Ngân sách là tiền dân, phải công khai với dân
Ngân sách là tiền của dân, thì đương nhiên phải công khai với người chủ của nó, từ bước dự toán đến quyết toán. Ngoài ra, dân phải có quyền góp ý, theo dõi thực hiện, kiểm tra từng bước trong quy trình ngân sách.
Trước hết, hãy xem chúng ta đang ở đâu so với thế giới. Có một số chuẩn mực về công khai ngân sách, ví dụ như Chỉ số Công khai Ngân sách (OBI), Quy tắc về Minh bạch tài khóa của IMF. Theo OBI, VN được 19/100 điểm, thấp hơn so với điểm trung bình của các nước trên thế giới 43 điểm, và cũng thấp hơn hẳn các nước trong khu vực (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Đông Timo).
3 khuyến nghị cho luật NSNN sửa đổi
Có ý kiến cho rằng người dân VN chẳng quan tâm mấy đến công khai ngân sách. Để kiểm chứng ý kiến này, chúng tôi kết hợp với tổ chức Oxfam tiến hành một khảo sát nhanh về các nội dung của luật Ngân sách nhà nước thì chỉ trong vòng 4-5 ngày đã có khoảng 8.200 lượt người tham gia. Trong đó, 3 nội dung người dân quan tâm và ủng hộ là:
(1) Cần công khai phương án phân bổ NSNN trước khi phê duyệt ở tất cả các cấp (89% ý kiến ủng (2) Cần công khai chi thường xuyên của nhà nước (ít nhất các hạng mục lớn) (90% ủng hộ)
(3) Cần công khai nợ công (93% ủng hộ)
Kết quả này cũng hoàn toàn trùng hợp với khảo sát thông qua phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm Oxfam cùng các tổ chức xã hội khác ở VN khảo sát với 1.147 người dân và 408 cán bộ chính quyền tại 5 tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định, Quảng Trị và Bà Rịa - Vũng Tàu. Người dân VN thực sự muốn ngân sách phải được công khai trên nhiều mặt.
Công khai phương án phân bổ NSNN trước khi phê duyệt
Phương án phân bổ NSNN hiện nay được đóng dấu mật trước khi phê duyệt. Công khai tài liệu này là quyền cơ bản của công dân vì nó có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và quyền lợi của họ. Ở nước ta, tiêu chí phân bổ cũng như thứ tự ưu tiên cũng chưa được công khai. Ngân sách được lập không gắn nhiều với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Do vậy, có tình trạng các tỉnh lập văn phòng ở gần Bộ Tài chính để “vận động hành lang” để được phân bổ ngân sách được nhiều hơn. Sau đó, khi ngân sách đã được Quốc hội quyết định về từng tỉnh và các bộ ban ngành, mỗi đơn vị cấp dưới lại tiếp tục quá trình “xin-cho” để NSNN cấp về đơn vị mình được nhiều hơn. Kết quả là ngân sách không được phân bổ dựa trên tiêu chí, thứ tự ưu tiên rõ ràng, công khai trước tất cả các bên liên quan và được ý kiến phản biện của chuyên gia, người dân. Khi ngân sách cắt giảm, các ưu tiên cũng bị cắt giảm một cách tùy tiện, khiến chiến lược, mục tiêu phát triển của địa phương không được thực hiện.
Việc công khai và lấy ý kiến người dân về thứ tự ưu tiên phân bổ ngân sách hoàn toàn khả thi và phù hợp với thông lệ quốc tế.
HĐND các cấp hàng năm có thể lấy danh mục công trình đầu tư trọng điểm của địa phương mình (gồm khoảng 10 công trình) để lấy ý kiến người dân xếp thứ tự ưu tiên. Sau đó, HĐND tổ chức điều trần giữa cơ quan trình phê duyệt (UBND) và người dân về những ưu tiên lựa chọn này trước khi phê duyệt danh mục công trình trình lên cấp cao hơn. Tới khi NSNN đã được phân bổ tới các địa phương, dựa vào nguồn lực đã được khẳng định, HĐND sẽ rà soát theo thứ tự ưu tiên đã được thống nhất để xem ngân sách nên phân bổ vào hạng mục công trình theo thứ tự như thế nào. Việc cắt giảm ngân sách lúc đó trở nên minh bạch, công khai và người dân hoàn toàn đồng thuận với các quyết định đầu tư của nhà nước.
Công khai chi thường xuyên
Những năm gần đây, tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách tăng liên tục từ 65,4% (năm 2005) lên đến 77,1% (2012) trong khi chi cho đầu tư từ ngân sách lại giảm từ 34,6% (2005) xuống chỉ còn 22,9% (2012). Chi quản lý hành chính đã tăng từ 8,2% (2005) lên đến 10,2% (2012), cao hơn hẳn so với chi y tế 6,4% (2012).
Chi hành chính quá lỏng lẻo với chế độ sử dụng xe công, đi công tác nước ngoài, chiêu đãi... quá lãng phí trong khi ngân sách địa phương vẫn xin Trung ương trợ giúp là những nghịch lý đáng buồn. Đó là chưa kể số lượng cán bộ công chức vẫn liên tục tăng.
Đã đến lúc người dân cần được biết Nhà nước đang dùng tiền thuế của dân để nuôi bộ máy hành chính gồm bao nhiêu người và cơ cấu như vậy có hợp lý không.
Công khai nợ công
Năm 2014, lần đầu tiên nhiều số liệu chi tiết về nợ công được người đứng đầu ngành tài chính công bố tại diễn đàn Quốc hội. Theo ước tính, mỗi người dân đang gánh 20 triệu đồng nợ công.
Nỗi lo lớn nhất không phải là khả năng trả nợ mà là hiệu quả của các khoản vay. Trong tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được giải quyết triệt để, với mỗi khoản vay, nỗi lo bị hao hụt lại tăng lên. Không chỉ tham ô lãng phí, các khoản vay kém hiệu quả kiểu như các dự án xi măng, các dự án đóng tàu, cảng biển và cả các dự án đường sắt với những vụ án và cả những nghi án hối lộ cũng làm dư luận bức bối. Thêm nữa, việc xử lý trách nhiệm cán bộ trong các vụ việc thất thoát tài sản, đầu tư kém hiệu quả cũng chưa rõ ràng, chưa quyết liệt cũng làm dư luận bớt tin tưởng vào các kế hoạch của Nhà nước.
Nỗi lo tiếp theo là tốc độ tăng nợ công. Đáng chú ý, chỉ tính từ tháng 1/2013 đến tháng 3/2014, thống kê cho thấy, nợ công đã tăng thêm tới 9,887 tỷ USD, tương đương trung bình gần 700 triệu USD/tháng, tăng thêm gần 100 USD/người.
Nhiều vị sẽ trả lời rằng công khai ngân sách như ở trên thế giới là rất hay, nhưng áp dụng vào hoàn cảnh VN còn khó lắm. Người dân hiểu biết gì đâu mà đóng góp ý kiến, hay hệ thống chính trị của chúng ta khác. Nhưng các vị ấy không hiểu rằng, với thực trạng tham nhũng, lãng phí như thế này, càng ở VN chúng ta cần càng cần đẩy mạnh công khai ngân sách. Khi người dân chưa hiểu, sẽ có những chuyên gia, truyền thông giúp giải thích cho công chúng hiểu. Công khai là điều kiện không thể thiếu để người dân có thể tin vào chính quyền.
Trần Ngọc Anh (ĐH Indiana) - Vũ Hoàng Dương (Oxfam)
vietnamnet
|