Cổ phiếu NAG có gì mà “mê hoặc” nhà đầu tư?
Điều gì đã giúp cổ phiếu NAG của CTCP Nagakawa Việt Nam có sự hồi sinh mạnh mẽ từ đầu năm 2014 khi trước đó là một chuỗi ngày dài sụt giảm liên tục?
Kể từ khi niêm yết, giá cổ phiếu NAG giảm gần 69% và sức hút theo đó cũng suy yếu mạnh. Tuy nhiên từ đầu năm 2014 đến nay thì sự việc đã khác, dòng tiền trên thị trường chứng khoán đổ vào cổ phiếu này ngày càng tăng, từ mức khối lượng giao dịch bình quân năm chỉ có 55,287 cp/phiên, trong tháng vừa qua NAG tăng vọt về thanh khoản để ghi nhận bình quân 173,309 cp giao dịch trong phiên. Giá cổ phiếu NAG cũng tăng cả 160%, tương ứng từ 2,900 đồng để lên mức 7,500 đồng tính đến phiên 13/11.
Biến động giá và thanh khoản của NAG thời gian qua
Vậy điều gì đã khiến cổ phiếu NAG đột nhiên lại hấp dẫn nhà đầu tư đến như vậy?
Để trả lời câu hỏi này, người viết cho rằng xuất phát từ nhu cầu của nhà đầu tư trên thị trường, hay nói đúng hơn là cách chọn cổ phiếu để mua phù hợp trong giai đoạn này. Cụ thể, có hai nhóm cổ phiếu được nhà đầu tư ưa chuộng là cổ phiếu cơ bản tốt và cổ phiếu của doanh nghiệp tái cấu trúc thành công.
Trong trường hợp này, NAG thuộc nhóm thứ hai, cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt khi doanh nghiệp mạnh tay tái cấu trúc toàn bộ hoạt động kinh doanh.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014 của NAG có thể là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự thay đổi của công ty sau hai năm (năm 2011 và 2012) thua lỗ nặng.
Được biết, sản phẩm máy điều hòa không khí và các sản phẩm điện gia dụng của NAG hiện nay đã có mặt ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, giành được nhiều giải thưởng quốc gia. Đặc biệt, được người tiêu dùng bình chọn hàng Việt tốt, chất lượng dịch vụ hoàn hảo năm 2013.
Phải chăng, chính sự sụt giảm của giá cổ phiếu trong giai đoạn khó khăn trước đó lại là cơ hội để nhà đầu tư có thể “gom hàng” với mức giá rẻ!
Cú vấp ngã không kịp trở tay!
“Mức độ trượt giá quá cao, nguồn vốn từ ngân hàng hạn chế cùng với hàng tồn kho lớn đã khiến cho NAG không kịp trở tay trong hoạt động kinh doanh”, ông Nguyễn Đức Khả - Chủ tịch HĐQT NAG chia sẻ khi người viết đề cập đến nguyên nhân thua lỗ hai năm liên tiếp là 2011 và 2012.
Ông Khả nhìn nhận, ảnh hưởng từ bối cảnh chung cuộc khủng hoảng nền kinh tế toàn cầu thực sự rất lớn. Đặc biệt, tại Việt Nam, ảnh hưởng này có độ trễ do những năm 2008-2009 còn có được chính sách kích cầu của Chính phủ. Và NAG cũng không là ngoại lệ. Hơn 1 năm sau khi lên sàn, tức năm 2010, công ty vẫn hoạt động ổn định và hoàn thành được những chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đặt ra nhưng sau đó lại đối mặt với thua lỗ trong hai năm liền, mức lỗ lần lượt hơn 16 tỷ đồng và gần 10 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh NAG từ năm 2010 đến 2013
Không ngại chia sẻ những khó khăn, ông Khả cho biết, ban đầu NAG chỉ tập trung chủ yếu vào ngành điện máy, nhưng sau đó có định hướng mở rộng kinh doanh ra một số ngành nghề nữa. Cụ thể, khi đó NAG đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đầu tư góp vốn vào khoáng sản, gồm 1 nhà máy luyện thép ở Cao Bằng, 1 mỏ Cao Lanh và 3 mỏ sắt tại Cao Bằng.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh năm 2010, NAG đã xây dựng kế hoạch năm 2011 rất cao với lãi ròng tăng gần gấp đôi, ở mức 20 tỷ đồng. Để thực hiện kế hoạch này, NAG quyết định đầu tư xây dựng nhà máy mới tại Bắc Ninh, đồng thời đầu tư một dự án bất động sản gần 500 tỷ đồng tại Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, bất động sản đóng băng, sức mua giảm dẫn đến hàng tồn kho cao (140 tỷ đồng năm 2011, mức cao nhất của NAG từ năm 2008), trong khi đó tốc độ trượt giá lại quá nhanh và lãi suất vay tăng cao đã khiến cho NAG đã không kịp trở tay và phải chấp nhận thua lỗ.
Nagakawa Việt Nam đã tự “làm mát hệ thống” như thế nào?
Để cứu vãn tình thế khi đó, ông Khả cho biết ban lãnh đạo NAG đã quyết định phải tái cấu trúc mạnh mẽ hoạt động kinh doanh.
Đầu tiên, NAG tái cấu trúc lại toàn bộ các hạng mục đầu tư, các lĩnh vực không có thế mạnh và không khả thi thì kiên quyết thoái vốn nhằm mục đích giảm lãi và nợ vay ngân hàng. Cụ thể, NAG đã bán hết các mỏ sắt, thoái vốn khỏi bất động sản để chủ yếu tập trung vào ngành nghề ưu tiên là điện tử điện lạnh với sản phẩm trọng tâm là máy điều hòa.
Bên cạnh đó, NAG cũng thực hiện tinh gọn biên chế, cơ cấu lại bộ máy nhân sự, giữ lại những cá nhân có uy tín, muốn đóng góp lâu dài cho Công ty.
Cuối cùng, NAG đẩy mạnh tái cơ cấu sản phẩm, tập trung vào sản phẩm chất lượng cao. Tăng cường rà soát hệ thống dịch vụ sau bán hàng, tổ chức kiện toàn, đào tạo lại đội ngũ kỹ thuật nhằm nâng cao tinh thần ý thức. NAG cũng đầu tư vào công nghệ cao, phát triển dòng sản phẩm máy thương mại có công suất lớn để phục vụ các công trình lớn. Hiện nay, NAG là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có thể sản xuất điều hòa máy lớn, máy trung tâm.
Kết quả sau hai năm tái cấu trúc, NAG đã bước đầu ghi nhận được những kết quả khả thi khi năm 2013 bắt đầu có lãi. Qua 9 tháng đầu năm 2014, NAG đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất hơn 8 tỷ đồng, hơn gấp 3 lần cùng kỳ.
Ông Khả cho biết, trong quý cuối năm, ngoài nguồn thu chính đến từ kênh bán hàng truyền thống (đại lý và nhà phân phối) trên cả nước. NAG còn một số dự án là bệnh viện Ung bướu Trung ương và Nhà hát Vĩnh Phúc, đây là những công trình NAG cung cấp và lắp đặt máy điều hòa không khí trung tâm có giá trị hàng chục tỷ đồng. Nếu được quyết toán đúng tiến độ, hai dự án sẽ góp phần giúp NAG hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong năm nay.
“Chỉ còn 3 tháng để NAG chạy đua trong hoạt động kinh doanh nhằm đạt mục tiêu kế hoạch ĐHĐCĐ đã đề ra, tuy nhiên Ban lãnh đạo Công ty xác định sẽ quyết tâm cao nhất để hoàn thành”, ông Khả chia sẻ.
Và cho đến nay, NAG cũng đã xây dựng xong kế hoạch kinh doanh năm 2015. Trong đó ban lãnh đạo NAG đang có kế hoạch sẽ đầu tư sang một lĩnh vực mới. Lĩnh vực mới này được kỳ vọng sẽ đưa NAG bước sang trang mới, vừa tăng trưởng bền vững, vừa giúp quy mô doanh nghiệp mở rộng hơn rất nhiều.
Công ty cổ phần Nagakawa Việt Nam tiền thân là Công ty liên doanh Nagakawa Việt Nam, thành lập năm 2002 tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Tháng 7/2002 công ty đã đầu tư máy móc trang thiết bị để sản xuất máy điều hòa ở trong nước với tổng số vốn đầu tư là 100 tỷ đồng. Đến tháng 9/2009, Nagakawa Việt Nam chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã chứng khoán là NAG.
Theo Chủ tịch NAG, mỗi năm công ty cung cấp 30,000 sản phẩm máy điều hòa ra thị trường và hàng chục nghìn sản phẩm điện gia dụng như tủ đông, máy làm lạnh, lò vi sóng, bếp từ, máy hút ẩm… Đặc biệt, NAG còn là nhà thầu cơ điện lạnh chuyên cung cấp thiết bị và lắp đặt điều hòa không khí công suất lớn cho các cơ quan ngành thuế; hệ thống ngân hàng như Ngân hàng NN&PTNT (Agribank), Ngân hàng Hàng Hải (MaritimeBank - MSB); trạm phát sóng của Viettel và nhiều bệnh viện lớn trong cả nước.
|
Một số hình ảnh tại nhà máy của NAG
Sanh Tín
|