Ngành thủy sản quý 3: Thắng lớn!
Hoạt động kinh doanh trong quý 3/2014 của các doanh nghiệp niêm yết ngành thủy sản lại ghi nhận một mùa vụ thắng lớn với kết quả rất ấn tượng của những cái tên đầu ngành như MPC, VHC hay HVG…
3 “ông lớn” so kè
Đáng ghi nhận nhất có lẽ là Hùng Vương (HOSE: HVG) khi 6 tháng đầu năm lợi nhuận giảm mạnh 33% nhưng trong quý 3 lại tăng gấp 7 lần cùng kỳ năm 2013 nhờ “công ty đã ổn định và chủ động được trong sản xuất kinh doanh” – giải trình của HVG. Trong đó, hoạt động nuôi trồng đáp ứng 85-90% nhu cầu sản xuất giúp giá thành ổn định, thấp hơn thị trường bình quân trên 10%. Thị trường xuất khẩu cũng tăng hơn cùng kỳ năm trước và mảng thức ăn chăn nuôi cũng tăng do công ty chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào là bã đậu nành.
Nhờ những thuận lợi đó mà 9 tháng HVG ghi nhận doanh thu tới 10,788 tỷ đồng, tăng 40% so cùng kỳ. Đặc biệt, trong cơ cấu doanh thu 9 tháng, hoạt động nuôi trồng chế biến thủy sản nội địa tăng mạnh gấp 2.8 lần cùng kỳ khi đạt 1,460 tỷ đồng; hoạt động nội địa từ hàng hóa khác cũng đột biến gấp 3.5 lần ở mức 2,913 tỷ đồng.
Ông chủ HVG dự báo cả năm 2014, doanh thu của công ty sẽ đạt trên 14,000 tỷ đồng và tiếp tục phát triển ổn định đến quý 1/2015 nhờ những hợp đồng xuất khẩu đã ký. Từ đó, kết quả kinh doanh sẽ tăng trên 50% so với cùng kỳ.
Một số chỉ tiêu trong quý 3/2014 của các DNNY ngành thủy sản
Đvt: Triệu đồng
|
Không kém cạnh, trong quý 3 Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) đã đạt lợi nhuận sau thuế tới 274 tỷ đồng, gấp 4.6 lần cùng kỳ. Kéo theo lũy kế 9 tháng 375 tỷ đồng, cũng gấp 2.5 lần và vượt 88% kế hoạch cả năm.
Sở dĩ lãi của VHC đột biến là nhờ ghi nhận thương vụ chuyển nhượng cổ phần CTCP Thức ăn Thủy sản Vĩnh Hoàn 1 cho Pilmico International với giá 19.6 triệu USD khiến hoạt động tài chính có lãi 233 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận nỗ lực của VHC trong hoạt động kinh doanh chính khi tỷ suất lãi gộp biên đã tăng từ 13% của cùng kỳ lên 17%. Trong khi chỉ số này của HVG lại giảm từ 11.4% xuống còn 8.1%.
Tương tự, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (HOSE: MPC) cũng có tỷ suất lãi gộp biên tăng từ 11% lên 11.7% trong quý 3/2014 nâng lãi ròng lên 197.5 tỷ đồng, tăng gần 50% so cùng kỳ; lũy kế 9 tháng cũng vượt kế hoạch cả năm tới 34% khi đạt 565 tỷ đồng lợi nhuận.
Điểm đặc biệt của MPC là chỉ tiêu lãi ròng đang ngày càng tăng qua các quý và công ty có tới 1,780 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.
Lợi nhuận sau thuế của các DNNY ngành thủy sản trong quý 3/2014 và cùng kỳ có sự chênh lệch rõ rệt
|
Trong ngành thủy sản, duy nhất 3 “ông lớn” HVG, VHC và MPC luôn ghi nhận doanh thu trên ngàn tỷ, lợi nhuận vượt trội hẳn so với các doanh nghiệp khác và đang so kè nhau khá gay gắt.
Theo Vasep, VHC vẫn đang dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu cá tra 9 tháng với 142 triệu USD, tiếp sau là HVG 87 triệu USD và ANV là 65 triệu USD… Tuy nhiên, HVG lại có lợi thế là nắm tỷ lệ chi phối tại XNK Thủy sản An Giang (HOSE: AGF), trong khi AGF cũng xuất khẩu đạt 62 triệu USD; hay gần như sở hữu Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (HOSE: VTF) để tạo quy trình khép kín từ nuôi trồng - chế biến - xuất khẩu…
Nguồn: Vasep
|
Còn về xuất khẩu tôm, MPC vẫn đang tiếp tục là đơn vị dẫn đầu khi 8 tháng đạt 315 triệu USD. Tuy nhiên, tuyên bố mới đây của Chủ tịch HVG rằng “năm 2016 sẽ là doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu tôm” dù năm 2015 mới bắt đầu thử nghiệm lâm sàng nuôi tôm nhưng đây cũng là thông tin để MPC phải lưu tâm. Bởi HVG sắp tới sẽ hợp nhất Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) – đơn vị có kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 88 triệu USD trong 8 tháng qua và mục tiêu HVG đưa ra là năm 2015 sẽ tăng con số này lên 160-180 triệu USD.
“Chiếu dưới” vượt kế hoạch
Ở “chiếu dưới” về vốn cũng như lợi nhuận, nổi bật có AGF khi lãi ròng quý 3/2014 tới 23.5 tỷ đồng, gấp 2.7 lần cùng kỳ nhờ thu hoạch cá tự nuôi đưa vào chế biến với giá thành bình quân thấp hơn giá cá nguyên liệu trên thị trường cùng thời điểm 2013. Đồng thời, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2014 cũng giảm từ mức 25% của năm 2013 xuống còn 22%.
Hay như FMC nhờ vào giá nguyên liệu ổn định và doanh số tăng đã ghi nhận lợi nhuận tăng vọt gấp 5 lần cùng kỳ với 16 tỷ đồng, kéo theo 9 tháng đạt 51 tỷ đồng, vượt 27% kế hoạch năm.
Chế biến Thủy sản XK Ngô Quyền (HNX: NGC) lại là đơn vị vượt kế hoạch ngoạn mục nhất trong ngành tới 197% khi lãi 9 tháng 9.5 tỷ đồng. Riêng trong quý 3, NGC lãi gấp 26 lần cùng kỳ nhờ sản lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tăng đáng kể, chủ yếu là các mặt hàng mực, bạch tuộc và surimi. Hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc ổn định và có chiều hướng phát triển tốt. Thêm vào đó, NGC có khoản lợi nhuận khác hơn 8 tỷ đồng từ khoảng thu hồi tiền bồi thường và hỗ trợ di dời Nhà máy Ngô Quyền.
VTF, Thủy sản MeKong (HOSE: AAM) và XNK Thủy sản Bến Tre (HOSE: ABT) là 3 doanh nghiệp sắp cán đích lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, trong quý 3 thì những doanh nghiệp này lại có chỉ số tăng trưởng khá thấp, chỉ 6% (ABT), thậm chí giảm tới 87% (AAM), riêng VTF tăng khá 76%.
Chỉ tiêu 9 tháng của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết
Đvt: Triệu đồng
|
Trong khi các doanh nghiệp đều ghi nhận lãi lớn quý 3 thì duy nhất Thủy hải sản Việt Nhật (HOSE: VNH) âm nặng tới 38 tỷ đồng do doanh thu bán hàng chỉ vỏn vẹn hơn 6 triệu đồng trong khi giá vốn chiếm tới 36 tỷ đồng. Hàng tồn kho lại tăng gấp 9 lần, lên 35.6 tỷ đồng.
Khó khăn tại VNH đã xuất hiện từ trước. Năm 2013 VNH tuy có lãi gần 6 tỷ đồng nhưng lại nhờ vào chuyển nhượng tài sản. Hoạt động kinh doanh chính của VNH rất khó khăn do lãi vay cao, không đủ vốn cho sản xuất, thêm vào đó công ty lại thiếu nguyên liệu nên khả năng cạnh tranh kém và chỉ hoạt động cầm chừng.
Tại ĐHĐCĐ 2014 vừa qua, VNH đặt kế hoạch cho năm 2014 cũng ở mức 6 tỷ đồng lợi nhuận nhưng xem ra khó thực hiện. Còn về chiến lược kinh doanh, ngoài hoạt động chính về thủy sản, VNH cho biết sẽ hợp tác với đối tác Nhật Bản đầu tư xây dựng xí nghiệp sản xuất hạt nêm tại Long An. Tuy nhiên bài toán vốn đối với VNH càng khó khăn hơn khi vay nợ ngắn hạn tại thời điểm cuối quý 3 là 30.5 tỷ đồng, các ngân hàng thì giảm hạn mức cho vay…
Ngoại trừ VNH, rõ ràng để đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng trên các doanh nghiệp đã hưởng những thuận lợi như việc Nga vừa dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu cá tra từ Việt Nam (vốn chiếm 40% giá trị hàng thủy sản xuất sang Nga), đồng thời Thủ tướng cũng đã đồng ý đề nghị của Bộ Tài chính đưa mức thuế giá trị gia tăng mặt hàng thức ăn chăn nuôi sản xuất công nghiệp từ 5% về 0%...
Và dự kiến sắp tới, sau khi kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do FTA với liên minh hải quan (Nga, Belarus và Kazakhstan), năm 2015 hàng hóa Việt Nam (trong đó có thủy sản) có thể sẽ vào thị trường Nga miễn thuế so với mức thuế hiện tại đến 18%. Còn tại khu vực châu Âu, hàng thủy sản có khả năng được hưởng lợi về thuế từ năm 2015 so với mức thuế 7% đang áp dụng.
Minh An
|