Mỹ - OPEC bắt tay: 50% ngân sách Nga đã bốc hơi
Cuộc tấn công dồn dập vào ngành dầu khí của Moscow từ chính quyền Washington và “đồng minh” thời gian qua khiến giới chuyên gia lo ngại ông Putin và tương lai nước Nga sẽ còn lận đận trong thời gian dài.
Các hãng thông tấn Tân Hoa xã (Trung Quốc), Reuters (Mỹ)… vừa qua đồng loạt đưa tin Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 18-12 đã ký ban hành một bộ luật nhằm áp đặt những biện pháp trừng phạt Nga cứng rắn hơn, trong đó đáng lưu ý là lĩnh vực năng lượng, dầu khí. Không chỉ Mỹ, giới quan sát còn dự đoán rằng Tổ chức Các quốc gia Xuất khẩu dầu hỏa (OPEC) cũng đã, đang và sẽ tiếp tục dìm giá dầu. Dù có phải là để tấn công Nga hay không thì động thái này cũng đang khiến Gấu Nga tổn thương nặng nề.
Áp lực kép từ hai đại gia dầu mỏ
Giới chuyên gia nhận định rằng để “hiện thực hóa” những tuyên bố trừng phạt Nga trong ngành năng lượng, Washington đã sử dụng công nghệ khai thác mới, bao gồm kỹ thuật khoan horizontal drilling, tức “khoan ngang” kết hợp hoàn hảo với kỹ thuật khai thác hydraulic fracturing, thường gọi tắt là fracking, tức “nứt vỡ thủy lực”.
Siêu công nghệ khai thác dầu khí đá phiến tại ba vùng có trữ lượng lớn như vùng Bakken (thuộc tiểu bang North Dakota), vùng Permian Basin gần Midland và vùng Eagle Ford (đều thuộc tiểu bang Texas) đã mang lại bước đại nhảy vọt về sản lượng dầu khí của Mỹ. Trong đó phải kể đến lượng dầu hỏa tăng lên mức kỷ lục, đạt 46% so với năm 2011. Song song đó, chỉ trong năm 2013 mức sản xuất dầu của Mỹ đã đạt trung bình 7,5 triệu thùng dầu/ngày. Con số này năm 2014 ước đạt 8,3 triệu thùng. Một báo cáo của Công ty Kiểm toán quốc tế PricewaterhouseCoopers được trích dẫn trên tờ Diplomat cho biết Chú Sam đang dìm giá dầu xuống thấp hơn 40% so với mức được dự kiến cho năm 2035 trước đây.
Bên kia chiến tuyến, thế giới đang mong chờ OPEC - một liên minh thần thánh ngành dầu khí sẽ can thiệp, ngăn chặn tình trạng “làm giá” dầu của Washington, bởi lẽ giá dầu giảm mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến OPEC bởi họ là các quốc gia chủ yếu sống nhờ vào tiền bán dầu mỏ. Tuy nhiên, tại hội nghị Vienna diễn ra vào 27-11 Saudi Arabia bất ngờ tuyên bố bác bỏ đề nghị của các nước thuộc khối OPEC, không giảm mức xuất khẩu, tiếp tục đưa giá dầu chạm đáy.
Cuối tuần trước (14-12-2014), trong bài phát biểu tại một hội nghị của OPEC ở Dubai, ông Suhail al-Mazrouei, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, đã khẳng định OPEC sẽ không giảm sản lượng ngay cả khi giá dầu đang ở mức 60 USD/thùng, thậm chí xuống đến 40 USD/thùng. Hiện các nước thành viên của tổ chức này đang duy trì sản lượng ở mức 30 triệu thùng/ngày và không có ý định điều chỉnh trong suốt ba tháng tiếp theo. Nghĩa là dầu mỏ của Nga nếu muốn có người mua phải chấp nhận hạ thấp đến mức có thể hủy hoại nền kinh tế nội địa nước này.
Hai “ông hoàng ngành dầu mỏ” - Mỹ và OPEC dường như vẫn chưa chịu ngừng việc đánh hội đồng dồn dập điện Kremli bằng dầu mỏ - vốn là vũ khí của người Nga. Ảnh minh họa: ECONOMIST
|
Bắt tay tấn công Gấu Nga
Động thái ghìm giá dầu nhằm tấn công Nga của Chú Sam thì không cần phải tranh cãi. Tuy nhiên, việc OPEC cũng nhúng tay vào chiến lược giảm giá dầu lần này mới là điều đáng lo ngại cho Nga. Tổng Thư ký OPEC Abdalla El-Badri đã khẳng định rằng “liên minh vàng đen” không nhằm vào Nga hay bất kỳ quốc gia nào khi tiếp tục tăng nguồn cung dầu. Ông cho rằng OPEC hành động như vậy đều vì lợi ích của những quốc gia trong tổ chức.
Theo các học thuyết kinh tế vi mô lẫn vĩ mô, nhiều người cho rằng OPEC hoàn toàn có lý. Liên minh này không thể cứu một nước Nga vốn chẳng phải anh em thân thích để dừng bán dầu cho thế giới nhằm kiếm tiền. Đó là chưa kể nhiều chuyên gia còn nhận định việc OPEC tăng nguồn cung, tức ghìm giá dầu không những không giúp Mỹ mà còn là làm hại nền kinh tế dầu mỏ của Mỹ. Vậy nên làm gì có chuyện “hai ông lớn” bắt tay để hại Nga. Tuy nhiên, những lập luận nặng tính lý thuyết nói trên dường như không còn đúng trong quan hệ chính trị phức tạp giữa Mỹ - các nước khối OPEC - Nga.
Nếu lưu ý đến xuất thân của OPEC, không khó nhận ra những cái tên của vùng Vịnh vốn là đồng minh thân cận của người Mỹ trong nhiều năm qua. Thế nên sự lao dốc của giá dầu lần này nếu có liên quan đến “đôi bàn tay” của Mỹ-OPEC là hoàn toàn dễ hiểu. Việc OPEC ghìm hãm giá dầu trong bối cảnh châu Âu bắt đầu thịnh vượng hơn sau cơn bão nợ công 2010, đồng thời ra sức trừng phạt kinh tế Nga liên tục thời gian qua càng khiến người ta tin rằng OPEC và phương Tây đang ngấm ngầm bắt tay để “thanh toán” gấu Nga.
Việc OPEC ghìm giá dầu có khiến Mỹ bị ảnh hưởng thì cũng chỉ có ngành khai thác và sản xuất dầu khí đá phiến tạm thời gánh chịu. Trong khi đó, nền kinh tế “khủng” với sức tiêu thụ dầu mỏ bậc nhất thế giới sẽ hưởng được lợi ích khổng lồ từ những can dầu bán rẻ như cho. Thậm chí nhiều chuyên gia lạc quan còn cho rằng nền kinh tế sản xuất của Chú Sam sẽ được dịp nhờ vào “giá đầu vào” bèo bọt có động lực vươn lên mạnh mẽ.
Mỹ và OPEC bắt tay sẽ giúp người Mỹ đứng trước thế “nhất tiễn hạ song điêu” - tức vừa hạ gục Nga (hay những quốc gia dầu mỏ tương tự Nga đang ra sức chống Mỹ), đồng thời kích thích nền kinh tế sản xuất vốn khá ảm đạm từ sau khủng hoảng toàn cầu, bất chấp một bộ phận “không đáng kể” ngành dầu khí đang chịu những gánh nặng tạm thời.
Nga chạm bờ vực suy thoái
Trước thực trạng “lưỡng hổ” dùng dầu mỏ tấn công, nước Nga đang gặp khó khăn chồng chất. Người Nga đang phải chịu một lúc nhiều vết thương, mới lẫn cũ. Chính quyền Putin đang gồng mình đối mặt với nền kinh tế suy thoái suốt thời gian qua chưa có dấu hiệu phục hồi. Đã vậy Mỹ và châu Âu đang “đánh trực diện và toàn diện” ở hầu hết lĩnh vực kinh tế chủ đạo của Moscow do khủng hoảng Ukraine. Và nay hai “ông hoàng ngành dầu mỏ” - Mỹ và OPEC dường như vẫn chưa chịu ngừng việc đánh hội đồng dồn dập điện Kremli bằng dầu mỏ - vốn là vũ khí của người Nga.
Dầu lửa và khí đốt chiếm 2/3 giá trị xuất khẩu của Nga, chiếm một nửa doanh thu ngân sách cả nước và 20% GDP. Giai đoạn 2003-2008, giá dầu thế giới đã tăng từ 18 USD lên 130 USD/thùng giúp chính quyền Putin phát triển kinh tế quốc gia, tăng tiềm lực quốc phòng. Theo kế hoạch, Nga dự toán ngân sách 2015 dựa trên giá dầu cơ bản đạt mức trung bình là 107 USD/thùng. Tuy nhiên, các động thái của Mỹ và OPEC khiến nguồn cung dầu ngày càng dồi dào đến không thể tưởng tượng, dìm giá dầu bất chấp sự kêu cứu của nền kinh tế nước Nga. Người Nga có nằm mơ cũng không thể chấp nhận được giá dầu lao dốc mạnh và chỉ còn 56 USD/thùng hôm 16-12. Hai ngày sau đó, con số này tiếp tục rơi thảm hại xuống còn 54,11 USD/thùng. Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách Nga đã mất trắng gần 50% chỉ vỏn vẹn trong vài tuần lễ.
Giá dầu rơi khiến tiền tệ của quốc gia xuất khẩu dầu Nga - đồng rúp cũng rơi thảm hại. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Nga đã thông qua quyết định tăng lãi suất căn bản lên mức 17% nhằm cứu vãn tình hình. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn không thể ngăn cản người dân Nga lũ lượt kéo nhau đi rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng, đẩy Nga đến bờ vực khủng hoảng tiền tệ. Thế nên không ai ngạc nhiên khi chỉ tính đến hết tháng 6-2014, tổng dòng vốn chảy khỏi Nga ước tính đã lên tới 76 tỉ USD, đầu tư nước ngoài giảm 50%. Trong bài viết“Liệu Tổng thống Putin có sống sót” trước làn sóng chống đối từ Mỹ và phương Tây, nhà nghiên cứu George Friedman, sáng lập viên - chủ tịch công ty dự báo chiến lược Stratfor, nhận định việc giá dầu dù đạt mức cao 100 USD/thùng vẫn không thể cứu vãn được tình hình. Đừng nói chi đến chuyện giá dầu giảm xuống mức chỉ hơn 50 USD/thùng như hiện nay.
Khó “tận diệt” nước Nga
Trong mối quan hệ liên đới giữa Nga - châu Âu - Mỹ, mọi sự trừng phạt nói chung và ngành dầu khí nói riêng vẫn khó có thể đẩy gấu Nga đến đường “diệt vong”. Nhà nghiên cứu nổi tiếng Joseph S. Nye (cựu Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ) trong bài viết “Chiến lược phương Tây đối phó với một nước Nga đang suy yếu”trên tạp chíProject-syndicatenhận định phương Tây không thể hoàn toàn cô lập Nga, một nước có nhiều lợi ích chồng chéo với phương Tây về an ninh, chính trị, kinh tế. Yếu tố địa lý còn mang lại cho ông Putin lợi thế trong bất kỳ sự leo thang nào của cuộc xung đột tại Ukraine. Nhìn tổng thể, vũ khí hạt nhân, dầu lửa, khí đốt, kỹ năng công nghệ máy tính và sự gần gũi với châu Âu của Nga sẽ mang đến cho chính quyền Putin các nguồn lực “phản đòn”. Và thực tế cho đến nay, không chỉ Moscow và phương Tây đã thấm đòn sau khi lệnh trừng phạt ngược đối với châu Âu được ông Putin “gật đầu” đồng ý nhiều tháng qua.
|
Thiên Bình
Pháp luật TPHCM
|