GTN – Khúc dạo đầu ngọt ngào
Gần như là thành viên trẻ nhất của sàn chứng khoán TPHCM (HOSE) tính đến nay, cổ phiếu GTN niêm yết vào thời điểm được coi là “thiên thời” của thị trường chứng khoán. Khúc dạo đầu niêm yết của GTN chưa đầy 1 tháng mà giá cổ phiếu đã tăng đến 90%, mức sinh lời hấp dẫn cho những ai đang sở hữu cổ phiếu này.
Cụ thể, cổ phiếu GTN của CTCP Đầu tư Sản xuất Thống Nhất chính thức được giao dịch trên HOSE vào ngày 03/10/2014 với mức giá 10,500 đồng/cp. Ngay sau đó cổ phiếu tăng trần 9 phiên liên tiếp, đưa giá lên hơn gấp đôi, chạm mức 21,200 đồng/cp. Thanh khoản của GTN cũng khá cao khi khối lượng giao dịch bình quân hơn 1.1 triệu cp/phiên, phiên gần đây 31/10 là hơn 8.1 triệu đơn vị khớp lệnh.
Tuy nhiên, sau 9 phiên huy hoàng với sắc tím, cổ phiếu đã quay đầu giảm điểm và sau đó tăng trở lại rồi lại giảm, mốc đỉnh này lặp lại 3 lần tính đến nay. Thời điểm chấm dứt đà tăng của GTN rất đáng chú ý, khi cổ phiếu nằm trong vùng đỉnh vốn được định giá để niêm yết. Cụ thể, kết thúc phiên 15/10, cổ phiếu GTN đóng cửa tại mức giá 21,200 đồng/cp trước khi đảo chiều trong khi định giá cổ phiếu được xác định trước niêm yết là khung 10,406-21,020 đồng/cp.
Diễn biến cổ phiếu GTN từ ngày mới niêm yết đến 03/11/2014
Phiên giao dịch 03/11, giá cổ phiếu GTN lặp lại mức đỉnh 21,200 đồng/cp.
|
Tăng vốn khủng, bành trướng quy mô đa ngành trước niêm yết
GTN đi vào hoạt động từ năm 2011 với 3 lĩnh vực là bán hàng gia dụng nhập khẩu, thi công hạ tầng, kinh doanh khoáng sản. Năm 2013, sau dấu mốc phát hành 60 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu giá 10,000 đồng/cp để nâng vốn đột biến từ 80 lên 680 tỷ đồng, GTN nhanh chóng góp vốn vào hàng loạt công ty con, công ty liên kết và đầu tư tài chính.
Bước nhảy đột biến về vốn của GTN trong năm 2013
Nguồn số liệu: Bản cáo bạch niêm yết của GTN.
|
Dưới mô hình công ty mẹ-con, GTN tiến tới mục tiêu xây dựng thành một tập đoàn đa ngành về tre công nghiệp, nông sản, năng lượng, khoáng sản, xây dựng hạ tầng và sản xuất nhựa, cáp viễn thông…
GTN hiện có 6 công ty con và 3 công ty liên kết với tổng số vốn góp tại tất cả 9 công ty lên đến 494 tỷ đồng. Việc góp vốn và mua cổ phần ở tất cả các công ty này đều thực hiện trong thời gian từ tháng 9/2013 đến tháng 5/2014 khi GTN có sự hỗ trợ mạnh từ nguồn vốn mới phát hành.
Mô hình tổ chức các đơn vị thành viên của GTN
VĐL: Vốn điều lệ.
Cuối tháng 9 vừa qua, GTN đã chuyển nhượng gần 16% vốn (27 tỷ đồng) góp tại 1 trong những công ty liên kết là công ty TNHH Thống nhất, giảm sở hữu còn 17.5% (30 tỷ đồng).
|
Chưa dừng lại ở đó, đến giữa tháng 10/2014, GTN tiếp tục thông báo sẽ góp 195 tỷ đồng để thành lập công ty con vốn điều lệ 300 tỷ đồng nhằm mở rộng khai thác mỏ than bùn có quy mô, chất lượng lớn nhất khu vực Tây Nguyên, sản xuất phân vi sinh và phát triển dự án 500 ha đất trồng trọt và chăn nuôi tại Đắk Nông. Đây có thể được coi là công ty con lớn nhất trong số các công ty con và liên kết mà GTN tham gia góp vốn.
Nếu công ty mới được thành lập thì tính ra GTN sử dụng tổng cộng khoảng 689 tỷ đồng để góp vốn, mua cổ phiếu 10 công ty con và công ty liên kết. Số vốn này nhiều hơn cả vốn điều lệ hiện tại của Công ty.
Tại GTN, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của Ban lãnh đạo rất nhỏ tính đến hết quý 2/2014, Chủ tịch Nguyễn Trí Thiện giữ 1.5%; 3 thành viên Hội đồng quản trị khác là ông Tại Văn Quyền giữ 1%, bà Bùi Thị Thanh Hải giữ 1.47%, ông Hồng Mạnh Cường 0.5%; Kế toán trưởng Hoàng Mạnh Cường giữ 0.5%.
Tính đến 20/06, GTN có một cổ đông lớn là CTCP Invest Đại Tây Dương nắm
hơn 4.6 triệu cổ phiếu, tương ứng 6.8% vốn điều lệ của GNT. Bên cạnh đó,
“danh tánh” một cổ đông lớn mới xuất hiện gần đây là CTCP Chứng khoán
IB (VIX) mua thêm 1.4 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 3.4 triệu cổ
phiếu, tương ứng 5%.
|
Với sự “bùng nổ” về vốn và quy mô công ty, GTN phải chịu áp lực rất lớn, đặc biệt là vấn đề quản trị, điều hành cần phải bắt kịp với những thay đổi rất nhanh này.
Năm 2014 – 2015 sẽ ra sao?
Năm 2012, kết quả kinh doanh của GTN “èo ọt” khi lợi nhuận chỉ gần 4.2 tỷ đồng. Sau đợt tăng vốn “khủng” cùng chiến lược góp vốn liên tục vào nhiều công ty vào năm tiếp theo, kết quả kinh doanh hợp nhất của GTN tăng trưởng đáng kể với lợi nhuận hơn 23 tỷ đồng, gấp 5 lần năm 2012. Và bước sang nửa đầu năm 2014 cho thấy lợi nhuận sau thuế hợp nhất gần 24 tỷ đồng, tương đương cả năm 2013.
Tuy nhiên, so với kế hoạch lợi nhuận 110 tỷ đồng của năm 2014 thì GTN chỉ mới thực hiện được 22% kế hoạch, như vậy còn hơn 86 tỷ đồng lợi nhuận cần đạt trong nửa cuối năm.
Được biết, GTN dự kiến sẽ có được khoản lợi nhuận tài chính 62 tỷ đồng (gấp 3.6 lần kết quả thực hiện trong năm 2013) gồm 10 tỷ đồng thu từ các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn công ty mẹ và 52 tỷ đồng cổ tức tiền mặt nhận được từ các công ty con (được đề cập đến trong lý giải nguyên nhân đặt chỉ tiêu kế hoạch 2014 đột biến).
Kết quả kinh doanh trước và sau tăng vốn - hợp nhất
Nguồn: Bản báo cáo bạch niêm yết của GTN.
|
Việc tăng về vốn trong năm 2013 gấp 9 lần năm 2012 sẽ là “bàn đạp” để các chỉ tiêu kinh doanh khác tăng theo. Dễ thấy nhất là kế hoạch doanh thu và lợi nhuận là năm 2014 sẽ gấp 9 lần và 4.7 lần những gì thực hiện được trong năm 2013. Năm 2015 hai chỉ tiêu này cũng gấp 2.3 lần năm 2014.
Theo đó thì thu nhập nhận được trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2014 và 2015 sẽ đạt khoảng 1,500 đồng/cp và 3,338 đồng/cp (nếu như lượng cổ phiếu lưu hành của GTN được giữ nguyên 68 triệu cổ phiếu). Trong khi đó năm 2012 và 2013 EPS lần lượt là 834 và 855 đồng/cp; 6 tháng đầu năm 2014 EPS đạt 337 đồng/cp, cùng kỳ chỉ có 87 đồng/cp (do lợi nhuận chỉ đạt hơn 1.2 tỷ đồng).
Diễn biến tăng vốn, niêm yết cùng kết quả kinh doanh của GTN giai đoạn 2012-2015
Đvt: Tỷ đồng.
|
Tiến Vũ
|