Dầu mất giá, vội vã lên kịch bản chống thất thu
Phép tính "mỗi 1 USD giảm giá dầu thô sẽ khiến ngân sách thất thu 1.000 tỷ đồng" khiến không ít người lầm tưởng ngân sách thất thu thật. Kịch bản ứng phó với sự "thất thu" này đang được soạn thảo, mở màn bằng động thái âm thầm tăng mạnh thuế xăng dầu.
Vượt thu tới 15%
Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng, con số thất thu 1.000 tỷ đồng không phải là kết quả thu ngân sách năm nay mà chỉ là con số tính toán nguy cơ ngân sách năm 2015. Trong đó, Bộ Tài chính đã tính tổng hợp tác động từ các khoản thuế, phí liên quan đến dầu thô, như thuế xuất khẩu dầu thô 10%, thuế tài nguyên dựa theo từng mỏ, sản lượng thực tế, thuế thu nhập doanh nghiệp...
Cũng theo kịch bản này, Bộ Tài chính còn lo ngại nếu giá dầu bình quân năm 2015 chỉ ở mức 80 USD/thùng thì nguồn thu từ dầu thô còn giảm tới 20.000 tỷ. Lý do là bởi dự toán trình Quốc hội thông qua dựa trên dự báo giá dầu thô lên tới 100 USD/thùng, cao hơn 30 USD so với các mức giá hiện nay.
Thông tin này khiến không ít chuyên gia kinh tế giật mình vì nguy cơ mất cân đối ngân sách.
"Tuy nhiên, chúng tôi đã báo cáo tới Quốc hội, thu ngân sách năm nay vẫn đảm bảo và vượt tới 12% so với dự toán. Trong đó, riêng nguồn thu từ dầu thô còn vượt từ 14-15%. Giá dầu giảm hiện nay không ảnh hưởng gì tới ngân sách năm 2014", ông Tuấn cho biết.
Dự toán ban đầu, mặt bằng giá dầu thô năm 2014 được Bộ này báo cáo là 98 USD/thùng. Nhưng thực tế trung bình 11 tháng qua, giá dầu thô xuất khẩu thực tế là 109 USD/thùng. Con số này cao hơn tới 30 USD/thùng so với mặt bằng giá giao dịch dầu thô trên thị trường thế giới hiện nay.
Rõ ràng, ngân sách Việt Nam đã bội thu từ dầu thô.
Không chỉ vậy, báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương còn cho thấy, kế hoạch xuất khẩu dầu thô của Việt Nam đã thành công mỹ mãn cả về lượng và giá ngay từ tháng 10. Bước sang tháng 11 trở đi, toàn bộ phần xuất khẩu dầu thô hiện nay là chính là phần vượt kế hoạch.
Cụ thể, theo kế hoạch năm nay, Việt Nam sẽ xuất khẩu 7.549 nghìn tấn dầu thô với giá trị kim ngạch dự kiến đạt 6.802 triệu USD.
Tính chung 11 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu dầu thô đạt 8.457 nghìn tấn dầu thô, vượt 908 nghìn tấn so với kế hoạch, tăng 12%. Giá trị kim ngạch mang lại đã đạt 6.860 triệu USD, tăng 52 USD với tỷ lệ tăng 0,8% kế hoạch năm.
So với cùng kỳ năm ngoái, dầu thô 11 tháng qua đã xuất tăng 9,4% về lượng và tăng 3,2% về giá trị.
Việt Nam sẽ xuất khẩu 7.549 nghìn tấn dầu thô
|
Riêng tháng 11, ước xuất khẩu dầu thô của Việt Nam đạt 850.000 tấn, tăng 50.000 tấn, tương ứng tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số tiền thu về lại giảm 154 triệu USD, tương ứng tỷ lệ giảm 22% so với cùng kỳ năm 2013. So với tháng 10, mặt hàng này vẫn tăng 10,3% về lượng và tăng 3,9% về giá trị.
Đáng chú ý, phần hưởng lợi lớn từ dầu thô này chủ yếu vẫn là thuộc về khối doanh nghiệp FDI. Các dữ liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, cả 6,8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu dầu thô vừa qua đều là của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Vội vã tăng thuế
Sự lao dốc không phanh của giá dầu thế giới hiện khiến người ta liên tưởng ngay tới thời kỳ khủng hoảng dầu lửa năm 2009. Giá dầu thô đã giảm 34% so với hồi đỉnh cao tháng 6-7 trong năm.
Sau sự cảnh báo đầy ẩn ý của Bộ Tài chính, các bộ ngành, địa phương sẽ phải nỗ lực tăng cường mọi giải pháp chống thất thu ngân sách, như đôn thúc giải quyết thu nợ đọng thuế, tăng cường kiểm tra, thanh tra để phát hiện các gian lận, vi phạm thuế, qua đó truy thu thuế...
Và đương nhiên, đây là lý do chính đáng để bộ này bắt đầu tăng thuế để "chống thất thu".
Ngày 6/12, Bộ Tài chính đã âm thầm tăng mạnh thuế nhập khẩu xăng dầu mà không có bất cứ một thông cáo nào được ban hành về quyết định này. Với mức tăng 9%, xăng đã lên mức thuế 27%, dầu diezen có mức thuế 23%, madut có thuế 24%. Với mức tăng thêm 10%, dầu hoả có mức thuế 26%.
Việc tăng thuế này tương đương giá trị khoảng trên 1.000 đồng/lít. Người tiêu dùng cũng mất đi cơ hội để có thể được thêm một lần giảm sâu giá bán lẻ xăng dầu.
Động thái này diễn ra ngược hoàn toàn với chủ trương mà Bộ Tài chính đã có công văn gửi các doanh nghiệp khoảng 2 tháng trước, khẳng định không tăng thuế trong năm nay.
TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ với báo chí cho rằng, Bộ Tài chính mới chỉ nhìn một chiều mà chưa tính tác động lợi ích tổng thể mang lại. Trên thực tế, Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ giá dầu giảm, nhờ việc nhập được nguyên vật liệu làm từ dầu mỏ giảm theo.
Đồng thời, giá xăng dầu - đầu vào của nhiều ngành sản xuất giảm cũng đã kéo theo làm giảm giá thành hàng hoá dịch vụ. Minh chứng tiêu biểu nhất chính là 11 lần giảm giá xăng dầu và lạm phát năm nay thấp kỷ lục trong hơn 10 năm qua, còn dưới 3%.
Giữa năm 2013, khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã than phiền nguy cơ thất thu ngân sách trầm trọng, kèm theo đó là các giải pháp tăng thu như yêu cầu các tập đoàn nhà nước phải nộp lại cổ tức... Kết quả, ngân sách năm 2013 lại vượt thu tới 63.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Tuấn cũng cho rằng, việc hoàn thành mục tiêu ngân sách năm 2015 không đến mức khó khăn vì dầu thô. Hiện dầu thô chỉ chiếm 10% trong tổng thu ngân sách. Với dự toán thu ngân sách 911.100 tỷ, trong đó, thu dầu thô 93.000 tỷ, chỉ chiếm 10,2%. Nếu dầu thô giảm 30% giá trị thì cũng chỉ tương ứng giảm 3% thu ngân sách.
Do đó, nguồn thu nội địa chiếm 70,5% thu ngân sách, hoàn toàn có thể cố gắng để tăng thu 5% so với dự toán là bù được sự thiếu hụt này nếu có.
Khi giá dầu giảm sâu như vậy, Bộ Tài chính cũng có kế hoạch phối hợp với Bộ Công Thương để ứng phó theo hướng, sẽ giảm khai thác các mỏ có giá thành cao, chỉ khai thác các mỏ có giá thành thấp, vừa phải.
Mức giá được thiết lập hôm 8/12 đã ở mức 65-68 USD thùng, trên các sàn Nymex, Mỹ và London, Anh. Nó đã gần sát với mức bình quân 62 USD/thùng của năm 2009. Và không ai đảm bảo rằng, giá dầu thô lại không rớt sâu tới mức 32,7 USD/thùng, mức thấp nhất của 5 năm nay rơi vào ngày 20/1/2009.
Cùng đó, thị trường xăng dầu thành phẩm Singapore ngày 8/12 cũng cho kết quả xăng 92 đã xuống 73,65 USD/thùng, dầu diezen xuống mức giá 81,45USD/thùng, dầu hoả 82,97USD/thùng và dầu madut có mức giá chỉ còn 383,45 USD/thùng. Tỷ lệ giảm từ 1,3-1,9% so với phiên liền kề trước và giảm từ 30-40% tuỳ mặt hàng so với hồi tháng 7.
Phạm Huyền
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|