Indonesia tiếp tục dành ưu tiên hàng đầu cho ổn định tài chính
Ngày 18/11, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) Agus Martowardojo khẳng định ngân hàng sẽ tiếp tục dành ưu tiên hàng đầu cho việc ổn định tài chính trong năm nay khi công bố quyết định nâng lãi suất từ mức 7,5% lên 7,75%.
Ngân hàng Trung ương Indonesia (Ảnh: aseanbusinesstimes.com)
|
Để thực hiện mục tiêu này, BI sẽ tiếp tục can thiệp vào thị trường ngoại hối khi cần thiết nhằm thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai, duy trì ổn định tiền tệ cũng như đảm bảo kiểm soát lạm phát và nợ nước ngoài.
Giải thích thêm về quyết định tăng lãi suất lên 7,75% sau khi chính phủ tăng trung bình 36% giá xăng dầu, Thống đốc BI nói rằng đây là biện pháp cần thiết nhằm đối phó với những tác động từ việc giá nhiên liệu tăng, nhất là để đảm bảo thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức bền vững hơn và kiểm soát tỷ lệ lạm phát trong biên độ dao động mục tiêu quanh mức 4% cộng trừ 1% trong năm tới.
Theo ông Agus Martowardojo, giá nhiên liệu tăng sẽ gây sức ép trước hết lên chi phí vận tải và giá lương thực - thực phẩm, tác động trực tiếp đến đời sống xã hội. Vì vậy, BI sẽ tăng cường chính sách hỗ trợ việc mở rộng từng bước các chương trình trợ giúp cho dân chúng, trong đó có chính sách ổn định tỷ giá đồng rupiah, phối hợp chặt chẽ với chính quyền trung ương và cấp tỉnh để giảm thiểu áp lực lạm phát tiềm năng, kích thích tài chính cho các ngành sản xuất và khuyến khích hơn nữa cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo cơ hội việc làm.
Thống đốc Agus Martowardojo khẳng định BI hoan nghênh việc chính phủ tiến hành cải cách tài chính để tái phân bổ một phần trợ cấp nhiên liệu cho các ngành sản xuất. Chính sách này dự kiến sẽ giúp giảm nhập khẩu dầu, do đó, sẽ giảm thâm hụt tài khoản vãng lai, đặc biệt là khi nhập khẩu dầu khí là một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng thâm hụt thương mại lớn của Indonesia.
Ngoài ra, việc thực thi các chính sách và biện pháp đi kèm giải ngân hỗ trợ xã hội, nhất là cho những người nghèo và có thu nhập thấp, cũng sẽ bù đắp sự suy giảm tiềm năng sức mua của dân chúng, tái phân bổ ngân sách trợ cấp nhiên liệu để tài trợ cho phát triển cơ sở hạ tầng.
Trong một động thái liên quan, BI dự đoán kinh tế Indonesia có thể đạt tăng trưởng 5,4-5,8% trong năm 2015 và cao hơn trong trung hạn và dài hạn nếu duy trì được sự ổn định của hệ thống tài chính và kinh tế vĩ mô.
vietnam+
|