Quốc tế: 5 quy định ngân hàng có hiệu lực từ năm 2015
Một số quy định ngân hàng quan trọng nhất ra đời sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 sẽ chính thức có hiệu lực vào năm tới (năm 2015).
Nhìn chung, việc xây dựng các quy định diễn ra khá chậm và gây nhiều tranh cãi vì các ngân hàng luôn chống lại các nhà điều hành khi cho rằng các biện pháp giới hạn này sẽ làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ. Liệu các quy định mới sẽ giúp các ngân hàng an toàn hơn? Chúng ta sẽ không thể biết được điều này cho đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng tiếp theo.
1. Quy định về thanh khoản theo chuẩn Basel
Phạm vi áp dụng: Các ngân hàng toàn cầu
Mục đích: Yêu cầu các ngân hàng nắm giữ đủ tiền mặt và các tài sản có thể dễ dàng bán ra để thanh toán tất cả các khoản nợ có thời gian đáo hạn trong vòng 30 ngày.
Tác động: Quy định này đảm bảo các ngân hàng sẽ không cạn kiệt tiền mặt nếu họ không thể vay mượn trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tín dụng. Quy định trên buộc các ngân hàng nắm giữ thêm tiền mặt hoặc chứng khoán Chính phủ, vốn là các kênh có mức sinh lời thấp hơn so với các tài sản rủi ro khác. Thời hạn tuân thủ quy định này là 5 năm.
2. Quy định về tỷ lệ đòn bẩy
Phạm vi áp dụng: Các ngân hàng toàn cầu
Mục đích: Yêu cầu các ngân hàng duy trì một tỷ lệ vốn nhất định – tài sản trừ các khoản nợ phải trả – trên tổng tài sản trong sổ sách, bao gồm các ngân hàng được xem là không có rủi ro theo các quy định trước đây, chẳng hạn như trái phiếu Chính phủ.
Tác động: Các ngân hàng cho rằng việc miễn trừ đối với các tài sản có rủi ro thấp sẽ khuyến khích họ mua thêm các tài sản rủi ro hơn chẳng hạn như trái phiếu doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý cho rằng các hạn chế, chẳng hạn như quy định thanh khoản sẽ ngăn chặn các ngân hàng có hành vi này.
3. Quy tắc Volcker (Volcker Rule)
Đây là một phần quan trọng của Đạo luật Cải tổ Phố Wall và Bảo vệ người tiêu dùng Dodd-Frank.
Phạm vi áp dụng: Các ngân hàng Mỹ và chi nhánh tại Mỹ của các ngân hàng toàn cầu
Mục đích: Hạn chế các ngân hàng tiến hành các khoản đầu tư bằng chính tiền của mình, bao gồm thông qua quyền sở hữu của các quỹ đầu cơ hoặc các doanh nghiệp đầu tư tư nhân.
Tác động: Quy tắc này sẽ giúp các ngân hàng tránh được phần nào tác động từ các đợt sụt giảm của thị trường nhưng cũng loại bỏ một nguồn có tiềm năng đem lại lợi nhuận. Các ngân hàng có kế hoạch yêu cầu các nhà điều hành trì hoãn lệnh cấm đối với quyền sở hữu của quỹ, và cho rằng các tài sản của họ sẽ không có được các mức giá tốt nhất nếu buộc phải bán ra nhanh chóng.
4. Giới hạn tiền thưởng nhân viên ngân hàng
Phạm vi áp dụng: Liên minh châu Âu (EU)
Mục đích: Giới hạn tiền thưởng của các nhân viên ngân hàng ở mức tối đa là gấp đôi khoản lương mà họ nhận được.
Tác động: Để lách quy định này, các ngân hàng đã bắt đầu nâng lương cố định cho nhân viên. Điều đó có thể dẫn đến nhiều rắc rối bởi vì khó có thể cắt giảm lương cố định trong các giai đoạn khó khăn.
5. Nghị quyết chung về quỹ giải cứu ngân hàng
Phạm vi áp dụng: Eurozone
Mục đích: Thành lập một quỹ giải cứu có quy mô 55 tỷ EUR (tương ứng 69 tỷ USD) để hỗ trợ các ngân hàng gặp khó khăn.
Tác động: Nguồn ngân sách cho quỹ sẽ đến từ các ngân hàng trong 8 năm. Các nhà phê bình cho rằng lượng tiền này là quá nhỏ để giải cứu một ngân hàng thậm chí là có quy mô trung bình ở châu Âu.
Phước Phạm (Theo Businessweek)
|