Nga khủng hoảng đồng rúp, các tỉ phú siêu giàu càng giàu hơn
Bất chấp cuộc khủng hoảng đồng rúp, một nhà hàng siêu sang ở Moscow hàng ngày vẫn phục vụ hơn 400 thực khách với các món sơn hào hải vị cực đắt tiền.
Có vẻ như tuần vừa qua là một quãng thời gian đầy căng thẳng đối với giới đại gia siêu giàu ở Nga trong bối cảnh nền kinh tế nước này lâm vào khó khăn với sự sụt giá nghiêm trọng của đồng rúp và những lệnh cấm vận nặng nề của phương Tây.
Những nhà tài phiệt nước Nga nắm trong tay các ngành quan trọng như dầu mỏ, kim loại, ngân hàng, khí đốt, phân bón, điện, hàng không... đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tiền tệ trầm trọng nhất trong hàng chục năm qua, và nhiều người cho rằng gia sản và quyền lực của họ có thể “bốc hơi” chỉ trong một đêm.
Đồng rúp rớt giá thê thảm đang đẩy kinh tế Nga vào tình cảnh lao đao
|
Thế nhưng trái ngược với nỗi lo ngại đó, dù đồng rúp có rớt giá thê thảm như thế nào đi chăng nữa, các tỉ phú siêu giàu của Nga có vẻ như vẫn yên ổn, thậm chí càng trở nên giàu có hơn nữa.
Ông Chris Weafer, chuyên gia cấp cao tại hãng tư vấn Macro-Advisory ở Moscow nhận định: “Các nhà tài phiệt và những đại gia Nga đã có đủ thời gian và các tín hiệu cảnh báo để chuyển tài sản của mình ra nước ngoài ngay trước cuộc khủng hoảng. Phần lớn tiền mặt của họ đã được chuyển hóa thành ngoại tệ an toàn và đang yên ổn ở các ngân hàng nước ngoài”.
Trong khi đó, họ vẫn có rất nhiều “tiền tiêu vặt” bằng cả đồng rúp và đô-la ở trong nước để đảm bảo một cuộc sống dư dả. Ông Boris Zarkov, chủ nhà hàng siêu sang The White Rabbit ở Moscow cho biết ông vẫn phục vụ tới 400 thực khách mỗi ngày với đủ các món sơn hào hải vị bất chấp giá cả tăng vọt.
Ông Zarkov nói: “Chỉ những người nghèo nhất nước Nga mới tích trữ tài sản bằng đồng rúp. Nếu bạn có đô-la, giờ đây bạn là người giàu có hơn bao giờ hết”.
Nhà hàng siêu sang The White Rabbit vẫn phục vụ hơn 400 thực khách mỗi ngày bất chấp giá cả tăng cao
|
Ngay cả những tỉ phú bị Mỹ đưa vào diện cấm vận như Yuri Kovalchuk, chủ tịch ngân hàng Bank Rossiya, cũng không bị thiệt hại quá lớn trong cuộc khủng hoảng này. Nguyên nhân chính là khi đồng rúp trượt giá và rơi vào khủng hoảng, các ngân hàng của Nga nhiều khả năng sẽ được Ngân hàng Trung ương bơm tiền để giải cứu để không lâm vào cảnh phá sản.
Theo tờ Bloomberg, tổng giá trị tài sản của khoảng 110 nhà tài phiệt Nga vào cuối năm 2013 lên tới gần 420 tỉ USD, tương đương số dự trữ của Ngân hàng Trung ương, biến họ thành một “ngân hàng trung ương” thứ hai bất chấp việc họ đã mất khoảng 10 tỉ USD chỉ trong 2 ngày đầu tuần vừa qua.
Cho đến nay, bơm tiền giải cứu là những gì mà Kremlin đã làm trong những tuần vừa qua để ổn định nền kinh tế. Ngân hàng Trung ương cũng đã tăng lãi suất từ 10,5% lên 17%, và chi ra ít nhất 10 tỉ USD để vực dậy giá trị đồng rúp.
Theo tờ Vedomosti, trong một cuộc gặp gần đây ở điện Kremlin, trong khi các nhà tài phiệt đang “bối rối và căng thẳng” trước nguy cơ về một cuộc khủng hoảng đồng rúp, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trấn an họ rằng Kremlin và giới kinh doanh vẫn tiếp tục “mối quan hệ thân cận”, đồng thời các nhà tài phiệt cần phải thể hiện “nghĩa vụ công dân” của mình.
Những chiếc áo phông in dòng chữ "Tự hào là người Nga" và "Chúng tôi tin vào đồng rúp" trong một cửa hàng ở Moscow
|
Tờ Vedomosti cho hay điều đó đồng nghĩa với việc các tỉ phú Nga sẽ tự nguyện chuyển ít nhất 50% số ngoại tệ mà mình nắm giữ hiện nay thành đồng rúp như một động thái giúp đỡ chính phủ.
Nước Nga từng phải trải qua một thời kỳ khó khăn tài chính khi đồng rúp sụp đổ vào năm 1998 hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhưng trong thời điểm hiện nay, mọi thứ đã rất khác đối với tầng lớp tài phiệt mới nổi của Nga, những người đã gây dựng nên các “đế chế kinh doanh” và vươn sang các thị trường phương Tây.
Ông Adds Weafer, cựu chiến lược gia của ngân hàng Sberbank của Nga nhận định: “Cuộc khủng hoảng đồng rúp hiện nay không hề gây ra bất cứ tác động vật chất nào tới khả năng thực hiện các nghĩa vụ nợ nước ngoài của Nga. Nền kinh tế Nga còn lâu mới phá sản”.
Thứ mà người Nga thiếu nhất trong thời điểm hiện nay chính là những thiết bị điện tử và những chiếc xe hơi thể thao đắt tiền, ông Weafer nói. Hồi đầu tháng 12, lo ngại về sự sụt giá của đồng rúp, người dân Moscow đã đổ tới các siêu thị để vét sạch các sản phẩm điện tử, xe hơi đắt tiền, và “giờ đây bạn không thể mua được tivi màn hình phẳng hay xe Porsche ở Moscow”.
Mặc dù vậy, ông chủ nhà hàng Zarkov vẫn cho biết: “Dân Nga hiện giờ vẫn đang rất vui vẻ, vì sắp đến năm mới. Chắc là sang năm họ mới bắt đầu tỏ ra lo lắng”.
Trí Dũng
dân việt
|