Xuất khẩu sang Pháp: Vẫn tiếp đà tăng trưởng
Quan hệ thương mại Việt Nam - Pháp đang liên tục phát triển theo hướng có lợi cho Việt Nam và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới nhờ cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam (chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu) phù hợp với phân khúc thị trường tầm trung và thấp tại Pháp.
Nhiều hàng Việt được ưa chuộng ở Pháp
|
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại Việt Nam tại Pháp - là một quốc gia thuộc khu vực châu Âu, Pháp được nhận định là một trong những thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa của các nước xuất khẩu bởi lẽ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Pháp tiếp tục tăng trong thời gian gần đây, mặc dù tổng nhu cầu tiêu dùng xã hội không tăng, thậm chỉ giảm trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Nguyên nhân của hiện tượng này là do nhiều loại hàng nhập khẩu có giá bán rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại sản xuất tại Pháp. Trong số đó, các mặt hàng tiêu dùng như đồ gia dụng, may mặc, giày dép, điện tử (chủ yếu là điện thoại di động), dụng cụ kim khí có mức tiêu thụ tăng lớn. Các sản phẩm Việt Nam cùng loại tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá tại thị trường Pháp.
Với những lợi thế về giá cả hàng hóa, những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Pháp liên tục gia tăng. 11 tháng của năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu sang Pháp 2,12 tỷ USD với các mặt hàng chính là điện thoại và linh kiện, giày dép, dệt may, đồ gia dụng, hàng nông - lâm - thủy sản... tăng 6% so với cùng kỳ.
Nhiều năm qua, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam, Bên cạnh đó, Thương vụ cũng tích cực phát triển quan hệ hợp tác với Hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp, Câu lạc bộ doanh nhân Việt Nam - Campuchia - Lào - Pháp, một số hiệp hội ngành nghề của Pháp cũng như một số doanh nhân và giới chức sở tại để giúp các doanh nghiệp Việt Nam chủ động tiếp cận thị trường.
|
Tuy nhiên, ông Nguyễn Cảnh Cường cũng nhận định rằng, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng thực tế, xuất khẩu từ Việt Nam sang Pháp còn chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ hội cho hàng hóa Việt Nam sang Pháp còn rất lớn khi thị phần sản phẩm “Made in Việt Nam” tại Pháp còn rất nhỏ (trên dưới 2%) trừ giày dép (gần 10%) trên tổng nhu cầu thị trường. Vì vậy, để chiếm lĩnh tốt hơn thị trường Pháp, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng bao bì, bảo đảm nguồn cung ổn định, đồng thời tham gia đều đặn các hội chợ chuyên ngành tại Pháp để xây dựng, phát triển quan hệ bạn hàng với các nhà nhập khẩu và các nhà môi giới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể mời chuyên gia kiểm soát chất lượng sản phẩm và công nhân lành nghề của Pháp đến Việt Nam làm việc theo hợp đồng có thời hạn, để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm vừa thông qua họ marketing các sản phẩm tại thị trường Pháp.
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, để gia tăng sự hiện diện của hàng Việt tại Pháp, xúc tiến thương mại là một trong những hoạt động không thể thiếu. Thời gian tới, để hoạt động này thu được nhiều thành công hơn nữa, về truyền thông, cần mở rộng việc quảng bá sản phẩm và thương hiệu Việt Nam tới cộng đồng doanh nghiệp Pháp. Bên cạnh đó, các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nên ưu tiên phân bổ ngân sách cho các mặt hàng còn nhiều tiềm năng như nông, thủy sản, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ…
Nguyễn Hường
báo công thương
|