Giảm thuế không đến được người dân
Hiện nay, nền chăn nuôi trong nước vẫn dựa chủ yếu vào chăn nuôi quy mô nhỏ. Nếu chính sách ưu đãi thuế đưa ra không tới được đội ngũ đông đảo này thì không những không giúp được người chăn nuôi mà còn đẩy họ vào thế đã chật vật lại ngày càng chật vật hơn? Và chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc giảm thuế cũng không đến được đại bộ phận người dân tiêu dùng.
Để phát triển nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng, hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội một nội dung sửa đổi về chính sách thuế là chuyển mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi từ chỗ chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% về còn 0%.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu quy định này được phê duyệt, người nông dân sử dụng các mặt hàng này khó được hưởng lợi, do giá thức ăn chăn nuôi đang do các DN lớn lũng đoạn và thị trường phân phối quá nhiều tầng nấc.
Thực tế cho thấy, Chính phủ đã đưa mặt hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu từ mức thuế 5% về 0% từ tháng 4/2014 và các DN đã được hoàn một lượng lớn thuế VAT từ việc nhập khẩu ngô và lúa mì (tính đến tháng 10/2014, tổng giá trị nhập khẩu ngô và lúa mì đã đạt khoảng trên 1,51 tỷ USD). Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua không hề giảm.
Chẳng hạn, ghi nhận tại Đồng Nai, thời điểm tháng 6/2014 các trang trại và hộ chăn nuôi đã phải mua 275 nghìn đồng/bao thức ăn công nghiệp cho lợn. Mức giá này cao hơn 300 đồng/kg so với hồi tháng 5. Đến thời điểm hiện nay, giá bán thức ăn công nghiệp đã lên mức 285 - 290 nghìn đồng/bao, nhưng người chăn nuôi vẫn phải mua vào để chuẩn bị đàn lợn phục vụ thị trường tết.
Nhìn nhận trên lý thuyết, rõ ràng nếu chủ trương bỏ thuế VAT đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi được thực hiện sẽ tạo thêm khả năng cạnh tranh cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện nay hầu hết các nước trên thế giới và trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản... đều không áp dụng thuế VAT với thức ăn chăn nuôi. Việc áp dụng dòng thuế này đã và đang làm tăng giá thành các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam lên 5% so với các nước xung quanh.
Nhưng từ trước tới nay, hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều chịu thiệt thòi so với các DN, vì họ không có con dấu, không có hoá đơn đầu ra nên không được hoàn lại thuế VAT theo quy định. Hơn nữa, trong bối cảnh ngành thức ăn chăn nuôi trong nước đang bị thao túng bởi một số DN lớn như CP, Cargill, Proconco, Greenfeed thì những chính sách thuế này nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì hiệu quả kích thích tăng trưởng ngành chăn nuôi trong nước sẽ khó có thể đạt được như mong đợi.
Chưa kể rằng, các DN FDI lớn có thể lợi dụng chính sách thuế này để có thêm công cụ chèn ép, thao túng thị trường, đẩy hàng triệu hộ chăn nuôi và trang trại nhỏ vào cuộc chơi thiếu bình đẳng. Bởi hiện nay, mặc dù chỉ có khoảng 60 nhà máy nhưng các DN FDI ngành thức ăn chăn nuôi đang chiếm đến 65% thị phần. Các cơ quan chức năng cũng chưa có giải pháp hữu hiệu nào để quản lý việc tăng giá thức ăn chăn nuôi vô tội vạ trong những thời điểm nhạy cảm của thị trường.
Điều quan trọng hơn là hiện nay, nền chăn nuôi trong nước vẫn dựa chủ yếu vào chăn nuôi quy mô nhỏ. Nếu chính sách ưu đãi thuế đưa ra không tới được đội ngũ đông đảo (chiếm 55% sản lượng chăn nuôi cả nước) này thì không những không giúp được người chăn nuôi mà còn đẩy họ vào thế đã chật vật lại ngày càng chật vật hơn? Và chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc giảm thuế cũng không đến được đại bộ phận người dân tiêu dùng.
Thạch Bình
thời báo ngân hàng
|