Nước Pháp kết thúc năm 2014: Cơn bão khủng hoảng chưa tan
Trong khi các nền kinh tế khác của châu Âu như Đức và Anh đã ra khỏi khủng hoảng một cách khá ấn tượng thì kinh tế Pháp vẫn tiếp tục trì trệ trong năm 2014.
Tổng thống Pháp Francois Hollande vẫn đang đối mặt với vô vàn khó khăn trong nước. (Nguồn: AFP/TTXVN)
|
Nước Pháp giống như một thành viên "ốm yếu" của Liên minh châu Âu (EU) với những con số thống kê đáng thất vọng được công bố vào những ngày cuối cùng của năm.
Vào đêm trước của lễ Giáng sinh, Cơ quan thống kê quốc gia Pháp (Insee) công bố số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp đã lập kỷ lục mới trong tháng 11/2014 với gần 3,49 triệu người xin trợ cấp thất nghiệp, tăng 27.400 người so với tháng trước đó, tăng 181.000 người so với đầu năm và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Báo Le Monde số ra ngày 26/12 đã gọi năm 2014 là "Năm đen tối" trên mặt trận việc làm khi tình trạng thất nghiệp không những không được cải thiện mà ngược lại, vào những tháng cuối năm, tỷ lệ này tăng nhanh gấp 3 lần so với những tháng đầu năm với mức 1.000 người đăng ký thất nghiệp mỗi ngày.
Cũng theo Insee, kinh tế Pháp chỉ tăng trưởng 0,3% trong quý 3/2014 so với cùng kỳ năm trước trong khi đầu tư của các doanh nghiệp vẫn rất thấp và nợ công đã lên tới gần 2.032 tỷ euro, tương đương 95,2% Tổng thu nhập quốc nội (GDP).
Thâm hụt ngân sách vẫn là nỗi ám ảnh đối với nước Pháp và được dự báo ở mức tương đương 4,4% GDP trong năm 2014, 4,3% trong năm 2015, cao hơn nhiều so với con số quy định 3% của EU.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cho biết Paris chưa thể giảm thâm hụt ngân sách xuống mức trần 3% theo quy định, mà phải đến năm 2017 mới có thể đạt được mục tiêu này.
Trở lại thời điểm đầu năm 2014 khi Tổng thống Pháp François Hollande tổ chức cuộc họp báo về chính sách phát triển kinh tế, ông đã công bố "Thỏa ước trách nhiệm" theo đó Chính phủ sẽ "giảm thuế cho doanh nghiệp để đổi lấy việc doanh nghiệp tăng tuyển dụng người lao động."
Tổng thống Pháp đã coi đây như một "bài thuốc trị liệu" nhằm đảo ngược đà tăng tỷ lệ thất nghiệp. Cùng với đó, các chính phủ kế tiếp nhau của Pháp đã tích cực đẩy mạnh các chương trình cải cách kinh tế, thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu công với kế hoạch tiết kiệm 15 tỷ euro trong năm 2014 và 50 tỷ euro cho giai đoạn 2015-2017 nhằm giảm thâm hụt ngân sách.
Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện nay có thể nói, những cam kết của Tổng thống và Chính phủ đang trở nên hết sức xa vời. Nước Pháp vẫn đang vật lộn nhằm thoát khỏi tác động của cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ, mọi phương thức nhằm đẩy lui tỷ lệ thất nghiệp cao và tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp vẫn chưa đem lại kết quả.
Trên thực tế, các kết quả kinh tế ảm đạm đã dẫn đến những hệ lụy về chính trị và xã hội khiến nước Pháp hai lần phải thay đổi nội các trong năm, nội bộ đảng Xã hội chia rẽ, các đảng đối lập chỉ trích mạnh mẽ Chính phủ, người dân ngày càng mất niềm tin vào Tổng thống và bộ máy hành pháp.
Tại cuộc bầu cử địa phương diễn ra vào cuối tháng Ba vừa qua, đảng Xã hội đã nhận "lá phiếu trừng phạt" của cử tri vì những thành tích kinh tế nghèo nàn.
Cử tri "trừng phạt" đảng Xã hội cầm quyền bằng cách bỏ phiếu cho đảng đối lập Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) và đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN).
Thất bại tồi tệ đó buộc Tổng thống Hollande phải bổ nhiệm ông Manuel Valls làm Thủ tướng và xây dựng một chính phủ với tên gọi "chính phủ chiến đấu."
Tuy nhiên, "chính phủ chiến đấu" với các ưu tiên là triển khai các chính sách kinh tế đã không thể đưa nước Pháp ra khỏi tình trạng bế tắc. Năm tháng sau, vào thời điểm kết thúc kỳ nghỉ Hè, một số bộ trưởng thuộc cánh tả của đảng Xã hội, như Bộ trưởng Kinh tế Arnaud Montebourg, Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon, đã công khai chỉ trích mạnh mẽ chính sách kinh tế của Pháp và châu Âu. Cả hai đã yêu cầu Tổng thống Pháp thay đổi đường lối để khôi phục tăng trưởng.
Diễn biến này cho thấy sự đối đầu căng thẳng giữa chính phủ của Tổng thống Hollande và phe cánh tả cứng rắn hay nói cách khác là đã diễn ra một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng trong lòng đảng Xã hội.
Chưa bao giờ nước Pháp lại rơi vào tình cảnh như vậy khi một số bộ trưởng công khai chống lại chính sách của chính phủ. Thủ tướng Valls dĩ nhiên không bằng lòng đã đệ đơn xin giải thể nội các ngày 25/8.
Tuy nhiên, ngày 26/8, Tổng thống François Hollande đã đề nghị ông Manuel Valls tiếp tục đứng ra lập nội các mới phù hợp với đường lối phát triển do ông vạch ra.
Báo chí Pháp gọi đây là sự cố hy hữu trong nền Đệ ngũ Cộng hòa và cho rằng tất cả đều bắt nguồn từ việc nền kinh tế của "đất nước hình lục lăng" ngày càng đi xuống.
Về phương diện đối ngoại, nước Pháp tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Phi đồng thời đi đầu trong việc tham gia chiến dịch không kích chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Mặc dù vậy, ảnh hưởng quốc tế của Pháp đang suy giảm mạnh, nước Pháp cũng đang mất dần ảnh hưởng ở châu u khi không phát huy được vai trò trong trục Đức-Pháp vốn là "xương sống" của cả EU. Không những thế, nước Pháp giống như một toa tàu đang tụt lại phía sau đoàn tàu châu Âu.
Với những thành tích đối nội và đối ngoại như vậy, thật dễ hiểu khi tỷ lệ ủng hộ Tổng thống François Hollande rơi xuống mức thấp kỷ lục, ông trở thành tổng thống mất lòng dân nhất trong nền Đệ ngũ Cộng hòa với tỷ lệ ủng hộ "chạm đáy" là 13% vào tháng 11 vừa qua.
Tương tự, chỉ có 13% người Pháp cho rằng kết quả đến giữa nhiệm kỳ của ông là tích cực, và cứ 10 người Pháp thì có đến 8 người không muốn ông Hollande ra tái tranh cử năm 2017.
Công bằng mà nói khó khăn của ông Hollande là phải lãnh đạo đất nước trong thời kỳ chuyển đổi, nền kinh tế Pháp chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ kéo dài, với thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân thương mại được tích tụ từ nhiều chính phủ tiền nhiệm.
Mổ xẻ những yếu kém của nền kinh tế Pháp, giới chuyên gia còn cho rằng nguyên nhân sâu xa là do quá trình phi công nghiệp hóa quá nhanh dẫn đến sự chuyển đổi "ngoạn mục" lao động từ lĩnh vực công nghiệp sang lao động trong lĩnh vực dịch vụ trong nhiều thập kỷ qua. Quá trình đó đã làm giảm đáng kể giá trị thặng dư của các ngành công nghiệp trong GDP, phần nào làm mất đi tính cạnh tranh của các doanh nghiệp khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ảnh hưởng mạnh tới việc làm tại Pháp.
Trong bối cảnh như vậy thì bất kỳ ai ngồi vào ghế của Tổng thống Hollande cũng gặp những khó khăn tương tự. Tuy nhiên, dù khách quan hay chủ quan thì mọi người đều cảm nhận được sự dồn nén nỗi lo và cả sự sốt ruột trong xã hội Pháp, tạo áp lực lên Chính phủ, đòi hỏi phải mau chóng cải thiện tình hình. Trong khi đó, các cải cách kinh tế của Chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls đang triển khai lại cần thời gian để phát huy hiệu quả. Chính vì vậy, đây quả thực là một bài toán nan giải.
Vào thời điểm những thời khắc cuối cùng của năm 2014 đang trôi qua và năm mới 2015 đã cận kề, nước Pháp vẫn đang loay hoay tìm lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, kinh tế Pháp chưa qua cơn bĩ cực và chặng đường chông gai vẫn còn ở phía trước.
Bích Hà/Paris
Vietnam+
|