Xuất khẩu gạo trong quý I/2015 còn nhiều khó khăn
Hiện mới có hợp đồng thương mại trong khi chưa có các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung, nên tình hình xuất khẩu trong quý I/2015 sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Thông tin trên được ông Nguyễn Hùng Linh - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra trong hội nghị "Tổng kết công tác xuất khẩu gạo năm 2014 và phương hướng năm 2015", diễn ra ngày 22/12 tại TP. Hồ Chí Minh.
Hội nghị có sự tham dự của thành viên Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo, đại diện các bộ ngành, UBND, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn các địa phương thuộc vùng quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và hơn 100 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì hội nghị.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường thương mại gạo thế giới năm nay diễn biến phức tạp, nhiều bất ổn. Nguồn cung các nước xuất khẩu dồi dào, lượng tồn kho lớn do điều kiện thời tiết, thay đổi cơ chế chính sách, đầu mối nhập khẩu, các đối tác cạnh tranh gay gắt.
Các nước nhập khẩu tiếp tục thực hiện chính sách nhập khẩu theo hướng tăng cường sản xuất trong nước, đa dạng hóa nguồn cung và phương thức xuất nhập khẩu. Tác động của hiện tượng El Nino, dịch bệnh Ebola, diễn biến tình hình chính trị - xã hội bất ổn tại một số khu vực thị trường cũng đã tác động đến một số thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam. Đồng thời cũng làm gia tăng cạnh tranh xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm truyền thống của Việt Nam ở khu vực Châu Á.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
|
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, tình hình xuất khẩu gạo năm 2014 của Việt Nam có nhiều thời điểm khó khăn, không có các hợp đồng lớn để dẫn dắt thị trường. Đặc biệt, nhiều thị trường sụt giảm như Châu Phi giảm tới 80%, và áp lực lớn khi Thái Lan xuất khẩu gạo dưới giá thành sản xuất để giảm áp lực tồn kho.
Tuy vậy, đây cũng là năm đã chứng kiến nhiều nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành trong việc phát triển thị trường. Một số biên bản hợp tác với các quốc gia ở Châu Mỹ, Châu Mỹ La Tinh, Nam Á đã được ký kết. Nhiều thị trường dù không mới nhưng đã có sự gia tăng đáng kể như: Hong Kong, Trung Quốc. Các thị trường mới của Việt Nam như Mexico, Mỹ đã có bước phát triển, mở ra nhiều khuôn khổ hợp tác thuận lợi.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết tháng 11/2014, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,062 triệu tấn, trị giá 2,807 tỷ USD, giảm 2,3% về lượng và tăng 2,6% về giá trị so với cùng kỳ. Dự kiến xuất khẩu gạo cả năm 2014 đạt khoảng 6,5 triệu tấn, đảm bảo mục tiêu tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa cho người nông dân. Gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang 135 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông... Các nước như Trung Quốc (1,9 triệu tấn), Philippines (1,33 triệu tấn), Indonesia (300 ngàn tấn), Malaysia (453 ngàn tấn), Cuba (272 ngàn tấn) là một số thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam.
Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. gạo cấp thấp đã giảm trên 28% về lượng và tăng trưởng mạnh xuất khẩu gạo thơm đạt hơn 1,52 triệu tấn, tăng gần 35% về lượng so với cùng kỳ 2013. Công tác điều hành xuất khẩu cơ bản đã đạt được các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu, góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa, mức giá được duy trì ổn định ở mức cao, có lợi cho nông dân; góp phần đảm bảo cân đối cung cầu.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Cần nghiên cứu các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết sẽ ảnh hưởng thế nào đến tình hình xuất khẩu gạo; nghiên cứu thị trường để có chiến lược phát triển trung và dài hạn. Đặc biệt, cần triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ, phát triển các mô hình liên kết với nông dân đổi mới công nghệ, quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo gắn với nông dân và vùng nguyên liệu; phát huy mạnh mẽ nguồn lực của bộ ngành trong Tổ điều hành xuất khẩu gạo.
|
Lê Khôi
công thương
|