Chứng khoán Tuần 10 – 14/11: Tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn!
Diễn biến giằng co là xu hướng chủ đạo của thị trường trong tuần qua. Giao dịch thị trường diễn ra sôi động khi dòng tiền có xu hướng chuyển động quanh các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 10 – 14.11.2014
Giao dịch: Giằng co, cổ phiếu ”họ” Dầu khí trở lại. Các chỉ số thị trường diễn biến trái chiều trong tuần qua, trong đó VN-Index giảm nhẹ 0.37% xuống 600.36 điểm, còn HNX-Index tăng 1.33% dừng ở 90.74 điểm. VS 100 tăng 1.53% chốt tại 112.74 điểm, trong khi VN 30 giảm 0.75% dừng ở 637.9 điểm.
Nhóm VS-Large Cap tăng điểm mạnh nhất tuần qua với 0.47%, tiếp theo là VS-Mid Cap tăng 0.17%, nhưng VS-Micro Cap và VS-Small Cap lại giảm lần lượt 0.49% và 0.41%.
Thanh khoản tăng mạnh 20.2% trên HOSE và đạt 661.5 triệu đơn vị. Đáng chú ý khối lượng khớp lệnh trên HNX đã tăng đột biến 47.2% lên 380.4 triệu đơn vị.
Việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ khiến xu hướng tăng điểm trong các phiên cuối tuần trước không còn được duy trì. Thay vào đó, áp lực chốt lời đã diễn ra mạnh hơn trong tuần qua. Điểm tích cực là dòng tiền bên mua cũng gia tăng hoạt động đã giúp giao dịch thị trường diễn ra giằng co và khá sôi động.
Dòng tiền có xu hướng xoay quanh các nhóm cổ phiếu qua các phiên như bluechip, Chứng khoán, Khai khoáng, Xây dựng, Bất động sản. Tuy đà tăng ở các nhóm cổ phiếu này không quá mạnh nhưng cũng tạo được sự sôi động cho thị trường. Trong đó, Xây dựng và Bất động sản là những nhóm cổ phiếu được gom vào mạnh nhất trong tuần qua với các cổ phiếu nổi bật như FLC, KBC, ITA, DLG, DIG, SCR, PVX, VCG…. Ngoài ra, thị trường cũng xuất hiện các cổ phiếu có giao dịch đột biến và nổi trội như KLF, FIT…
Điểm chú ý khác của thị trường trong tuần là sự trở lại của dòng họ Dầu khí. Đây cũng là nhóm cổ phiếu chính giúp chỉ số HNX-Index có tuần tăng tích cực. Động lực cho đà tăng ở nhóm cổ phiếu này đến từ kết quả kinh doanh quý 3/2014 nổi bật được công bố đồng loạt trong tuần.
Phiên giao dịch cuối tuần, áp lực bán ra bất giờ gia tăng đột biến và khiến chỉ số VN-Index lùi sâu. Mặc dù vậy, lực cầu vẫn duy trì sự ổn định và gia tăng mạnh hơn về cuối phiên. Nhờ đó, đà giảm của chỉ số VN-Index được thu hẹp và tiếp tục duy trì trên mốc tâm lý 600 điểm với giao dịch tích cực.
Nhà đầu tư nước ngoài: Bán ròng mạnh với gần 394 tỷ đồng sau 2 tuần mua ròng liên tiếp. Giao dịch bán ròng của khối ngoại trong tuần tuy tăng mạnh nhưng không ảnh hưởng đáng kể tới tâm lý thị trường. Điều này chứng tỏ dòng tiền trong nước đang khá vững tâm trước các biến động thị trường.
Trên HOSE, khối ngoại bán ròng gần 399 tỷ đồng trong tuần qua. Họ bán mạnh nhất ở KDC (161.9 tỷ đồng), HAG (87.5 tỷ đồng), PVD (69.1 tỷ đồng), GAS (59.8 tỷ đồng), HAR (40.6 tỷ đồng), trong khi mua ròng nhiều nhất ở MWG (30.9 tỷ đồng), HPG (28.4 tỷ đồng), VCB (20.5 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, khối ngoại lại mua ròng nhẹ gần 5 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất ở SHS (19.2 tỷ đồng), IVS (7.8 tỷ đồng), còn bán ròng chủ yếu ở PVS (28.9 tỷ đồng), PVC (14.1 tỷ đồng), HNM (2.3 tỷ đồng),...
Khối tự doanh CTCK: Mua ròng 103 tỷ đồng. Tính đến phiên ngày thứ Năm (13/11), khối tự doanh các CTCK mua ròng đã mua ròng 3.9 triệu đơn vị, tương ứng 103 tỷ đồng.
Lực mua ròng của khối tự doanh tập trung mạnh nhất trong phiên ngày 10/11 và 12/11. Trong đó, phiên 10/11 lực mua của khối tự doanh tập trung ở nhóm cổ phiếu thị giá thấp khi trung bình lệnh mua chỉ đạt 13,000 đồng/cp, khối lượng mua vào là hơn 4.2 triệu đơn vị tương ứng 48.2 tỷ đồng. Phiên 12/11, lực mua ròng lại tập trung vào nhóm cổ phiếu lớn khi trung bình lệnh mua đạt hơn 54,800 đồng/cp, khối lượng mua ròng chỉ đạt 216 ngàn đơn vị nhưng giá trị mua ròng lên tới 57.8 tỷ đồng.
Nhìn chung giao dịch của khối tự doanh tiếp tục diễn ra tích cực và vẫn chủ yếu xoay quanh nhóm cổ phiếu bluechip khi giá bình quân mua bán đạt lần lượt 23,000 - 20,000 đồng/cp.
Cổ phiếu đáng chú ý: Trong tuần qua, số nhóm ngành giảm điểm tăng lên với 12 trong 23 nhóm. Giảm điểm nhiều nhất là DV Lưu trú và Giải trí giảm 4.55%, CNTT – Truyền thông giảm 2.3%, Tiện ích công giảm 2.23%. Trong khi đó, Ngân hàng và Chứng khoán là 2 nhóm tăng nhiều nhất với mức tăng lần lượt 2.29%, 1.28%. Các nhóm cổ phiếu nóng khác như Bất động sản, Xây dựng cũng tăng điểm, ngoại trừ Khai khoáng giảm 1.29%.
Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là BSI tăng 16.8%, trên HNX là PPE tăng 55%, ITQ tăng 37%, CVN tăng 30.7%.
BSI tăng 16.8%. BSI được chú ý trong tuần qua mặc dù không có thông tin hỗ trợ. Nhiều khả năng KQKD tích cực trong quý 3/2014 của BSI đã tiếp tục thúc đẩy dòng tiền đổ vào cổ phiếu này. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của BSI đã tăng mạnh hơn gấp 6 lần so với cùng kỳ 2013 với 31.5 tỷ đồng.
PPE tăng 55%. Việc tăng điểm mạnh của PPE trong tuần qua diễn ra sau khi Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đã bán hết 1,020,000 cp, chiếm tỷ lệ 51% vốn của PPE vào phiên cuối tuần trước (07/11), nhưng không rõ hình thức giao dịch. Dòng tiền đổ mạnh vào PPE nhiều khả năng xuất phát từ dòng tiền đầu cơ đang hoạt động tích cực trên cổ phiếu này.
ITQ tăng 37% và CVN tăng 30.7%. ITQ và CVN đều không có thông tin nào đáng chú ý trong tuần. Khả năng tăng điểm của 2 mã này có thể do dòng tiền đầu cơ nhắm đến những cổ phiếu chưa tăng trước đó. Điểm khác biệt là KQKD quý 3/2014 của ITQ ghi nhận lợi nhuận sau thuế là 1.4 tỷ đồng, trong khi CVN lỗ 103 triệu đồng.
Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HNX là BAM giảm 30.7%. Không có mã giảm điểm nào đáng chú ý trên HOSE.
BAM giảm 30.7%. BAM là mã chứng khoán của CTCP Khoáng sản và Luyện kim Bắc Á, niêm yết lần đầu trên HNX vào ngày 04/11/2014 với giá tham chiếu là 13,000 đồng. Cổ phiếu này giảm điểm liên tục trong tuần qua (ngoại trừ phiên ngày thứ Năm) mặc dù không có thông tin nào tiêu cực. Khả năng giảm điểm của cổ phiếu này có thể xuất phát từ hoạt động chốt lời chung đang diễn ra khá mạnh trên 2 sàn cũng như nhóm Khai khoáng.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)
Phòng Nghiên cứu Vietstock
|