6 nạn nhân lớn nhất của cuộc khủng hoảng tại Nga
Sẽ không ai được gì khi kinh tế Nga sụp đổ
Các đối tác thương mại của Nga – bao gồm cả các quốc gia và doanh nghiệp – đang dõi theo tình hình nước này với tâm trạng lo lắng trong lúc Nga đang chạy đua để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng do đà lao dốc của giá dầu và các hình phạt của quốc tế.
* Đại diện HVG: Hoạt động xuất khẩu sang Nga vẫn bình thường
* Nga bắt đầu bán dự trữ ngoại hối, đồng rúp nhảy vọt gần 5%
Đồng rúp đang trên đà rơi tự do và đã tác động tiêu cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp toàn cầu có hoạt động tại Nga. Sau đây là một số nạn nhân lớn nhất khi kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng theo thống kê của CNN Money.
1. Đức
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu có mối quan hệ sâu rộng nhất với Nga. Năm ngoái, giá trị thương mại giữa Đức và Nga đạt hơn 76 tỷ EUR (tương đương 95.4 tỷ USD). Các hình phạt kinh tế khắc nghiệt của phương Tây xuất phát từ cuộc khủng hoảng tại Ukraina đã gây thiệt hại nặng nề đối với các mặt hàng xuất khẩu và khiến các doanh nghiệp ngừng đầu tư.
Tháng trước, Đức cho biết “các cuộc khủng hoảng địa chính trị” đã khiến nước này cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng năm nay và năm tới.
Khó khăn tại Đức là điều mà Eurozone không muốn chứng kiến vì khu vực đồng tiền chung phụ thuộc rất nhiều vào đầu tàu kinh tế này.
2. Các quốc gia còn lại của châu Âu
Nga đang mua rất nhiều hàng hóa từ các quốc gia còn lại của châu Âu.
Để trả đũa các hình phạt của phương Tây vào tháng 8 vừa qua, Moscow đã cấm nhập khẩu các loại trái cây, rau quả, thịt, cá, sữa và các sản phẩm sữa từ châu Âu cũng như Mỹ, Australia và Canada.
Đây là một thông tin không mấy tốt đẹp với các nhà sản xuất của châu Âu vì các công ty này xuất khẩu một lượng lớn trái cây, pho mát và thịt heo sang Nga. Khoảng 10% hàng thực phẩm xuất khẩu của Liên minh châu Âu (EU) trị giá khoảng 15 tỷ USD đã được xuất sang Nga trong năm ngoái và giúp nước này trở thành khách hàng lớn thứ hai của châu Âu.
Châu Âu đã phải dành ra khoảng 156 triệu USD để bồi thường cho các nhà sản xuất.
3. Các công ty năng lượng
Sự rớt giá của đồng rúp đã “cắt xén” lợi nhuận của các công ty làm ăn với Nga.
BP từng cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt cứng rắn sẽ tác động tiêu cực đến lợi nhuận của tập đoàn này. Hiện BP đang sở hữu phần lớn cổ phần của công ty dầu lớn nhất Nga, Rosneft, trong bối cảnh công ty này đang phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Cổ phiếu của Rosneft đã lao dốc 25% trong năm nay do lợi nhuận chững lại khi giá dầu rớt thảm.
Tập đoàn Total của Pháp cũng đã ngừng kế hoạch liên doanh khai thác đá phiến với Công ty Lukoil của Nga do các hình phạt của phương Tây, một động thái được cho là có thể làm giảm lợi nhuận tương lai của Total. Các công ty năng lượng khác như Exxon Mobil cũng có mối liên hệ rất lớn với Nga.
4. Các nhà chế tạo ôtô
Đại gia ôtô Mỹ, Ford, là một trong những nhà chế tạo xe hơi lớn nhất tại Nga và tập đoàn này vừa cảnh báo đà rớt giá của đồng rúp đang tác động xấu đến doanh thu của hãng.
Trong khi đó, Volkswagen đổ thừa rằng căng thẳng chính trị đã khiến doanh số ôtô lại Nga giảm 8% trong 6 tháng đầu năm nay. Được biết, cổ phiếu của nhà chế tạo ôtô Đức đã sụt giảm hơn 12% trong năm 2014.
Tập đoàn Renault của Pháp cũng cho biết doanh số tại Nga đang suy giảm trong khi vào tháng 10 vừa qua Peugeot Citroen cảnh báo rằng đồng rúp rớt giá đang ảnh hưởng đến hãng.
5. Các ngân hàng
Lợi nhuận từ chi nhánh tại Nga của Societé Generale đã giảm 36% quý 2/2014. Ngoài Societé Generale, hai ngân hàng Rabobank của Hà Lan và Unicredit của Ý cũng có khoản đầu tư khá lớn tại Nga.
6. McDonald's, Adidas và các thương hiệu khác
Mối quan hệ lạnh nhạt giữa Mỹ và Nga được cho là nguyên nhân đằng sau việc Nga đóng cửa các nhà hàng của McDonald's tại nước này. Theo đó, các cơ quan quản lý đã buộc 12 nhà hàng của McDonald's đóng cửa tạm thời trước cáo buộc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, động thái này được xem là có động cơ chính trị.
Hãng thời trang thể thao Adidas của Đức đang đóng cửa các cửa hàng và ngừng mở rộng hoạt động tại Nga do căng thẳng tại đây đã tác động đến chi tiêu của người dân và đà sụt giảm của đồng rúp đã tác động xấu đến lợi nhuận. Adidas đã cắt giảm dự báo lợi nhuận 2014 bớt 20%-30%, một phần do các khó khăn tại Nga.
Carlsberg, nhà chế tạo bia của Đan Mạch, cũng đã 2 lần đưa ra lời cảnh báo về lợi nhuận trong năm nay trước nhu cầu ngày càng suy yếu tại Nga. Tương tự, Coca-Cola cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi giá cổ phiếu của Coca-Cola HBC, hãng đóng chai và phân phối đồ uống tại Nga, đã chìm nghỉm 32% trong năm nay.
Phước Phạm (Theo CNN Money)
|