Đồng JPY yếu và những hệ lụy
Đồng USD Mỹ biến động "điên dại" so với đồng JPY thời gian gần đây
Đồng JPY đang rơi tự do. Trung Quốc hạ giá đồng tiền của mình để giữ các mặt hàng xuất khẩu ở mức rẻ. Làn sóng giảm phát đang tràn qua Mỹ và châu Âu do lợi nhuận doanh nghiệp không như kỳ vọng. Nhà đầu tư hoảng sợ.
* Chính phủ Nhật Bản chuẩn bị rót hàng nghìn tỷ yen cứu nền kinh tế
Trong ngày thứ Hai (17/11), cặp tiền tệ này tích tắc chạm mức cao nhất trong 7 năm tại 117.04 sau thông tin kinh tế Nhật Bản suy thoái trước khi phục hồi về vùng 115 trong bối cảnh cổ phiếu trên sàn Tokyo giảm giá mạnh.
Đợt sụt giảm của đồng JPY so với đồng bạc xanh trong thời gian gần đây bắt đầu vào cuối tháng 10/2014 khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) gây sốc các thị trường tài chính toàn cầu với quyết định mở rộng chương trình nới lỏng tiền tệ. Mục tiêu của BoJ là thúc đẩy nền kinh tế và tạo ra lạm phát khi chỉ báo này hiện chỉ bằng một nửa so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Các nhà phân tích cho rằng cặp tiền tệ này sẽ tiếp tục xu hướng tăng hiện nay. Vậy đà suy yếu của đồng JPY sẽ tác động như thế nào đến các thị trường tài chính toàn cầu?
Đồng JPY yếu gây sức ép đối với doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc
Đà giảm giá dữ dội của đồng JPY so với đồng Nhân tệ đang tác động mạnh đến các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc, buộc các doanh nghiệp này phải suy nghĩ lại hoạt động kinh doanh của họ tại đây.
Những doanh nghiệp bị ảnh hưởng chính là các doanh nghiệp thanh toán lương và các chi phí hoạt động bằng đồng Nhân dân tệ nhưng lại có doanh thu bằng đồng JPY thông qua bán các sản phẩm hoặc dịch vụ tại Nhật Bản.
Như đổ thêm dầu vào lửa, chi phí lao động tại Trung Quốc lại nhảy vọt và tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khác thì đồng JPY – vốn đã lao dốc hơn 30% so với đồng Nhân dân tệ trong vòng 3 năm qua – lại là một lợi thế. Các đơn vị có trụ sở tại Trung Quốc chủ yếu bán ra thị trường Trung Quốc đã được hưởng lợi từ đà sụt giá của đồng JPY so với các đồng tiền chủ chốt khác vì điều này đã góp phần cải thiện sức cạnh tranh về giá và thúc đẩy doanh thu bằng đồng JPY. Được biết, đà giảm giá của đồng JPY đã bắt đầu cách đây 2 năm và tăng tốc trong các tháng gần đây.
Một dấu hiệu về sức ảnh hưởng của đồng JPY yếu đến hoạt động thương mại là số liệu công bố hôm thứ Tư cho thấy nhập khẩu của Nhật Bản từ Trung Quốc trong nửa năm tài khóa kết thúc vào tháng 9 vừa qua chỉ tăng 2.8% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng chậm nhất trong 2 năm.
Cùng kỳ, nhập khẩu TV và thiết bị nghe nhìn – các sản phẩm thường được các nhà sản xuất Nhật Bản lắp ráp cho thị trường trong nước – giảm 5%. Trong khi đó, nhập khẩu điện thoại thông minh và các thiết bị liên lạc khác giảm 9% bất chấp sự hỗ trợ từ việc công bố iPhone 6 tại Nhật Bản vào giữa tháng 9.
Bên cạnh sự biến động của thị trường tiền tệ, Trung Quốc ngày càng kém hấp dẫn với vai trò là một cơ sở sản xuất. Tăng trưởng của nước này đang giảm tốc và chi phí lao động đang leo thang. Ngoài ra, trong 8 tháng đầu năm 2014, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Trung Quốc giảm 43% so cùng kỳ 2013 xuống còn 3.16 tỷ USD sau mức giảm 4.3% trong năm ngoái.
Theo nhận định của nhà kinh tế Kokichiro Mio tại Viện Nghiên cứu NLI, các đợt rớt giá trước đây của đồng JPY, chẳng hạn như đợt sụt giảm so với đồng USD từ 80 JPY xuống 147 JPY trong giai đoạn từ 1995-1998, đã không gây thiệt hại nặng nề cho các nhà sản xuất của Nhật khi họ chuyển hàng từ Trung Quốc về nước vì lúc đó chi phí tại Trung Quốc thấp hơn nhiều.
Đà rớt giá của đồng JPY có thể khiến chứng khoán toàn cầu bị bán tháo
Đồng JPY đang rơi tự do. Trung Quốc hạ giá đồng tiền của mình để giữ các mặt hàng xuất khẩu ở mức rẻ. Làn sóng giảm phát đang tràn qua Mỹ và châu Âu do lợi nhuận doanh nghiệp không như kỳ vọng. Nhà đầu tư hoảng sợ.
Đó là nhận định của chuyên viên phân tích theo trường phái bi quan Albert Edwards của Société Générale tại London. Một trong những dự báo đã làm nên tên tuổi của ông là lời cảnh báo trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính rằng lãi suất thấp có thể dẫn đến một sự sụp đổ.
Vào thời điểm ông Edwards đưa ra nhận định, đồng JPY đang đứng tại mức thấp nhất trong 6 năm so với đồng USD và ông cho rằng một lần nữa đồng nội tệ của Nhật Bản có thể là quân cờ domino đầu tiên sẽ ngã trong một chuỗi các thảm họa. Ông cho rằng nếu đồng JPY tiếp tục đi xuống thì các đồng tiền khác của châu Á cũng sẽ giảm giá theo.
Và cuối cùng, Trung Quốc sẽ buộc phải giảm giá đồng Nhân dân tệ để duy trì sức cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu. Một “cơn bão” hàng xuất khẩu rẻ của Trung Quốc sẽ dẫn đến đà tăng trưởng kinh tế chậm hơn và gia tăng số người thất nghiệp tại châu Âu cũng như Mỹ.
Ông Edwards là người đã khuyến nghị nhà đầu tư cắt giảm danh mục cổ phiếu trong gần 20 năm qua và đó không phải lúc nào cũng là một lời khuyên tốt. Vào cuối năm 2012, ông cảnh báo các khách hàng của mình rằng “năm mới sẽ chỉ mang lại thất vọng”. Tuy nhiên, trong năm 2013, S&P 500 tăng mạnh đến 30%.
Quan điểm xa lánh cổ phiếu của ông Edwards xuất phát từ việc theo dõi Nhật Bản, một thị trường đã mất hơn 2 thập kỷ để dò đáy sau vụ sụp đổ năm 1989. Theo ông, đó là một khuôn mẫu cho “thị trường con gấu” kéo dài sẽ xuất hiện tại Mỹ và châu Âu, khi mà các đợt phục hồi của thị trường chứng khoán sẽ chỉ đi kèm với các đợt sụt giảm mạnh và rớt xuống các mức thấp mới.
Theo ông, nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư lại chính là Nhật Bản. Ông nói: “Nhật Bản là nơi nhà đầu tư có thể tìm thấy rất nhiều cổ phiếu giá rẻ và có định giá thấp trong thời điểm này miễn là nhà đầu tư có thể tự bảo vệ mình trước đà sụt giảm của đồng JPY”.
Phước Phạm (Theo Business Week, MarketWatch)
|