Năm 2014, kinh tế châu Âu vẫn trì trệ dù đã thoát khỏi suy thoái
Mặc dù Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã thoát khỏi suy thoái, song năm 2014 vẫn bị coi là xem năm "lục địa già" thể hiện sự tụt hậu so với nền kinh tế thế giới.
Người dân mua sắm trong một siêu thị ở Pháp. (Nguồn: AP)
|
Số liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong toàn Liên minh châu Âu (EU) đạt 0,8%. Châu Âu cũng tránh được giảm phát khi tỷ lệ lạm phát chỉ xoay quanh mức 0,5%. Tuy nhiên, để tránh rơi vào vòng xoáy đi xuống của tiền lương và giá cả tài sản, các nhà lãnh đạo châu Âu đã phải vật lộn để tìm biện pháp chống đỡ mà ưu tiên hàng đầu luôn là giảm tình trạng thâm hụt.
Ủy ban châu Âu đã đưa ra kế hoạch kích thích kinh tế trị giá hơn 300 tỷ euro nhằm khởi động lại cỗ máy kinh tế, nhưng việc triển khai vẫn còn ì ạch. Tình trạng thất nghiệp ảnh hưởng trực tiếp tới 24 triệu người trong toàn EU, khoảng 10% dân số trong độ tuổi lao động (tỷ lệ này sẽ là 12% nếu chỉ tính riêng các nền kinh tế của Eurozone).
Cuối tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiến hành sát hạch khả năng vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với 123 ngân hàng lớn nhất Eurozone, trong đó 25 ngân hàng không đủ khả năng đối phó và 13 ngân hàng cần tăng khẩn cấp số vốn thêm 10 tỷ euro.
Năm 2015, cả châu Âu chờ đợi cú hích kinh tế từ những biện pháp mạnh mẽ của tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker để mang lại sức sống cho nền kinh tế đang trì trệ này.
vietnam+
|