Lãi suất dài hạn của các nước phát triển sẽ giảm theo giá dầu
Theo nhật báo Nikkei, giá dầu giảm mạnh khiến giới phân tích nhận định điều này sẽ ảnh hưởng tới khả năng lạm phát thấp sẽ còn được duy trì trong thời gian dài. Từ đó, lãi suất dài hạn của các nước phát triển sẽ giảm và duy trì tỉ lệ thấp song hành với giá dầu.
Tại Nhật Bản, trong đợt phát hành trái phiếu chính phủ (công trái) kỳ hạn 10 năm vào ngày 11/12 vừa qua, đã có thời điểm lãi suất rơi xuống mức 0,390% - mốc thấp nhất trong 32 tháng gần đây. Tình hình tại châu Âu cũng tương tự khi tỉ lệ lãi suất các khoản vay dài hạn ở mức thấp.
Nguyên nhân của tình trạng này là do các nhà đầu tư lo ngại thị trường chứng khoán và cổ phiếu của các doanh nghiệp không ổn định nên đẩy mạnh đầu tư vào những tài sản có sự đảm bảo chắc chắn là công trái.
Trong ngày 11/12, giá giao dịch dầu WTI tại thị trường New York có thời điểm giảm xuống mức dưới 60 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất trong gần sáu năm nay và giảm tới 40% so với tháng 6/2012.
Do giá dầu thô giảm nên giá xăng dầu giảm và nhiều nước phát triển được hưởng lợi từ yếu tố này. Tuy nhiên, giới tài chính đang tỏ ra lo ngại trước hiện tượng giá dầu thô giảm quá nhanh và mạnh.
Nhiều nhà đầu tư nhận định giá dầu giảm có thể sẽ khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng giảm hoặc không ổn định. Nguyên nhân lãi suất dài hạn giảm là do áp lực tăng giá tại hầu hết các nước đều giảm mạnh dưới ảnh hưởng của giá dầu thấp.
Tại Mỹ, hồi tháng 10/2014, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã kết thúc chính sách nới lỏng tiền tệ và dự kiến mức lãi suất thấp kỷ lục gần bằng 0% sẽ được bãi bỏ trong năm 2015.
Còn tại Nhật Bản, lãi suất dài hạn giảm giúp các doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn cho vay với lãi suất thấp hơn. Khoản vay ưu đãi của Ngân hàng Mizuho dành cho doanh nghiệp ngày 10/12 có tỉ lệ lãi suất 1.1%, mức thấp nhất trong lịch sử. Từ đầu tháng 12 tới nay, các khoản cho vay như mua nhà... cũng đã được áp dụng lãi suất 1.56%, cũng là mức thấp kỷ lục.
Tri Phương/Tokyo
Vietnam+
|