Việt Nam tốn trăm triệu đô mua hạt giống
Việt Nam chi tới 38 triệu USD mỗi năm để nhập giống lúa lai, chưa kể các loại hạt giống khác như rau, ngô, đậu tương,... Nỗ lực tìm cách vực dậy lĩnh vực quan trọng này của ngành nông nghiệp liệu có mang lại hiệu quả?
* 500 triệu đô nhập hạt giống: Dại gì mua hàng Việt Nam!?
Nhập mua các loại giống lai
Cách đây vài tuần, dư luận xôn xao khi GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho hay, Việt Nam đang phải chi tới 500 triệu USD mỗi năm để nhập khẩu giống, trong đó 80% hạt giống lúa lai trong nước phải mua của nước ngoài. Ông cảnh báo, Việt Nam còn phải lệ thuộc vào hạt giống nhập khẩu trong một thời gian dài nữa.
Trên thực tế, đúng là Việt Nam phải nhập khẩu hạt các loại hạt giống trên, nhưng số lượng và tổng giá trị nhập khẩu không lớn đến vậy.
Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), xác nhận, có chuyện 70% giống lúa lai ở Việt Nam là nhập khẩu, nhưng diện tích lúa lai so với tổng diện tích lúa cả nước rất nhỏ.
Cụ thể, tổng diện tích lúa ở Việt Nam là 7,8 triệu ha, trong đó diện tích lúa lai chỉ có hơn 600.000ha, chiếm 8% tỷ lệ lúa cả nước.
Ông Phạm Đồng Quảng: Mặc dù từ năm 1990 lại đây, ngành nông nghiệp đã lai tạo được gần 20 tổ hợp giống lúa lai, nhưng sản lượng năm 2014 dự báo chỉ đạt 6.500 tấn, đáp ứng 35% nhu cầu (ảnh N.H)
|
Dẫn lại số liệu của Tổng cục Hải quan, ông Quảng phân tích, năm 2013, Việt Nam nhập hơn 11.200 tấn hạt giống lúa lai, trị giá gần 38 triệu USD. Số này đủ để gieo trồng cho khoảng 400.000 ha, tức Việt Nam mới chủ động được 1/3 giống lúa lai.
Đáng lưu ý, tuy diện tích nhỏ nhưng lúa lai ở Việt Nam lại có vai trò khá quan trọng. Nó được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ,... nhằm để "cứu đói". Đây cũng là giống có khả năng thích ứng tốt với khí hậu khắc nghiệt. Vì thế, dù diện tích lúa lai sắp tới có thể chững lại, ngành NN-PTNT vẫn coi đây là một sự lựa chọn cho bà con nông dân.
Vì thế, về lâu dài, Việt Nam xác định vẫn phải chủ động sản xuất giống lúa lai. Bộ NN-PTNT đã có đề tài nghiên cứu, chọn tạo giống lúa lai, đồng thời có chính sách khuyến khích các DN tham gia. Để hạn chế nhập khẩu lúa lai vào Việt Nam, Bộ mới ra quy định: DN chỉ được phép nhập khẩu 3 năm đầu, sau đó phải sản xuất lúa lai giống ở Việt Nam. Đến nay, đã có DN đưa giống bố mẹ vào nước ta thử nghiệm.
Tuy nhiên, lúa lai chỉ là một phần của câu chuyện nhập khẩu hạt giống. Ông Phạm Đồng Quảng nói thêm, ngoài lúa lai, Việt Nam đang nhập tới 14.700 tấn ngô lai, tốn kém tới 42,5 triệu USD và cũng phải chi từng ấy ngoại tệ nữa để nhập hạt giống rau, chủ yếu là giống rau lai, rau cao cấp (80% phải nhập khẩu) như su hào, xúp lơ, cải bắp, cà chua, các loại dưa hấu, dưa chuột...
Đặt hàng giống lúa bán 600-800 USD/tấn
Tư duy chạy theo số lượng, thay vì theo chất lượng, lâu nay bám rễ trong ngành nông nghiệp, khiến Việt Nam năm nào cũng hoan hỉ với con số xuất khẩu tăng cao, luôn đứng vị trí số 1 số 2 thế giới mà "quên" mất tổng giá trị kim ngạch mang lại. Tư duy này đang thay đổi, tuy chậm chạp, nhưng chứng tỏ ngành nông nghiệp đang từng bước chuyển mình tái cơ cấu.
BC 15 và Bắc thơm 7 đang là hai giống lúa gạo trắng hạt dài chất lượng cao, có thể nói là đầu bảng của Việt Nam (ảnh minh họa - Dân Việt)
|
Trong số đó, một biện pháp được triển khai ngay từ đầu là đổi mới về cây, con giống. Bộ NN-PTNT mới đây đã đặt hàng các viện, trường, trung tâm, các nhà khoa học nghiên cứu, sản xuất 5-7 giống lúa thơm ngắn ngày, giá 600-800 USD/tấn. Lý do, hầu hết lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt mức trên dưới 400 USD/tấn. Ngay cả gạo phẩm cấp thấp, chúng ta cũng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với gạo Pakistan, Ấn Độ, Myanmar,...
Ông Phạm Đồng Quảng cho biết, trên thị trường xuất khẩu, gạo trắng hạt dài đang có tỷ lệ áp đảo với 60-70% thị phần, gạo thơm đặc sản chiếm 20%, còn lại là gạo phẩm cấp trung bình, phẩm cấp thấp. Lâu nay Việt Nam chưa chú trọng xuất khẩu gạo thơm nên số lượng chỉ bằng 1/6 tổng lượng gạo xuất khẩu. Lý do, theo ông Quảng, gạo thơm thời gian tăng trưởng dài, năng suất thấp (năm 1 vụ) trong khi gạo trắng hạt dài năm 2 vụ, năng suất cao hơn.
Vì thế, với đối tượng xuất khẩu là gạo trắng hạt dài, song, cần có sự lai tạo, đột biến, kể cả hợp tác với nước ngoài để có giống lúa năng suất, chất lượng, giá bán tốt hơn. Hiện 15% giống lúa được cung ứng bởi các trung tâm, công ty giống, 25% là sản xuất nông hộ. Số còn lại, khi thu hoạch bà con nông dân tự để dành làm giống, do đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng lúa gạo.
Ngoài ra, một hạn chế nữa là khi xuất khẩu, gạo của Việt Nam không đồng nhất về chất lượng. Lý do, trên một cánh đồng, bà con gieo trồng quá nhiều giống lúa, dẫn tới tình trạng chất lượng gạo cao thấp lẫn lộn trong một lô hàng xuất khẩu. Tồn tại này vừa làm giá gạo xuất khẩu không cao, vừa không gây dựng được thương hiệu. Vì thế, cần nhanh chóng tạo vùng nguyên liệu lớn - chính là mô hình cánh đồng mẫu lớn - mà ngành đang gấp rút triển khai.
Trên thực tế, một số công ty, viện nghiên cứu nông nghiệp xác nhận Việt Nam đã có giống lúa thơm xuất khẩu giá 800 USD/tấn. Như vậy, rõ ràng Việt Nam không thiếu giống tốt. Vấn đề đặt ra ở đây, nói như GS.TS Bùi Chí Bửu, là chúng ta đang thua về mặt kinh doanh, đưa hạt giống ra thị trường, vào sản xuất.
Ngọc Hà
diễn đàn kinh tế việt nam
|