Cổ phiếu ngành nông quý 3: Cái chất trong lợi nhuận “teo” đi
Sự “kết duyên” giữa nông nghiệp và doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trên sàn 9 tháng đầu năm 2014 tuy đạt được những con số tăng trưởng nhưng xét về chất lượng thì đang có phần thụt lùi.
9 tháng đầu năm 2014, 9 DNNY sản xuất nông nghiệp tạo ra được hơn 5,429 tỷ đồng doanh thu, giảm 4% cùng kỳ; lợi nhuận đạt 2,209 tỷ đồng, tăng hơn 40% cùng kỳ.
Riêng trong quý 3, doanh thu thuần toàn ngành giảm 10%, đạt gần 1,818 tỷ đồng nhưng lợi nhuận thu về đến 1,165 tỷ đồng, tăng vọt hơn 135% cùng kỳ. Tuy nhiên xét riêng rẻ thì có đến 7/9 doanh nghiệp (DN) sụt giảm cả doanh thu và lợi nhuận. Việc cầu thu hẹp và giá giảm ở một số mặt hàng nông sản, đặc biệt là cao su đã tác động không nhỏ đến các DN.
Gần như toàn bộ lợi nhuận trong kỳ của ngành được đóng góp bởi HAG (Hoàng Anh Gia Lai), thế nhưng lợi nhuận này phần lớn lại từ hoạt động tài chính thay vì kinh doanh nông nghiệp.
Điều này có thể thấy cái chất trong lợi nhuận của các DNNY sản xuất nông nghiệp đã “teo” đi rất nhiều.
Doanh thu và lợi nhuận quý 3/2014 của DNNY sản xuất nông nghiệp
Tỷ suất lợi nhuận gộp nếu không tính HAG thì hầu hết đều dưới 25%, so với cùng kỳ không có nhiều thay đổi. Riêng TNC thì giảm từ mức cao thứ 2 năm rồi, giờ ở mức thấp nhất với 4%.
* Cổ phiếu vận tải thủy: Lỗ… ta bán tàu, lãi lớn... nhờ bán tàu!
* Cổ phiếu ngành điện quý 3: Nhiệt điện – Thủy điện phân tranh
Mỗi họ mỗi cảnh
HAG cho thấy vị thế “thượng phong” trong ngành khi tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu tăng 30% cùng kỳ, đạt hơn 777 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng doanh thu của cả 9 DN. Đây có thể coi là mùa vụ mía đường và bắp của HAG khi mà doanh thu bán đường đạt 181 tỷ đồng, gấp hơn 20 lần cùng kỳ. Mùa vụ bắp mang lại 88 tỷ đồng. Ngược lại thì doanh thu từ các hợp đồng xây dựng giảm 18%, đạt 208 tỷ đồng.
Đáng chú ý là trong quý 3/2014, công ty con Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh đã phát hành cổ phiếu riêng lẻ 1,100 tỷ đồng mang về khoản phụ trội 750 tỷ đồng, HAG ghi nhận khoản lãi chuyển nhượng hơn 756 tỷ đồng vào doanh thu tài chính. Theo đó lợi nhuận đạt 972 tỷ đồng, cao hơn cả doanh thu và gấp 4 lần cùng kỳ, chiếm hơn 80% tổng lợi nhuận toàn ngành.
Nếu như không có khoản doanh thu này thì lợi nhuận của HAG sẽ giảm đi khoảng 70%, lợi nhuận toàn ngành sẽ chỉ còn lại hơn 410 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 20%.
Các loại doanh thu trong quý 3/2014 của HAG (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn số liệu: BCTC hợp nhất quý 3/2014 của HAG.
|
Kế đến là những ông lớn sản xuất cao su, công ty mẹ PHR (Cao su Phú Hòa) đạt 342.5 tỷ đồng doanh thu, công ty mẹ DPR (Cao su Đồng Phú) hơn 310 tỷ đồng; TRC (Cao su Tây Ninh) 110 tỷ đồng. Xét về mức tăng trưởng thì chỉ có DPR là tương đương cùng kỳ, còn lại đều sụt giảm.
DPR và PHR là 2 DN có chi phí tài chính giảm tới hơn 60%, song cũng như các DN “họ” cao su khác, lợi nhuận đều sụt giảm do ảnh hưởng bởi giá cao su xuất khẩu giảm mạnh. Báo cáo từ Bộ NN&PTNT cho biết giá cao su xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm là 1,760 USD/tấn, giảm hơn 25% cùng kỳ, sản lượng giảm nhẹ 2%. Lợi nhuận của TNC giảm đến 88%, đạt vỏn vẹn 735 triệu đồng; HRC giảm 73%, đạt được hơn 6 tỷ đồng.
Trong khi đó “họ” giống cây trồng, NSC (Giống Cây trồng Trung ương) và SSC (Giống Cây trồng Miền Nam), do nhu cầu giống trên thị trường thay đổi nên sản phẩm tiêu thụ của DN thay đổi theo khiến doanh thu giảm, đạt lần lượt 93 và 109 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng chung số phận sụt giảm, đạt lần lượt 74 và 41 tỷ đồng.
Duy nhất trong ngành dịch vụ liên quan đến nông nghiệp và không bị ảnh hưởng nhiều bởi diễn biến chung của giá cả và nhu cầu nông sản, APC (Chiếu xạ An Phú) đạt mức doanh thu 25 tỷ đồng, giảm 2% cùng kỳ, lợi nhuận tăng được 11%, đạt 6.6 tỷ đồng.
Chặng đường hoàn thành kế hoạch năm… còn dài
Nếu như không có khoản doanh thu tài chính thì HAG khó có thể vượt được kế hoạch năm 13% với mức lợi nhuận hơn 1,653 tỷ đồng. Còn lại 7 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh đều chưa tương xứng với chặng đường 3 quý đã qua, tức chưa đi được 75% hành trình kế hoạch kinh doanh của năm.
Kết quả kinh doanh 9T/2014 của 9 DNNY sản xuất nông nghiệp
HRC và TNC là 2 doanh nghiệp đạt kế hoạch ở mức thấp nhất với khoảng 50%. APC “may mắn” bởi lĩnh vực kinh doanh ít bị ảnh hưởng như các DN khác, nhờ đó là lợi nhuận 9 tháng gần 18 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.
Giá cao su sụt giảm hơn 20% cùng kỳ khiến TRC buộc phải điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm từ 137 còn gần 65 tỷ đồng, giảm tới 53%, nhờ đó mà thực hiện được gần 90% kế hoạch, nếu so với ban đầu thì đạt chưa đầy 40%.
Một điều đáng chú ý là ngoài lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính thì hầu hết các DN “họ” cao su còn có thêm khoản lợi nhuận khác từ thanh lý cây cao su. Điều này đã giúp HRC thoát lỗ để đạt mức lợi nhuận gần 37 tỷ đồng; PHR, TNC gia tăng lợi nhuận lên 144 và 12 tỷ đồng.
* Soi lợi nhuận quý 3 của nhóm cổ phiếu dòng P
* Ngành dệt may - giầy da quý 3: Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra
HAG chiếm hơn 90% nợ toàn ngành
So với đầu năm, tổng nợ phải trả của 9 DNNY nông nghiệp tăng 10%, lên hơn 21,052 tỷ đồng. Chỉ riêng HAG đã “ngốn” hơn 19,295 tỷ đồng, chiếm hơn 90% nợ toàn ngành, điều này cũng khá dễ hiểu với quy mô hoạt động vượt trội trong ngành ở vị thế “ông lớn”.
HAG cũng là đơn vị duy nhất trong ngành có nợ phải trả chiếm hơn 50% trong tổng nguồn vốn. Hầu hết các DN còn lại đều duy trì mức nợ phải trả trung bình khoảng 20% nguồn vốn, TRC, TNC, DPR đều có tỷ lệ nợ dưới 10%.
Tài sản và nợ tính đến 30/09/2014 của DNNY sản xuất nông nghiệp
9 tháng đầu năm, GDP cả nước tăng 5.6%. Trong đó nông-lâm-ngư nghiệp chỉ đóng góp 0.54 điểm phần trăm vào mức tăng chung; còn khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ đóng góp lần lượt là 2.46 và 2.62 điểm phần trăm.
|
Trần Hạnh
|