Thứ Tư, 19/11/2014 13:37

Viết tiếp vụ dự án MB Babylon: Trắng trợn lừa khách hàng

Mua căn hộ penthouse nhưng khi nhận nhà thì trở thành tophouse vì lối ra sân vườn bị bịt kín. Đây là thực tế tại dự án MB Babylon (Q.Tân Phú, TP.HCM) mà nhiều người vừa gửi đơn đến báo Phụ Nữ để tố cáo.

* Dự án MB Babylon: Khách hàng không nhận nhà!

Penthouse thành tophouse!

Theo đơn tố cáo của chị K.N., chị phải bỏ ra gần 1,7 tỷ đồng (đã bao gồm VAT và phí bảo trì) để mua căn hộ A17-03, trong đó khoảng sân vườn 76m2 trị giá hơn 300 triệu đồng. Chị K.N. cho biết thêm, trong quá trình giới thiệu về căn hộ, nhân viên của Hòa Bình House (HBC - đơn vị phân phối) khẳng định, ngoài căn hộ chính A17-03, chị còn được hưởng khoảnh sân vườn 76m2 liền kề. Khoảng sân này được xây tường xung quanh và chỉ có một cửa duy nhất ra sân vườn từ căn hộ A17-03. Theo chị K.N., nhân viên của Việt Remax (đơn vị mua sỉ bán lẻ) cũng khẳng định điều này và cho biết thêm, phần sân vườn này chỉ sử dụng riêng và không được phép xây cất. Nhân viên của Việt Remax còn mách nước cho chị K.N., sau khi nhận nhà chị có thể chuyển bếp ra ngoài.

Chị K.N. nói, vì tin vào những lời quảng cáo của nhân viên Việt Remax và Hòa Bình, chị đã đồng ý mua căn hộ nói trên. Tuy nhiên, tháng 11/2013, sau khi xem trực tiếp hiện trạng căn hộ, chị K.N. nhận thấy có nhiều điểm khác biệt so với bản thiết kế đã được nhận cùng hợp đồng mua căn hộ, cũng như những cam kết từ phía người bán trong quá trình thương thảo, giao dịch mua bán. Cụ thể là căn hộ không được trổ cửa chính ra sân vườn, phần sân vườn không được xây tường riêng bao bọc xung quanh. Chị thắc mắc thì được trả lời rằng, dự án làm theo đúng thiết kế được duyệt. “Phần sân đó thuộc quyền của chủ đầu tư và sau này ban quản lý có thể mở quán cà phê trên đó chẳng hạn”, đại diện ban quản lý chung cư trả lời với chị K.N. Chị K.N. đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị, email, điện thoại đề nghị Việt Remax xử lý nhưng cho đến nay vẫn bặt vô âm tín.

Tương tự, chị T.H., chủ căn hộ C17-05 (ba phòng ngủ, diện tích 103m2) cũng phải trả gần 400 triệu đồng cho khoảng sân 70m2, song khi tham quan căn hộ thì té ngửa vì phần vách giáp với khoảng sân bị xây bịt kín, trong khi bản vẽ ban đầu là cửa kính lùa hoặc vách kính. Phần sân mà chị T.H. đã trả tiền trở thành sở hữu chung. “Tôi không đời nào chấp nhận mua với giá chênh lệch quá cao như vậy (19 triệu đồng/m2) nếu không có khoảng sân riêng. Không có sân, căn hộ của tôi có khác gì những căn ở những tầng dưới? Chúng tôi bị lừa dối một cách trắng trợn”, chị T.H. bức xúc.

Trước những phản ứng gay gắt của khách hàng, mới đây Việt Remax đã đưa ra một khái niệm mới - tophouse thay cho bảy căn penthouse mà doanh nghiệp này đã bán cho người dân. Từ tophouse có nghĩa là căn hộ trên mái. Đây là cách doanh nghiệp này lấp liếm, đồng thời lờ đi số tiền chênh lệch mà những người mua căn penthouse đã phải trả cho khoảng sân vườn mà họ đã mua.

Theo giới thiệu của Việt Remax, khoảng sân này sẽ thuộc căn hộ C17-04. Tuy nhiên, nó đã được mở thông ra hành lang, lối vào căn hộ đã bị xây bít.

Có chủ đích từ trước

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bảy căn hộ penthouse nói trên trước khi bán ra ngoài đã được sở hữu bởi những lãnh đạo của Việt Remax. Chính vì thế, khi bán phần sân vườn liền kề, Việt Remax không hề viết phiếu thu cũng như thể hiện trên hợp đồng, mà cho một nhân viên thu tiền và viết giấy tay xác nhận. Do đó, ông Vũ Hoàng Linh, Tổng giám đốc Việt Remax đã thẳng thừng trả lời khách hàng rằng, đây là thỏa thuận cá nhân, không liên quan gì đến Việt Remax! Tuy nhiên, từ giới thiệu dự án cho đến việc cung cấp bản vẽ cho khách hàng, Việt Remax đều thể hiện phần sân vườn liền kề của mỗi căn penthouse. Cũng như những khiếu nại khác về sai thiết kế, chất lượng không đảm bảo…, lần này ông Linh vẫn đổ hết lỗi lên đầu Công ty cổ phần đầu tư và phát triển xây dựng (Investco).

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Út, Tổng giám đốc Investco cho biết, theo thiết kế được phê duyệt, dự án này không có căn hộ penthouse mà chỉ là những căn hộ diện tích lớn hơn so với những căn ở tầng dưới. Vì thế, khoảng sân trên tầng mái chỉ là sân thượng cho cư dân sinh hoạt. “Không hiểu Việt Remax và Hòa Bình quảng cáo thế nào mà dự án này lại có penthouse. Phần sân thượng cũng không quy định là sở hữu chung hay riêng mà nó là cái mái”, ông Út cho biết.

Như vậy, Việt Remax đã cố tình lừa dối khách hàng để tự nâng cấp căn hộ từ bình thường lên cao cấp? Điều đáng nói là, hiện giờ Việt Remax đã tự động hạ cấp những căn hộ này xuống với một khái niệm mới là tophouse, song doanh nghiệp này vẫn không chịu hoàn trả phần chênh lệch hàng trăm triệu đồng cho khách hàng!

Trong khi đó, ông Lê Quốc Duy, Tổng giám đốc Hòa Bình House, cho biết, Hòa Bình là nhà phân phối bán hàng và tất cả quảng cáo, tiếp thị đều phải được chủ đầu tư duyệt. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Investco không còn quyền quyết định gì ở MB Babylon, bởi dự án đã được gán nợ cho MB Bank (Việt Remax là công ty con của MB Bank - MBB). Chính vì thế, ông Út cho biết, mọi vấn đề về quảng bá, tiếp thị, bán hàng đều do Việt Remax và Hòa Bình quyết định và tự thực hiện. Hòa Bình khi đó chắc chắn phải có giấy phép cũng như bản vẽ dự án MB Babylon trong tay. Vậy thì, Hòa Bình có thông đồng với Việt Remax đề qua mặt khách hàng hay không?

Ca Hảo - Hải Dương

Muốn quỵt cả tiền thừa!

Anh Huỳnh Văn Dương, chủ căn hộ A11-04, cho biết vào ngày 1/6/2013, do không biết vợ chưa cưới đã đóng tiền, anh đóng thừa 200 triệu đồng theo tiến độ của Việt Remax. Khi biết chuyện, anh Dương hai lần lên văn phòng của Việt Remax để làm đơn xác nhận số tiền đã đóng song doanh nghiệp này từ chối mọi đề nghị của anh. Thậm chí, anh còn bị kẹp cổ đuổi ra ngoài(?).

Sở dĩ Việt Remax từ chối xác nhận tổng số tiền anh Dương đã đóng là do anh chỉ phải đóng 70% (khoảng một tỷ đồng) cho Việt Remax, còn lại 30% đóng cho Investco khi anh ký văn bản chuyển nhượng với chủ đầu tư này. Tuy nhiên, hiện anh đã đóng cho Việt Remax khoảng 1,2 tỷ đồng. Mặc dù đóng thừa 200 triệu đồng, nhưng anh Dương lại nắm đằng lưỡi, bởi trách nhiệm hiện được Việt Remax đổ hết cho Investco. Trong khi đó, để nhận nhà và sổ đỏ, anh vẫn phải đóng phần còn lại cho Investco. “Tiền thừa của khách hàng mà Việt Remax cũng muốn lấy thì không thể tưởng tượng nổi. Tôi sẽ phải đòi lại cho bằng được. Xong rồi bán nhà đi chỗ khác, chứ ở đây cũng chẳng vui vẻ gì!”, anh Dương cho biết.


phụ nữ online

Các tin tức khác

>   Đổ tiền “săn” dự án (19/11/2014)

>   Được lợi khủng do tòa cho tách thửa (19/11/2014)

>   Hà Nội: Thanh tra công ty bị tố cáo thu phí “bôi trơn” làm giấy tờ nhà (18/11/2014)

>   NTL: Doanh thu sụt giảm, lợi nhuận quý 3 vẫn tăng 16% (19/11/2014)

>   Địa ốc Khang An sẽ nắm giữ 49% vốn Khang Gia Hưng (19/11/2014)

>   Công bố quy hoạch khu đất đối ứng tuyến Hà Nội-Hưng Yên (18/11/2014)

>   Quy hoạch lại cụm công nghiệp phù hợp cơ cấu ngành nghề (18/11/2014)

>   Đau đầu khi DN vừa bán vừa thế chấp giấy đỏ dự án (18/11/2014)

>   Chính phủ ban hành Nghị định về khung giá đất (17/11/2014)

>   NLG: Nam Khang là nhà thầu thi công cho dự án Ehome 3 (19/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật