Tổng lực để lành mạnh thị trường
Tại tọa đàm trực tuyến “Vì thị trường lành mạnh” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tại Hà Nội ngày 31/10/2014, các ý kiến đều cho rằng, để nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại có hiệu quả cần sự vào cuộc, phối hợp nhuần nhuyễn của tất cả các bộ, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, “nhạc trưởng” phải phân định rõ trách nhiệm của từng đơn vị.
* Gian lận thương mại diễn biến phức tạp
* Túi tiền quốc gia: Đã nghèo còn bị xà xẻo
* Doanh nghiệp nghi vấn gian lận thuế “khủng” đã tạm ngừng kinh doanh
Hiệu quả chưa cao
Ông Nguyễn Văn Cẩn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) - cho biết, sau 7 tháng đi vào hoạt động, BCĐ 389 đã bắt giữ và xử lý được 44.000 vụ, truy thu 2.500 tỷ đồng tiền thuế và 300 tỷ đồng tiền hàng vi phạm. Riêng, lực lượng quản lý thị trường (QLTT), từ đầu năm đến nay đã kiểm tra gần 120.000 vụ, xử lý gần 64.000 vụ vi phạm hàng giả và gian lận thương mại. Xử phạt vi phạm hành chính hơn 187 tỷ đồng, tổng số thu nộp ngân sách gần 260 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy là 40 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa tương xứng với diễn biến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang diễn ra hàng ngày.
Ông Vũ Văn Cường- Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam - phản ánh, buôn lậu thuốc lá đang gia tăng nghiêm trọng.
Việt Nam là thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu lớn thứ 2 trong số 11 quốc gia châu Á được khảo sát. Năm 2014, từ khi các doanh nghiệp trong nước phải thực hiện in cảnh báo sức khỏe 50% bằng hình ảnh thì buôn lậu thuốc lá tăng mạnh, chiếm tới 25% thị phần cả nước và làm thất thu trên 8.000 tỷ đồng tiền thuế.
Theo ông Nguyễn Trọng Tín- Phó Cục trưởng Cục QLTT - lực lượng chức năng Việt Nam đang thua buôn lậu về phương tiện. Trong khi phương tiện phục vụ chống buôn lậu của các lực lượng thiếu, cũ và không đồng bộ thì các đối tượng buôn lậu sử dụng phương tiện hiện đại, công nghệ cao... gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.
|
|
Ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam:
Đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho phép trích 50% Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá để hỗ trợ và trang bị phương tiện cho các lực lượng chức năng làm công tác chống buôn lậu thuốc lá.
|
Cần “thay máu”?
Ông Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh, BCĐ 389 quốc gia sẽ có cuộc “thay máu” trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất hàng giả, hàng nhái, nhất là trong dịp Tết Ất Mùi 2015. Theo đó, sẽ tổng hợp sức mạnh của các bộ, ngành và địa phương. Hiện nay, BCĐ 389 của các địa phương và bộ, ngành cơ bản đã được hoàn thiện. “Khi các lực lượng phối chặt chẽ, kèm theo chế tài xử lý, quy trách nhiệm cho các lực lượng khi làm không tròn nhiệm vụ, chắc chắn công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại sẽ phát huy được hiệu quả” – ông Cẩn nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo ông Vũ Văn Cường, lực lượng chức năng trong nước hoàn toàn có thể ngăn chặn tận gốc thuốc lá lậu nếu như có sự quyết tâm, nhất là khi Chính phủ đã ban hành Chỉ thị tăng cường đấu tranh chống buôn bán thuốc lá lậu. Theo đó, đầu vào thuốc lá lậu là tại các cửa khẩu, biên giới. Đầu ra thuốc lá lậu là các cửa hàng, tủ, quầy bán thuốc các địa phương. “Chúng ta phải chống quyết liệt ở cả 2 đầu, chống ở đầu ra thì dễ hơn nhưng chính quyền các địa phương phải vào cuộc” – ông Cường kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Trọng Tín, cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả không chỉ trách nhiệm của một ngành, mà cần sự vào cuộc của tất cả các cơ quan, ban, ngành như: hải quan, công an, QLTT, biên phòng, cảnh sát biển, Bộ Ngoại giao, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và sự đồng lòng của nhân dân trước cuộc chiến đầy khó khăn mà Chính phủ giao phó.
Thúy Hà
công thương
|