Vốn đầu tư tư nhân chảy khỏi Đông Nam Á
CVC Capital Partners đã lãi lớn khi tháng 10 vừa qua huy động được 450 triệu USD từ đợt bán cổ phần trong PT Link Net, một công ty truyền hình cáp Indonesia. CVC đã mua 49% cổ phần của PT Link Net với giá 275 triệu USD cách đây 3 năm. Sau khi bán bớt cổ phần, CVC vẫn còn sở hữu 33% PT Link Net. Được biết, PT Link Net đã niêm yết vào tháng 6 vừa qua với lượng cổ phiếu lưu hành rất hạn chế và đợt bán ra hồi tháng 10 của CVC đã tăng số cổ phiếu lưu hành của công ty này (CVC từ chối bình luận).
Nhà đầu tư đang kỳ vọng vào ông Joko Widodo khi ông cam kết vực dậy nền kinh tế nước này.
|
PT Link Net không phải là thương vụ hời duy nhất của CVC. Sau khi mua cổ phần trong PT Matahari Department Store, một nhà bán lẻ của Indonesia, vào năm 2010, CVC đã bán ra phần lớn số cổ phần nắm giữ trong đợt niêm yết vào năm 2013 của công ty này, với hệ số P/E (giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) lên tới 27 lần. Từ đầu năm đến nay, CVC đã có thêm 2 lần bán ra cổ phiếu Matahari và hiện còn sở hữu xấp xỉ 17% cổ phần của công ty này.
Trong khi đó, tập đoàn đầu tư tư nhân Mỹ KKR & Co. đã thuê các ngân hàng để giúp tập đoàn này huy động khoảng 500 triệu USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm tới của Weststar Aviation, do KKR & Co. sở hữu một phần. KKR đã mua 49% cổ phần trong Weststar, công ty vận tải bằng máy bay trực thăng của Malaysia, vào năm ngoái với giá 200 triệu USD. Hiện vẫn chưa rõ là KKR sẽ bán bao nhiêu cổ phần của Weststar trong đợt IPO sắp tới.
Theo những nguồn tin thân cận với quá trình IPO này, kể từ khi KKR rót vốn vào, Weststar đã sử dụng phần tiền này để bành trướng mạnh trong khu vực và hiện tại mức định giá của công ty này rất cao (KKR từ chối trả lời các vấn đề liên quan đến đợt IPO).
Không chỉ vậy, vào đầu năm nay, Baring Private Equity Asia đã bán ra 41,65% cổ phần trong PT Cardig Aero Services Tbk., một công ty cung cấp dịch vụ hàng không của Indonesia, cho SATS Ltd. (có trụ sở đặt tại Singapore) với giá 93,5 triệu USD. Baring đã mua số phần này với giá 41 triệu USD vào cuối năm 2011.
Một điểm chung của các thương vụ nói trên là các công ty đầu tư tư nhân bán ra cổ phần chỉ sau 3 năm hoặc chưa đầy 3 năm nắm giữ. Trong trường hợp của Baring, công ty này bán ra cổ phần của PT Cardig Aero Services Tbk chỉ sau 2 năm mua vào.
Xu hướng thoái vốn tương đối nhanh này lại không thường thấy trong những năm trước đó. TPG Capital, chẳng hạn, đã bán cổ phần trong PT Bank Tabungan Pensiunan Nasional, một tổ chức cho vay của Indonesia, chỉ mới năm ngoái sau lần mua đầu tiên vào năm 2008. Trong khi đó, Mekong Capital đã bán một số cổ phần trong Thế Giới Di Động, nhà bán lẻ điện thoại di động của Việt Nam, cũng vào năm ngoái, tức sau 6 năm nắm giữ.
Theo một nghiên cứu của Asia PE Index, một ấn phẩm chuyên phân tích diễn biến danh mục đầu tư của các công ty đầu tư tư nhân trong khu vực, có tới 6 đợt bán ra do các công ty đầu tư tư nhân thực hiện tại Indonesia trong 12 tháng qua. Trong hầu hết các thương vụ bán ra này, các công ty đầu tư tư nhân đã nắm giữ cổ phần trong 3 năm hoặc ít hơn. Điều này hoàn toàn ngược lại với những năm trước đó khi các công ty nắm giữ lâu hơn.
Cũng theo Asia PE Index, cả khu vực Đông Nam Á đều đang chứng kiến sự tăng lên trong xu hướng thoái vốn của các công ty đầu tư tư nhân trong những năm gần đây. Theo đó, các công ty đã thu về được 10 tỉ USD từ việc bán ra tài sản trong vòng 5 năm trở lại đây, gấp 3 lần giai đoạn 2005-2009.
Lý do nào các công ty đầu tư tư nhân lại thoái vốn sớm hơn so với thường lệ? Trong nhiều thương vụ bán ra cổ phần ở Đông Nam Á thời gian gần đây, các công ty đầu tư tư nhân sở hữu từ 49% cổ phần trở lên, cao hơn mức 20-30% mà họ thường sở hữu ở thị trường Trung Quốc. Vì thế, động thái bán đi tài sản không phải là do thiếu tiếng nói trong ban quản trị ở công ty được góp vốn. Thay vào đó, theo các chuyên gia phân tích, đó là vì các công ty đầu tư tư nhân muốn nắm bắt một “cánh cửa” thị trường đang mở ra.
Nói một cách cụ thể hơn, các công ty đầu tư tư nhân tranh thủ lúc thị trường chứng khoán ở các nước Đông Nam Á đang sôi động trở lại để bán ra tài sản. Một thực tế là mặc cho những biến động gần đây, các thị trường chứng khoán ở Philippines, Thái Lan và Indonesia đã tăng ít nhất 18% tính từ đầu năm đến nay, một phần do niềm tin của nhà đầu tư vào chính phủ các nước này. Chẳng hạn, nhà đầu tư đang kỳ vọng vào ông Joko Widodo, tân Tổng thống của Indonesia khi ông cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các cải cách để vực dậy nền kinh tế nước này. Trong khi đó, tại Malaysia, mặc dù thị trường chứng khoán hầu như không tăng không giảm từ đầu năm đến nay, nhưng các đợt IPO ở nước này có xu hướng được các quỹ nhà nước mua hết. Vì thế, thanh khoản thị trường lúc nào cũng mạnh mẽ.
Theo ông Stuart Walker, đứng đầu bộ phận đầu tư tư nhân tại hãng tư vấn Boston Consulting Group, việc các thị trường chứng khoán tăng mạnh cũng như nhu cầu gia tăng từ người mua là các doanh nghiệp đã giúp một số công ty đầu tư tư nhân thoái vốn với mức giá hấp dẫn. “Việc thoái vốn nhanh cũng có thể giúp các quỹ tái đầu tư vào các khoản đầu tư mới có khả năng mang lại suất sinh lời cao hơn cho quỹ”, ông nói thêm.
Còn ông Chua Soon Ghee, Giám đốc Điều hành bộ phận Đông Nam Á của A.T. Kearney tại Singapore, thì cho rằng: “Các công ty đầu tư tư nhân sẽ không thoái vốn trừ phi họ nghĩ rằng họ có thể có được mức định giá tài sản mà mình mong đợi. Vì thế, lý do một số công ty thoái vốn khi nắm giữ cổ phần chưa đầy 3 năm đó là vì họ đã đạt được mức sinh lời kỳ vọng và họ cho rằng mức định giá tài sản sẽ không thể cao hơn được nữa”.
Một lý do khác, theo ông Chua, là vì các công ty đầu tư tư nhân muốn hạn chế bớt phần nào rủi ro bằng cách thoái sớm hơn dự kiến. Mối lo ngại này một phần xuất phát từ những động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong việc giảm dần và ngưng hẳn chương trình mua lại tài sản khổng lồ. Lần đầu tiên FED phát đi tín hiệu cắt giảm chương trình mua lại tài sản là vào năm ngoái. Điều đó đã khiến cho các thị trường mới nổi trong đó có Đông Nam Á một phen dậy sóng khi nhà đầu tư ồ ạt bán tháo tài sản (FED đã chính thức ngưng chương trình mua lại tài sản kể từ ngày 1.11.2014).
Ông Nicholas Bloy, nhà sáng lập công ty đầu tư tư nhân Đông Nam Á Navis Capital Partners, cũng cho rằng một số công ty đầu tư tư nhân đang bắt đầu hái quả sớm từ các khoản đầu tư của mình là vì họ cảm thấy không yên tâm, bởi một môi trường kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại có thể sẽ khơi mào cho một cuộc bán tháo ở các thị trường mới nổi. Chắc chắn đó là điều các công ty đầu tư tư nhân sẽ không muốn chứng kiến.
Đàm Hoa
nhịp cầu đầu tư
|