Những trăn trở của khối ngoại về TTCK Việt Nam
Chứng khoán Việt Nam đã nỗ lực đạt được đà tăng khả quan trong năm nay nhưng liệu kỳ vọng về đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế có đem lại cho thị trường một đợt phục hồi khác?
Dĩ nhiên triển vọng kinh tế Việt Nam hiện nay là khá tươi sáng.
* CIMB: Tín dụng thắt chặt có thể đẩy chứng khoán Việt Nam tăng mạnh
Trong một báo cáo mới đây, Deutsche Bank cho biết: “Chúng tôi nhận thấy Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu vĩ mô ấn tượng với tăng trưởng 6.2% và lạm phát dưới 5% trong năm 2015”. Dù vậy, ngân hàng này cũng lo ngại về vấn đề nợ và các rủi ro bắt nguồn từ sự giảm tốc kinh tế của Trung Quốc.
Chứng khoán Việt Nam đã đạt được kết quả khá tích cực với chỉ số VN-Index tăng gần 13% trong năm nay sau khi nhảy vọt 22% trong năm 2013. Tuy nhiên, hiện chỉ số này vẫn còn giảm khoảng 10% so mức đỉnh của tháng 9.
Lo ngại về thị trường
Không có gì chắc chắn cho việc liệu bức tranh kinh tế tích cực có giúp thị trường tiếp tục tiến xa hơn nữa, đặc biệt là trong bối cảnh vẫn còn tồn tại lo ngại về việc cơ cấu của thị trường có thực sự sẵn sàng cho giai đoạn cao điểm.
Một vấn đề nữa là, các nhà quản lý quỹ đang quan tâm đến tín hiệu từ việc Mondelez International mua 80% cổ phần từ một công ty con của CTCP Kinh Đô (HOSE: KDC), một thương vụ vượt ra khỏi tầm kiểm soát về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Kevin Snowball, Giám đốc điều hành của PXP Vietnam Asset Management cho rằng: “Hoàn toàn không hợp lý khi nhà đầu tư có thể mua 100% tài sản của một công ty niêm yết khi tài sản đó lại nằm ở một công ty con trong khi chỉ được mua 49% cổ phần của một công ty niêm yết”. Theo ông, một rủi ro nữa là nếu cho phép thâu tóm công ty con thì thị trường nhất định sẽ trở thành một cách để quảng cáo hàng hóa.
Ông Snowball cũng lo ngại rằng kế hoạch niêm yết các doanh nghiệp nhà nước đang tiến triển chậm và có giá khá cao.
Tháng 11 vừa qua, Vietnam Airlines huy động khoảng 51.3 triệu USD sau đợt IPO được lên kế hoạch từ năm 2008. Ngoài việc chỉ chào bán khoảng 3.5% vốn, chỉ có 2 nhà đầu tư trong nước mua lại phần lớn cổ phần của Vietnam Airlines và không có nhà đầu tư nước ngoài tổ chức nào tham gia. Và theo dự kiến, cổ phiếu này sẽ chưa được giao dịch trên sàn cho đến khoảng tháng 3 năm sau.
Ông Snowball cho rằng: “Nguồn cung ngày càng tăng thông qua các đợt IPO thành công và có giá hợp lý cũng như sự tiếp cận lớn hơn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài là cần thiết để trở thành một thị trường hoàn chỉnh hơn”.
Nhà đầu tư do dự
Sự lo ngại đã khiến một số nhà đầu tư tổ chức tiếp tục đứng bên ngoài thị trường Việt Nam.
“Tại thời điểm này, Việt Nam vẫn còn giống như một thị trường vốn tư nhân và chưa sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư tổ chức”, nhận định của ông Jalil Rasheed, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Invesco. Các khó khăn mà ông Jalil nêu ra là thời gian thanh toán và việc được phê chuẩn để hoán đổi tiền tệ.
Tương tự như ông Snowball, ông Rasheed cũng lo ngại rằng thị trường sẽ không có đủ cổ phiếu.
Ông nói: “Top 10 cổ phiếu lớn nhất thị trường đang chiếm khoảng 80-90% tỷ trọng chỉ số và đa phần đều là doanh nghiệp nhà nước. Ông cho biết thêm hoạt động quản trị doanh nghiệp vẫn chưa đạt tới tiêu chuẩn của nhiều nước Đông Nam Á.
Ngoài ra, còn một yếu tố khác có thể tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam là đà sụt giảm của giá dầu và tác động kèm theo đối với các cổ phiếu trong ngành.
Kể từ mùa hè năm nay, giá dầu Brent đã giảm từ 115 USD/thùng xuống khoảng 66.08 USD/thùng trong giao dịch tại châu Á vào ngày thứ Ba (09/12) và nhiều chuyên viên phân tích giá dầu dự báo nhiên liệu này sẽ tiếp tục sụt giảm.
Ông Snowball cho biết đà sụt giảm của cổ phiếu Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS), công ty có vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam, đã khiến thị trường giảm điểm thời gian gần đây.
Phước Phạm (Theo CNBC)
|