Cổ phiếu vận tải thủy: Lỗ… ta bán tàu, lãi lớn... nhờ bán tàu!
Trong 9 tháng đầu năm 2014, hầu hết các công ty báo lỗ triền miên đều tiến hành rao bán tàu - vốn được xem là “cần câu cơm” trong ngành vận tải thủy - một số doanh nghiệp khác có kết quả tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước cũng là nhờ nguồn thu từ bán tàu.
Các công ty vận tải thủy thua lỗ triền miên có giá cổ phiếu dưới 10,000 đồng/cp
|
Rầm rộ bán tàu
Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết ngành vận tải thủy, từ doanh nghiệp lãi đến doanh nghiệp lỗ, công bố giảm bớt “cần câu cơm” của mình khi ồ ạt rao bán tàu.
Điển hình như CTCP Vận tải Biển Việt Nam (HOSE: VOS), vào giữa tháng 09/2014, công ty đã ký hợp đồng bán tàu Silver Star (đóng năm 1995 tại Nhật Bản) với giá 5.1 triệu USD, tàu đã được bàn giao xong cho người mua. VOS cho biết thêm, đội tàu của công ty còn lại 20 chiếc với tổng trọng tải 499,200 DWT.
Cũng trong tháng này, CTCP Vận tải & Thuê tàu biển Việt Nam (HOSE: VST) thông báo bán đấu giá tàu Viễn Đông 3 (đóng năm 2004 tại Việt Nam, trọng tải gần 6,600 DWT) với giá khởi điểm 45 tỷ đồng. Bên cạnh tàu Viễn Đông 3, tại ĐHĐCĐ thường niên 2014 trước đó, VST đã có kế hoạch bán thêm cả tàu V.T.C Sky (tàu Viễn Đông 3 từ lúc đưa vào hoạt động thì liên tục thua lỗ, mỗi năm lỗ 7.8 tỷ đồng; còn V.T.C Sky mỗi năm lỗ 9.5 tỷ đồng). Trong năm trước đó, công ty cũng đã bán tàu V.T.C Light, lãi hơn 20 tỷ đồng.
Đến giữa tháng 10/2014, CTCP Vận tải biển Vinaship (HOSE: VNA) công bố chào bán 3 tàu là tàu Hà Nam (6,512 DWT, đóng năm 1985 tại Nhật Bản), tàu Hà Tiên (7,018 DWT, đóng năm 1986 tại Nhật Bản) và tàu Bình Phước (7,054 DWT, đóng năm 1989 tại Nhật Bản). Các tàu đều có hạn lên đà từ năm 2016-2017.
Hay như CTCP Vận tải và Thuê tàu (HNX: VFR) đã “lên kế hoạch bán tàu VF Glory nhưng chưa thực hiện được vì thị trường mua bán tàu biển rất trầm lắng”, trước đó vào giữa năm 2013, VFR cũng đã bán tàu Vietfracht 02 (trên 20 tuổi).
Đây đều là những gương mặt báo lỗ trong 9 tháng đầu năm 2014. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khác kinh doanh không bị lỗ nhưng cũng rầm rộ rao bán tàu. Đặc biệt như CTCP Vận tải Xăng dầu Đường thủy Petrolimex (HOSE: PJT) thông báo bán đấu giá 2 tàu Hàm Luông 01 và Hàm Luông 03 với giá khởi điểm 1.25 tỷ và 1.2 tỷ đồng vào cuối tháng 06/2014. Trước đó, công ty cũng đã công bố thanh lý tàu Hàm Luông 07 (cuối năm 2012) và tàu Hàm Luông 06 (tháng 05/2013). Đến tháng 10/2014, PJT tiếp tục muốn bán tiếp tàu chở dầu là Tàu Rạch Chiếc 01 với giá khởi điểm 0.9 tỷ đồng.
Danh sách tàu bán của các công ty vận tải thủy trong 9 tháng đầu năm 2014
ĐVT: triệu đồng
( GMD và MHC chưa công bố BCTC quý 3/2014)
|
Trong kỳ, một số doanh nghiệp đã hoàn tất việc bán tàu gồm CTCP Dịch vụ Vận tải & Thương mại (HNX: TJC) bàn giao tàu Hà Tây (trọng tải 8,200 DWT, đóng năm 1976 và đã hết hạn đăng kiểm) cho CTCP Thương mại Đại Huy vào ngày 25/07/2014, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (HOSE: PVT) cũng đã thanh lý xong tàu kho nổi FSO.
Dòng tiền thu từ thanh lý tài sản và lưu chuyển tiền thuần trong 9 tháng đầu năm 2014
ĐVT: triệu đồng
|
* Cổ phiếu ngành điện quý 3: Nhiệt điện – Thủy điện phân tranh
* Soi lợi nhuận quý 3 của nhóm cổ phiếu dòng P
* Ngành dệt may - giầy da quý 3: Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra
Vận tải thủy niêm yết sống nhờ đâu?
Trong 9 tháng đầu năm 2014, có 5 doanh nghiệp vận tải thủy báo lỗ gồm VST, VNA, VOS, VFG, SSG. Ngoại trừ VFG, đây đều là những cái tên quen thuộc khi lỗ triền miên từ năm này qua năm khác.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải thủy niêm yết
ĐVT: triệu đồng
( GMD và MHC chưa công bố BCTC quý 3/2014)
|
Điển hình như VST báo lỗ 111 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối đến cuối tháng 09/2014 âm gần 336 tỷ đồng. Đặc biệt, dù bán được tàu trong năm nay hay không thì kế hoạch kinh doanh năm của VST đã đưa ra đều là những con số lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Đối với VOS, công ty cho biết do tàu đã hết khấu hao nên doanh thu từ việc bán tàu góp phần tích cực vào kết quả kinh doanh của công ty. Lãi sau thuế quý 3 của công ty mẹ VOS cao gấp 2.3 lần cùng kỳ và đạt hơn 61 tỷ đồng. Nhờ vậy mức lỗ trong 9 tháng đầu năm cũng “cải thiện” đáng kể với âm gần 26 tỷ trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 170 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối tháng 09/2014 của công ty âm gần 244 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu giảm xuống mức 1,186 tỷ đồng.
VNA cũng lỗ gần 47 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Công ty cho biết nhu cầu vận chuyển hàng hóa đường biển vẫn chưa tăng, ngành vận tải biển trong tình trạng cung vượt quá cầu, giá cước chở thuê thấp và cước thuê định hạn giảm. Trong khi đó chi phí đầu vào như nhiên liệu, vật liệu, sắt thép và dịch vụ vẫn duy trì ở mức cao đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của đội tàu.
Bên cạnh đặc trưng của ngành, một điểm chung nữa là hầu hết các doanh nghiệp này đều có tỷ trọng nợ phải trả trên tổng tài sản rất cao, cao nhất là SSG với 96%, tỷ trọng này ở VST và VNA cũng lên đến 90% và 86%. Chi phí lãi vay của các doanh nghiệp này vượt cả lợi nhuận gộp và là một trong những nguyên nhân quan trọng gây thua lỗ trong kỳ.
Một số chỉ tiêu đòn cân nợ của doanh nghiệp vận tải thủy tính đến 30/09/2014
ĐVT: triệu đồng
|
Trong nhóm 4 công ty giảm lợi nhuận 9 tháng đầu năm, riêng lãi sau thuế của CTCP Vận tải Xăng dầu Vipco (HOSE: VIP) giảm đến 81% xuống mức 24 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, tại một số công ty có lãi, việc bán tàu đã có đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh, giúp lợi nhuận mang về tăng đột biến. PJT cho biết đã thanh lý xong hai tàu Hàm Luông 01 và Hàm Luông 03 giúp lợi nhuận khác trong quý 3/2014 tăng 31%, kéo lãi sau thuế tăng trưởng 25% lên 10.6 tỷ đồng. PVT cũng ghi nhận lợi nhuận khác 77.6 tỷ giúp lãi quý 3 tăng vọt, cao gần gấp 3 lần cùng kỳ với 75.5 tỷ, lãi lũy kế 9 tháng tăng 20% lên 167 tỷ đồng. TJC có hơn 11 tỷ đồng lợi nhuận khác giúp lãi 9 tháng đầu năm của công ty tăng đột biến từ 0.4 tỷ lên 15.4 tỷ đồng.
Biểu đồ giá cổ phiếu SKG và VTO
|
Điểm sáng của ngành nằm ở CTCP Vận tải Xăng dầu Vitaco (HOSE: VTO) và CTCP Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (HOSE: SKG) khi lãi sau thuế 9 tháng tăng trưởng lần lượt 72% và 76%, đạt mức 40.2 tỷ và 79.5 tỷ đồng. Trong đó, SKG vượt 20% kế hoạch năm, còn lợi nhuận trước thuế của VTO cũng “mấp mé” ngưỡng 96% kế hoạch. Giá cổ phiếu SKG cao nhất so với các công ty trong ngành với mức 45,600 đồng/cp (đóng cửa ngày 07/11/2014).
Chú thích (*): Kết quả kinh doanh công ty mẹ
Minh Hằng
|