng/xe. Đây là giá bán tại hầm, còn chi phí vận chuyển thì bên mua tự lo. Nếu khó khăn trong việc tìm xe, phía chúng tôi sẽ giới thiệu”.
Theo ông Th., hầm đất do ông quản lý mỗi ngày khai thác hàng trăm chuyến xe ben loại lớn nếu trời nắng. “Tôi và mấy anh em ở đây cũng chỉ là người làm thuê. Còn chủ hầm thực sự là ông L.V.T., ông M.Th., ông H. Giá tôi báo cho anh là giá bán lẻ. Nếu mua nhiều thì giá sẽ khác. Anh nên trao đổi với ông T., ký hợp đồng với ông ấy” - ông Th. nói và cho chúng tôi số điện thoại của ông T. để liên lạc.
Tại một hầm đất ở ấp 3, xã Long An, một quản lý tên Trung báo giá: “Giá bán đất ngay tại hầm là 450.000 đồng/xe (loại 12,5 m3/xe). Anh muốn lấy bao nhiêu cũng có vì công ty có rất nhiều hầm… Anh cứ coi đất rồi liên hệ với công ty ký hợp đồng”.
Theo quy định, sau khi tận thu đất, đơn vị khai thác phải san ủi, trồng lại cây xanh. Tuy nhiên, tại khu vực được phép khai thác, chúng tôi thấy nhiều hầm đất sau khi khai thác thành hồ nước mênh mông.
Nhiều ngày theo các xe chở đất ở đây, chúng tôi nhận thấy các xe vô tư mang đất đi đổ trong các khu dân cư mà không gặp bất kỳ sự kiểm tra, giám sát nào của cơ quan chức năng. Điều này đồng nghĩa với tài nguyên đất bị sử dụng sai mục đích, Nhà nước thất thu thuế. Chưa hết, việc vận chuyển đất đi đổ trong các khu dân cư gây nhiều hệ lụy, người dân lãnh đủ.
Tiến Dũng
pháp luật tphcm
|