Hàng loạt công trình ‘đứng hình’ vì mặt bằng
Nhiều công trình cầu, đường “đứng hình” do vướng mặt bằng khiến hàng ngàn tỉ đồng đầu tư đang bị lãng phí.
Ngày 21-12, từ quốc lộ 1 rẽ vào tỉnh lộ 10B, chúng tôi ghi nhận mặt đường thông thoáng khi mặt cắt ngang đường rộng trên 45 m. Tuy nhiên, đến đoạn giao cắt với đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đường lại bị bít ngang. Phía bên kia công trình vẫn ngổn ngang, bên cạnh một số nhà dân án ngữ. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho hay dự án tỉnh lộ 10B đã tạm ngưng thi công từ tháng 1-2014 đến nay.
Dự án trọng điểm… “đứng hình”
Dự án xây dựng tỉnh lộ 10B dài gần 6 km kết nối từ đường Tên Lửa (quận Bình Tân) theo cầu vượt quốc lộ 1 và cắt ngang đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Sau đó tuyến đường này nhập vào tỉnh lộ 10 tạo thành một trục giao thông quan trọng kết nối các khu công nghiệp ở Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) với các khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Tân Tạo và các khu dân cư thuộc huyện Bình Chánh, quận Bình Tân (TP.HCM). Tuyến đường còn tạo thêm một trục giao thông huyết mạch kết nối TP.HCM với Long An và các tỉnh miền Tây, chia bớt lưu lượng phương tiện cho tuyến quốc lộ 1 hiện đang quá tải.
Do quy mô và vị trí quan trọng của nó nên từ tháng 6-2012, UBND TP đặt kế hoạch hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối năm. Thế nhưng đến nay chủ đầu tư dự án là Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 cho biết đến thời điểm hiện nay dự án còn khoảng 300 m nhưng không tài nào thi công được. Hiện ở phần đường còn vướng một số hộ dân, đồng thời cầu Tân Tạo đã xong nhưng đường chưa mở vì phía bên Bình Chánh là... nhà dân, thay vì là đường xuống.
Cầu Tân Tạo trong dự án tỉnh lộ 10B đã xong nhưng phía huyện Bình Chánh là nhà dân thay vì đường dẫn.
|
Tương tự, dự án mở rộng tỉnh lộ 10 (từ cầu Tân Tạo, huyện Bình Chánh đến cầu Xáng giáp ranh Long An dài hơn 8 km) cũng được khởi công cùng lúc với dự án tỉnh lộ 10B với kế hoạch ban đầu hoàn thành vào cuối năm 2009 nhưng cũng với điệp khúc vướng giải tỏa, dự án phải gia hạn hoàn thành nhiều lần. Ngày 21-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện chủ đầu tư dự án khẳng định cứ có mặt bằng là lập tức đơn vị thi công nhảy vào làm ngay. Tuy nhiên, hiện nay toàn dự án còn khoảng 1.200 m chưa thể thi công được vì vướng mặt bằng nên kế hoạch đưa toàn công trình vào khai thác trong năm 2014 lại tiếp tục... lỗi hẹn.
Nhiều lần ra “tối hậu thư”... vẫn vướng
Trong khi đó, ở cạnh sân bay Tân Sơn Nhất, năm 2005 UBND TP duyệt dự án nâng cấp, mở rộng đường Phạm Văn Bạch dài 5,7 km với kế hoạch hoàn thành vào năm 2007 nhằm xóa “con đường” đau khổ nắng bụi, mưa ngập và ổ voi đầy đường cho người dân. Ngoài ra, việc mở rộng tuyến đường này còn tạo trục giao thông kết nối đường Trường Chinh với Quang Trung, giảm áp lực giao thông trên đường Phan Huy Ích, Nguyễn Văn Quá… Tuy nhiên, hiện nay phần dự án qua quận Gò Vấp đã đưa vào sử dụng trong khi phần lớn phía quận Tân Bình lại “đứng hình” cách đây hơn một năm cũng vì mặt bằng chưa giải tỏa được.
Tương tự, ở khu vực cửa ngõ đông bắc của TP.HCM, năm 2008 UBND TP đã duyệt dự án xây dựng nút giao hoàn chỉnh trước cổng chính ĐH Quốc gia TP.HCM với nhiều hạng mục như xây tám làn xe chính, xây hai cầu vượt qua làn chính, hai cầu vượt cho người đi bộ… nhằm giải quyết kẹt xe thường xuyên ở xa lộ Hà Nội đoạn qua Suối Tiên và trước cổng trường đại học cũng như giảm thiểu tai nạn tại khu vực nóng này. Tuy nhiên, bao năm qua, dự án này vẫn chưa thể hoàn thành dù kế hoạch hoàn thành dự án đã lùi đến cuối năm 2014 cũng vì chuyện mặt bằng. Điều đáng nói là trước đó UBND TP đã nhiều lần ra “tối hậu thư” yêu cầu xử lý dứt điểm vấn đề này,… nhưng mọi chuyện không dễ chút nào.
Lãng phí kép
Theo Sở GTVT, chính sự chậm trễ nêu trên, vốn đầu tư của các dự án đã đội hàng trăm tỉ đồng, như dự án đường Phạm Văn Bạch từ gần 275 tỉ đồng lên thành 680 tỉ đồng, nút giao ĐH Quốc gia TP.HCM từ hơn 200 tỉ đồng thành 465 tỉ đồng, dự án tỉnh lộ 10B từ gần 350 tỉ đồng thành 550 tỉ đồng...
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, còn cho rằng việc để nhiều dự án giao thông đã khởi công từ nhiều năm mà vẫn không giải quyết được khâu mặt bằng là trách nhiệm của các địa phương và chủ đầu tư. Lẽ ra khi đàm phán, ký hợp đồng và khởi công thì chủ đầu tư cũng phải tiên liệu đến mọi tình huống và phải thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương quyết liệt thương thảo, thuyết phục, thậm chí tổ chức cưỡng chế. “Bởi việc kéo dài thời gian hoàn thành các công trình cầu, đường không những phải điều chỉnh giá trị xây lắp, chi phí bồi thường mà còn tạo ra sự lãng phí khác do các công trình chậm phát huy hiệu quả trong việc kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và tạo thuận lợi cho người dân đi lại” - TS Sanh nói.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Thành Chung cho biết: Hiện nhiều dự án cầu, đường bị chậm trễ, thậm chí nhiều công trình không có mặt bằng buộc phải tạm dừng là do Sở GTVT và các chủ đầu tư không tự chủ được trong việc giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công. Trong khi đó, ở các công trình không vướng mặt bằng thì hầu hết đều đạt và vượt tiến độ.
Ông Chung cho hay trong các tình huống, Sở GTVT và chủ đầu tư đều đôn đốc, nhắc nhở nhà thầu, đề nghị họ có kế hoạch thi công hợp lý và nhiều trường hợp cần thiết sẽ tăng máy móc, thiết bị và nhân công để làm ngày, làm đêm. Nhưng điều này cũng không có ý nghĩa gì khi không có mặt bằng để thi công.
“Hiện nay, trong khả năng của mình, Sở GTVT đã làm việc thường xuyên với các quận, huyện và đơn vị thi công để xem có thể hỗ trợ trong việc bồi thường. Ngoài ra, Sở GTVT cũng thường xuyên kiến nghị các địa phương, Sở TN&MT xem xét lại phương án bồi thường, nếu đã hợp lý thì kiến nghị cho phép địa phương được cưỡng chế, bàn giao mặt bằng. Bởi dự án để càng lâu sẽ gây ra thiệt hại về nhiều mặt” - ông Chung nói.
Một số công trình “đứng hình” khác
- Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài dài gần 14 km đã thông xe được đoạn giữa dài gần 7 km. Vậy nhưng đến nay đoạn đầu từ nút giao Trường Sơn đến nút giao Nguyễn Thái Sơn dài khoảng 1,5 km vẫn vướng mặt bằng. Theo Sở GTVT, nếu trong năm 2014 giao xong mặt bằng thì đến giữa tháng 4-2016 mới có thể xong đoạn này.
- Dự án nâng cấp mở rộng xa lộ Hà Nội có tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỉ đồng, được khởi công từ tháng 3-2010 với kế hoạch hoàn thành sau ba năm. Vậy nhưng đến nay công trình vẫn vướng mặt bằng hàng loạt, có đoạn như từ quận 9 đến nút giao Tân Vạn phải “đứng hình”. Do vậy, thời điểm hoàn thành mới nhất được lùi đến hết năm 2018.
- Dự án nâng cấp, mở rộng cầu Kinh Thanh Đa đã xong một phần từ tháng 7-2013 song phần này vẫn chưa hoàn chỉnh đường gom, vỉa hè, cây xanh vì vướng ba hộ dân. Trong khi đó, ở nhánh còn lại mặt bằng vẫn tiếp tục là thách thức với chủ đầu tư, đơn vị thi công vì quận Bình Thạnh vẫn đang trong giai đoạn “chinh phục” hơn 10 hộ còn vướng…
Bà Trần Mỹ Duyên (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết thỉnh thoảng bà đi xe máy về Long An thăm gia đình. Lộ trình hay đi là tuyến quốc lộ 1 thường xuyên quá tải nên khi các dự án tỉnh lộ 10, 10B khởi công, bà khấp khởi mừng nhưng ngóng trông mãi vẫn chưa thấy ngày hoàn thành. “Thường thì vào dịp cuối tuần hoặc lễ, tết chúng tôi mới có thời gian rảnh để về quê. Trong các ngày này, xe cộ trên quốc lộ 1 rất đông đúc, nhiều người phải chạy lấn sang làn đường xe ô tô và va quẹt, tai nạn xảy ra mà ớn cả óc. Nhưng chờ hoài tỉnh lộ 10 vẫn chưa xong thì phải chen lấn, đánh liều trên quốc lộ 1 vậy” - bà Duyên nói
|
Minh Phong
pháp luật tphcm
|