Có tới gần 70% số doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn
Hiện mới chỉ có 30% các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được với nguồn vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí rất cao.
Đó là nhận định của một số đại biểu tại hội thảo “Nâng cao khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh Việt Nam hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN 2015” diễn ra ngày 18/11 tại Hà Nội do Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính (BTCI) tổ chức.
2/3 doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận vốn
Theo báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thực tế với tổng số vốn đăng ký khoảng 121 tỷ USD, chiếm 30% tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp. Hàng năm các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp khoảng 40% GDP; 30% thu nộp ngân sách nhà nước, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút 51% lao động.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp phải một số hạn chế cố hữu như khó khăn trong tiếp cận chính sách, ưu đãi, mặt bằng sản xuất và đặc biệt, tiếp cận vốn vay là một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông K.Balasingam, Tổng giám đốc Viện nhân lực ngân hàng tài chính (BTCI) cho biết: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trải qua giai đoạn khó khăn đầy thử thách. Các trở ngại về nhu cầu tiêu dùng sụt giảm trong một thời gian dài, tình trạng nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và đặc biệt là khó khăn về tiếp cận nguồn vốn và dòng tiền.
“Hiện chỉ có 30% các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được với nguồn vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí rất cao,” ông K.Balasingam dẫn con số chứng minh.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Phạm Ngọc Long, Viện trưởng Viện khoa học quản trị Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, hiện nay tỷ lệ tiếp cận vay và vốn vay được còn thấp, tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh, tài sản đảm bảo vay khó khăn. Theo khảo sát gần đây của Viện này, chỉ có khoảng 32,38% số doanh nghiệp cho biết có khả năng tiếp cận và được vay vốn thường xuyên; 35,24% phản ánh là khó tiếp cận, số còn lại cho biết không thể tiếp cận được vốn vay.
Đối với các kênh huy động vốn khác trên thị trường như phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc tự huy động thì phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có đủ điều kiện và uy tín.
Ông Long cho rằng, việc tiếp cận vay vốn đối với số doanh nghiệp chưa được tái cơ cấu hoặc tái cơ cấu theo Thông tư 09 là rất khó khăn, càng khó tiếp cận vay với mức lãi suất ưu đãi như kỳ vọng. Đặc biệt, doanh nghiệp vẫn rất khó khăn khi tiếp cận vốn vay mới vì phần lới tài sản đảm bảo đã cạn kiệt, tổng tài sản có sinh lời và doanh thu sụt giảm, quy mô thu hẹp…
Phân tích về nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự việc trên, ông Long nhấn mạnh, các ngân hàng thương mại quá thận trọng, có phần bảo thủ và e ngại “hình sự hóa” trong hoạt động tín dụng. Ngoài ra, thủ tục, điều kiện tín dụng ngày càng “siết chặt”, tạo nên sự phức tạp và quá sức đối với doanh nghiệp. Chính sách tín dụng của hầu hết các ngân hàng thương mại hiện nay quá bó hẹp với khách hàng “truyền thống” nên thường xem nhẹ số doanh nghiệp mới khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất chung có giảm nhưng vẫn còn cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp, gánh nặng lãi suất nợ cũ cao chưa được miễn giảm phù hợp.
Phương án kinh doanh tốt ngân hàng sẵn sàng
Chia sẻ những khó khăn của ngân hàng khi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn, ông Trần Trung Kiên, Phó Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp Techcombank cho biết, một trong những vấn đề mà ngân hàng đang gặp phải là thiếu nguồn vốn trung và dài hạn ổn định với lãi suất hợp lý để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay.
Ông Kiên cũng cho rằng, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tính minh bạch về tài chính còn gặp nhiều khó khăn trọng khi ngân hàng cho vay phải căn cứ vào báo cáo tài chính. Bên cạnh đó, nhiều phương án kinh doanh của các doanh nghiệp thường không đủ thuyết phục ngân hàng.
“Yếu tố đầu tiên khi chúng tôi tiếp cận với doanh nghiệp là phương án kinh doanh nếu nó tốt chúng tôi sẵn sàng cho vay. Tuy nhiên, có nhiều chủ doanh nghiệp khi đến với chúng tôi chỉ đưa ra một bản hợp đồng, như vậy làm sau đủ thuyết phục được,” ông Kiên nói.
Ngoài ra, ông Kiên cũng cho biết, cho vay khối doanh nghiệp này thường dễ bị “tổn thương”, thực tế đã có một số doanh nghiệp sau khi vay tiền một thời gian thì đã "biến mất" khiến ngân hàng gặp khó khăn trong xử lý nợ. Do vậy, để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp cần nâng cao tính minh bạch trong báo cáo tài chính bên cạnh việc nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.
Còn theo luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico-Hà Nội), hiện nay hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam đều đưa đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng ưu tiên hàng đầu và ngân hàng đang khao khát tìm doanh nghiệp tốt, còn các doanh nghiệp thì lại đang đói vốn.
Mong muốn, nguyện vọng và nhu cầu của hai bên về lý thuyết thì rất dễ tiếp cận nhau, nhưng theo ông Đức, trên thực tế có quá nhiều lý do để ngân hàng và doanh nghiệp đến gần được với nhau như: Ngân hàng luôn trăn trở doanh nghiệp vay vốn có hiệu quả không, có làm ăn được không, có khả năng trả nợ không… Nếu doanh nghiệp chứng minh được điều đó thì ngân hàng sẽ tranh nhau cho vay chứ không phải chần chừ. Ngân hàng muốn tài sản đảm bảo để phòng ngừa rủi ro, trong khi đó khối doanh nghiệp vừa và nhỏ lại có ít tài sản đảm bảo nhất nên rất khó tăng hạn mức vay vốn.
Thúy Hà
vietnam+
|