Chậm cổ phần hóa DNNN: Những lý giải… không mới
Theo Bộ Tài chính, 10 tháng đầu năm 2014, cả nước mới sắp xếp được 96 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó cổ phần hóa (CPH) 75/432 DN thuộc diện CPH trong hai năm 2014- 2015.
Năm 2014 đã gần hết và điều đó có nghĩa là kế hoạch CPH các DNNN năm 2014- 2015 sẽ khó hoàn thành. Báo cáo của Bộ Tài chính đã nêu ra những lý do cho sự “lỗi hẹn” này. Song, đáng tiếc, đó là những nguyên nhân… không mới.
Nguyên nhân trước hết được nêu ra là do khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước. Đây là nguyên nhân quá cũ vì khủng hoảng kinh tế thế giới đã phát sinh từ nhiều năm trước, không phải vào năm 2014. Và, cho rằng những khó khăn của kinh tế trong nước làm chậm lại quá trình CPH cũng không hoàn toàn đúng, vì càng khó khăn thì cần phải tích cực, phải hành động quyết liệt để CPH DNNN nhằm cắt bớt gánh nặng ngân sách, đồng thời có thêm nguồn thu dùng vào việc khắc phục hậu quả của DNNN để lại. Hơn nữa, nêu ra nguyên nhân đó dường như có sự mâu thuẫn với đánh giá của chính Bộ Tài chính và Chính phủ khi nhận định rằng, nền kinh tế có những chuyển biến tích cực, lạm phát được kiềm chế, phần lớn các chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 đều hoàn thành.
Nguyên nhân thứ hai là một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, CPH và thoái vốn. Nguyên nhân thứ ba là nhận thức của một số bộ phận cán bộ ở các cấp, ngành và DN về chủ trương tái cơ cấu DN tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu DN đối với phát triển kinh tế- xã hội. Và, nguyên nhân thứ tư là do các DNNN được CPH giai đoạn này đều có quy mô lớn, phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý.
Những nguyên nhân chủ quan nói trên đã được nêu ra khi đánh giá về công tác CPH DNNN những năm trước đây. Câu hỏi được đặt ra là: Chúng ta đã làm gì để khắc phục tình trạng “chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, CPH” và tình trạng “chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu DN đối với phát triển kinh tế- xã hội”? Bên cạnh đó, lý do “cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý” là sự biện minh không hợp lý, vì đây chỉ là vấn đề kỹ thuật, các DN thẩm định giá, DN kiểm toán luôn sẵn sàng vào cuộc khi có yêu cầu!
Vậy, lý do dẫn đến sự chậm trễ trong CPH DNNN là gì? Nếu không tìm được những nguyên nhân xác thực, việc chậm tiến trình CPH sẽ lại là điều khó tránh khỏi.
Phải chăng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là sự thiếu quyết liệt? Chẳng hạn, CPH DNNN nhưng nhà nước vẫn phải giữ cổ phần chi phối trong một số DN sau CPH và cổ phần được bán nhỏ giọt ra công chúng nên khó có thể thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước vì tỷ lệ sở hữu ít ỏi không giúp họ có được tiếng nói trong hội đồng quản trị DN sau CPH. Hơn nữa, khi nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối, các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước sẽ thấy ngay một viễn cảnh “hậu CPH” với bộ máy quản lý, phương thức quản trị DN vẫn như cũ và không có gì bảo đảm rằng, DN sẽ hoạt động tốt hơn, minh bạch hơn.
Sự thiếu quyết liệt còn thể hiện ở chỗ, chúng ta đã và đang gần như bất lực với tình trạng “một số bộ phận cán bộ ở các cấp, ngành và DN chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu DN”. Có đúng là một số bộ phận đó “chưa hiểu đúng” hay đang “cố tình không hiểu đúng”?
Đã đến lúc cần quyết liệt hơn, không thể để kế hoạch CPH DNNN năm nào cũng “lỡ hẹn”!
Hải Yến
công thương
|