Nghịch lý đấu giá Công ty tài chính EVNFC?
Đang phải đối mặt với không ít vấn đề về việc sụt giảm tổng tài sản, lợi nhuận, kiểm toán lưu ý về việc ghi nhận lãi trên cơ sở dự thu dự chi… nhưng lượng cổ phiếu EVNFC do EVN chào bán đã được gom gần hết với tỷ lệ 94%. Những nhà đầu tư mới kỳ vọng gì ở EVNFC, liệu việc giảm “điện áp” là tỷ lệ sở hữu của EVN có ảnh hưởng gì đến EVNFC hay không khi công ty được xem là đầu mối chính thu xếp vốn cho các dự án điện thuộc EVN?
Cụ thể, theo lộ trình tái cơ cấu đã đặt ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) buộc phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản…. Riêng tại Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFC), EVN nắm giữ khối lượng lớn lên đến 40% vốn, tương đương cả ngàn tỷ đồng theo mệnh giá. Tập đoàn Điện lực đã chào bán công khai 62.5 triệu cp EVNFC (tương đương 23.5% vốn) với giá khởi điểm 10,100 đồng/cp. Kết quả chào bán ngày 05/12/2014, 27 nhà đầu tư (trong đó có 1 tổ chức) đã mua thành công 58.75 triệu cp EVNFC bằng với giá khởi điểm (khối lượng đặt mua cao nhất là 5 triệu cp) và không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Cơ cấu cổ đông của EVNFC tính đến 30/06/2014 (trái) và sau khi đấu giá xong (phải)
|
Như vậy, 27 nhà đầu tư đã chi gần 600 tỷ đồng để mua lượng cổ phần EVN chào bán. Hiện chưa rõ danh tính của nhóm đầu tư này cũng như mục tiêu gom mua. Nhưng nếu xét riêng về hoạt động kinh doanh, có thể thấy EVNFC đang tồn tại nhiều vấn đề, kém sức hấp dẫn. Những nhà đầu tư mới kỳ vọng gì ở EVNFC khi những chỉ tiêu quan trọng như tổng tài sản, lợi nhuận… liên tục sụt giảm? Và việc giảm tỷ lệ sở hữu của EVN tại EVNFC có ảnh hưởng mạnh đến công ty không khi tỷ trọng cho vay các doanh nghiệp ngành phân phối điện, khi đốt, nước, điều hòa không khí chiếm tỷ trọng khá lớn 25% tính đến giữa năm 2014 (thời điểm cuối năm 2011 là 31%)?
Tổng tài sản và lợi nhuận bước giảm đều
Theo thông tin từ EVNFC, công ty được thành lập và hoạt động từ ngày 01/09/2008; hoạt động chính là đầu mối thu xếp vốn, quản trị vốn cho các dự án điện thuộc EVN và các đơn vị thành viên, cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính cho các đơn vị trong ngành điện. Hiện vốn điều lệ của EVNFC ở mức 2,500 tỷ đồng.
Trong những năm gần đây, một số chỉ tiêu chính trong hoạt động của EVNFC liên tục sụt giảm. Tổng tài sản của công ty tính đến tháng 06/2014 giảm 8% (hơn 1,500 tỷ đồng) so với đầu năm, xuống gần 17,000 tỷ đồng. Trong đó, giảm mạnh nhất là vốn tài trợ ủy thác đầu tư 8% (hơn 545 tỷ đồng), riêng vốn tài trợ ủy thác đầu tư giảm xuống còn 2,364 tỷ (cuối năm 2010 là 7,700 tỷ đồng). Bên cạnh đó, tiền gửi của khách hàng tại EVNFC giảm tương ứng (290 tỷ) xuống mức 3,337 tỷ đồng.
Hoạt động liên ngân hàng cũng là nhân tố tăng giảm thất thường trong những năm gần đây. Đáng chú ý, tính đến cuối năm 2013, EVNFC có khoản cho vay các TCTD khác gần 91.7 tỷ và được trích lập dự phòng đúng bằng số tiền này, đến 6 tháng đầu năm 2014, khoản lập dự phòng này vẫn giữ “nguyên xi” (theo lý thuyết, nợ có khả năng mất vốn sẽ được trích lập 100% dư nợ).
Riêng chỉ tiêu cho vay khách hàng của EVNFC tăng 18% so với cuối năm lên gần 6,800 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ nợ xấu đang vượt chuẩn ở mức 3.17%. Trong đó, dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm gần 80% tổng dư nợ (gần 5,340 tỷ đồng).
Tổng tài sản, nợ nhóm 5 và nợ xấu qua các năm của EVNFC
ĐVT: tỷ đồng, %
|
Về kết quả hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2014, EVNFC có lợi nhuận sau thuế cao gấp đôi cùng kỳ với 30.7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chủ yếu nhờ khoản dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh từ 89 tỷ về chỉ còn 4 tỷ đồng. Trong khi đó, thu nhập lãi giảm 31% khi đạt 548 tỷ; mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 47 tỷ đồng và hoạt động khác báo lỗ 71 tỷ đồng. So với những năm trước, tỷ trọng thu từ đầu tư chứng khoán nợ (trái phiếu) của EVNFC đã giảm đáng kể. Nếu trong năm 2012, thu từ đầu tư chứng khoán nợ của EVNFC đạt hơn 1,000 tỷ đồng, cao gần gấp đôi thu nhập lãi cho vay khách hàng thì nay chỉ còn 220 tỷ đồng, thấp hơn thu nhập lãi cho vay khách hàng (269 tỷ).
ĐVT: tỷ đồng
|
Về kế hoạch năm 2014, EVNFC đặt mục tiêu doanh thu thuần giảm 17% xuống 1,282 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 1% lên 94.3 tỷ đồng.
Đặc biệt, thu nhập bình quân của nhân viên EVNFC lại ở mức cao ngất, thậm chí cao hơn cả nhân viên tại những ngân hàng top đầu trong ngành tài chính. Thu nhập bình quân của nhân viên tại hai “ông lớn” ngân hàng Vietcombank (VCB) và VietinBank (CTG) trong năm 2013 là 17.27 triệu đồng/người/tháng và 19.67 triệu đồng/người/tháng, còn tại EVNFC là 20.367 triệu đồng/người/tháng.
Số liệu tài chính có hàng loạt vấn đề cần lưu ý
Liên tục tại báo cáo tài chính bán niên 2014 và báo cáo tài chính năm 2013 của EVNFC, đơn vị kiểm toán có lưu ý khá nhiều điểm, từ chính sách dự phòng, hỗ trợ hợp tác đầu tư, ứng trước tiền, phải thu chậm trả,… đến các khoản ủy thác đầu tư. Kiểm toán cũng lưu ý về việc ghi nhận thu nhập/chi phí lãi của EVNFC trên cơ sở dự thu dự chi và chính sách dự thu lãi từ hoạt động đầu tư chứng khoán nợ đã niêm yết, lãi từ các khoản phải thu khác (bao gồm nghiệp vụ repo giấy tờ có giá, hỗ trợ hợp tác đầu tư…).
Liên quan đến các khoản này, tính đến giữa năm 2014, EVNFC có hơn 400 tỷ các khoản phải thu bên ngoài từ repo, hợp đồng hợp tác đầu tư và ủy thác đầu tư. Trong đó, 207 tỷ đồng hợp đồng hợp tác đầu tư là hình thức cho vay đầu tư chứng khoán và cầm cố bằng chính chứng khoán được đầu tư. Đáng chú ý, EVNFC có khoản ủy thác đầu tư vốn hoạt động kinh doanh 75 tỷ đồng, đã bị giảm mạnh từ mức 1,094 tỷ của năm 2012.
Dự phòng rủi ro cho các khoản tài sản có này ở mức 225 tỷ, trong đó dự phòng cho các khoản hợp đồng hợp tác đầu tư và trả chậm ủy thác đầu tư lần lượt chiếm đến 102 tỷ và 60 tỷ đồng.
Về giao dịch với các bên liên quan, tính đến thời điểm 30/06/2014, EVNFC có nhận khoản tiền gửi có kỳ hạn 600 tỷ của EVN và đầu tư trái phiếu 100 tỷ đồng do EVN phát hành, cho vay các công ty con của EVN 644 tỷ (VNĐ) và 3,188 tỷ (bằng USD). Tại ABBank, EVNFC có khoản vay 1,879 tỷ và cho ABBank vay 2,008 tỷ đồng.
Trước đây, EVNFC từng đầu tư vào một số cổ phiếu công ty ngành điện như CTCP Thủy điện Thác Mơ (HOSE: TMP) (23.01% vốn - tháng 08/2013), CTCP Thuỷ điện Thác Bà (HOSE: TBC) (6.22% vốn – tháng 07/2013), CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC) (11.72% vốn – tháng 12/2012). Sau đó, EVNFC công bố đã bán hết cổ phiếu TMP, TBC và đăng ký bán 22 triệu cp PPC (cuối năm 2012).
Tính đến tháng 09/2014, EVN đã thực hiện thoái vốn thành công lần 1 tại CTCP Bảo hiểm Toàn cầu, chuyển nhượng cho Công ty International ERGO 1 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu từ 22.5% xuống còn 20% vốn, thu về 26 tỷ đồng; hoàn thành thoái vốn lần 1 tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), chuyển nhượng cho CTCP Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco) 25.2 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu từ 24.3% xuống 16.02%, thu về 252 tỷ đồng; hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại CTCP Đầu tư và Xây dựng Điện lực Việt Nam, thu về 5 tỷ đồng…
|
Đan Thanh
|