Thứ Hai, 17/11/2014 22:46

Lux Leaks - cuộc chơi bí mật

Một cuộc điều tra dựa trên 28.000 trang tài liệu do Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tung ra mới đây cho thấy các tập đoàn đa quốc gia này từ nhiều năm nay đã thiết lập những thỏa thuận bí mật với cơ quan thuế của Đại công quốc Luxemburg nhằm được hưởng những ưu đãi về thuế (được báo chí gọi là Lux Leaks). Dựa trên các thỏa thuận bí mật này, một tập đoàn có thể chuyển toàn bộ thu nhập phải đánh thuế từ một nước khác sang Luxemburg để được hưởng một loại thuế không đáng kể hay thậm chí gần như bằng 0, như IKEA.

Ảnh minh họa: các công ty bị cho là né thuế ở Anh. Nguồn: mrgeek.me

Điều tra của ICIJ đưa ra những ví dụ về cách trốn thuế của các công ty lớn của Mỹ. Chẳng hạn Heinz, tập đoàn thực phẩm nổi tiếng với thương hiệu ket-chup cùng tên có trụ sở ở bang Pennsylvania, đã đạt được thỏa thuận với cơ quan thuế Luxemburg vào năm 2010. Thỏa thuận này được Pricewaterhouse Coopers thiết kế có tên gọi “dự án mùa Hè”. Ban đầu, Heinz rời nước Mỹ sang Canada, đến thiên đường thuế Gibraltar rồi qua Luxemburg. Ở mỗi chặng lại có các công ty chi nhánh được thành lập.

Tại Luxemburg, Heinz thành lập hai công ty con và trở thành một “công ty nút cổ chai”, tức mọi lợi nhuận từ mọi chi nhánh của công ty trên toàn thế giới đổ về Heinz Gibraltar, nơi được miễn thuế hoàn toàn. Một ví dụ khác liên quan đến người khổng lồ công nghệ Apple. Chi nhánh phụ trách việc tải nhạc trên iTunes được Apple đặt ở Luxemburg và mọi thanh toán cho việc mua nhạc trên iTunes sẽ chuyển trực tiếp đến Luxemburg, nơi Apple được hưởng những ưu đãi thuế đặc biệt.

Trên thực tế, đây không phải điều mới mẻ trong làng tài chính thế giới. Nhiều năm qua, nó được biết đến dưới cái tên “tax ruling” và dưới góc độ pháp luật, đó không phải là một hành vi phạm pháp. “Tax ruling” cho phép một công ty được yêu cầu trước cơ quan thuế của một quốc gia xem mình sẽ được đối xử về thuế ra sao tại nước đó. Đó là một cách tối ưu hóa về thuế, hay nói cách hình ảnh, thì là một “bộ áo” về thuế được may đo theo nhu cầu.

Luxemburg không phải là nước duy nhất có tập quán này, cái khác chỉ là mọi thứ ở Luxemburg diễn ra trong vòng bí mật và thuận tiện nhất có thể. Tất cả những gì cần làm là lập một văn phòng chi nhánh hoặc một liên doanh ở Luxemburg với vài nhân viên và hầu như không có hoạt động gì khác ngoài lĩnh vực tài chính. Vì chỉ cần một sự tồn tại về hình thức nên mới có chi tiết, địa chỉ số 5 phố Guillaume Kroll ở Luxemburg là trụ sở của đến 1.600 công ty. Bước tiếp theo là thông qua một công ty kiểm toán trung gian, nổi bật là Pricewaterhouse Coopers, để đàm phán với cơ quan thuế Luxemburg. Các thỏa thuận rất đa dạng, tùy thuộc vào từng công ty và tùy vào mức độ cần phải lách thuế.

Bằng cách này, theo điều tra của ICIJ, trong khoảng thời gian từ 2002 - 2010, cơ quan thuế của Luxemburg đã có những thỏa thuận ưu đãi thuế với 340 công ty đa quốc gia, trong đó có những cái tên lớn nhất thế giới như Apple, IKEA, Pepsi...

Nhưng, như đã nói ở trên “tax ruling” không phải là hành vi phạm pháp, vậy vấn đề của Lux Leaks là gì?

Về mặt chính thức, Luxemburg không phải là một thiên đường thuế. Công quốc này vẫn đánh thuế các công ty gần như tương đương các quốc gia châu Âu khác, ở mức 29%, so với 33% của Pháp hay 30% của Đức. Công quốc này cũng vừa ra các điều luật nhằm bãi bỏ điều khoản về bí mật ngân hàng, đặc trưng của các thiên đường thuế, từ năm 2017. Vấn đề của Luxemburg nằm ở chỗ trong các thỏa thuận về tài chính và thuế của Liên hiệp châu Âu, Luxemburg chưa từng nhắc đến chuyện “tax ruling” mà mình đang thực hiện. Tức là, về mặt chính sách, Luxemburg đi ngược lại với các biện pháp của EU về đấu tranh chống các thiên đường thuế.

Ở châu Âu, tác động của vụ Lux Leaks còn đến từ mặt chính trị. Những công dân đóng thuế ở Pháp, Đức, Anh... sẽ rất khó chấp nhận việc họ phải đóng thuế ngày một nhiều trong khi các tập đoàn lớn với lợi nhuận khổng lồ của đất nước họ lại tìm cách trốn thuế ở một quốc gia khác. Họ cũng không dễ bỏ qua chuyện ông Jean-Claude Juncker, người làm Thủ tướng Luxemburg trong gần 20 năm (1995-2013), chắc chắn khó có thể nói là vô can trong vụ Lux Leaks, giờ đây lại đang là Chủ tịch của Ủy ban châu Âu.

Trên phạm vi toàn cầu, vụ Lux Leaks được tung ra vào thời điểm cuộc họp thượng đỉnh G-20 sẽ diễn ra trong vài ngày tới tại Úc và một trong những chủ đề chính sẽ là đấu tranh chống việc các tập đoàn đa quốc gia đang ngày càng tìm nhiều cách để trốn thuế ra nước ngoài. Luxemburg chỉ là một mắt xích trong cuộc chơi trốn thuế toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia nhưng vụ Lux Leaks có thể sẽ khiến các nỗ lực kiểm soát việc trốn thuế được đẩy nhanh hơn. Nước Mỹ được cho là sẽ rất quyết liệt trong cuộc chiến này bởi theo tính toán của OECD, hiện có gần 2.000 tỉ đô la Mỹ lợi nhuận của các công ty Mỹ đang nằm ở các thiên đường thuế.

Quang Dũng

Thời báo kinh tế sài gòn online

Các tin tức khác

>   Thụy Sĩ: Cứ 4 người có 1 người thiếu tiền chi tiêu hàng tháng (17/11/2014)

>   Bộ trưởng Nội vụ Bồ Đào Nha từ chức vì bê bối "thị thực vàng" (17/11/2014)

>   Kinh tế Nhật Bản bất ngờ rơi vào suy thoái (17/11/2014)

>   Trung Quốc sẽ đăng cai hội nghị cấp cao G-20 năm 2016 (17/11/2014)

>   Lợi nhuận của tốp ba ngân hàng lớn nhất Nhật Bản yếu dần (16/11/2014)

>   G-20 nhất trí thúc đẩy tăng trưởng GDP trên 2% trong 5 năm (16/11/2014)

>   Ông Putin: Tỷ giá USD làm tăng đáng kể nguồn thu ngân sách Nga (16/11/2014)

>   Vàng tỏa sáng trước đà tăng của giá dầu và sự đi xuống của đồng USD (16/11/2014)

>   Mỹ đã đẩy Trung Quốc đến chỗ thành lập AIIB (16/11/2014)

>   Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng công bố đồng tiền riêng (16/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật